Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định xử phạt FPT Telecom 70 triệu đồng và VTVcab là 85 triệu đồng do vi phạm quy định về sở hữu vốn.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 51 Luật Báo chí và Điểm a Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, điều kiện để được cấp giấy phép trước hết là doanh nghiệp Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được sự chấp thuận về chủ trương của Thủ tướng.
Do vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng chưa được sự chấp thuận về chủ trương của Thủ tướng là hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều 17 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ sửa đổi các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, báo chí, hoạt động xuất bản.
Dù đã được phổ biến pháp luật về truyền hình trả tiền, cơ quan quan lý vẫn phát hiện 2 trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vi phạm quy định nêu trên là Công ty VTVCab và Công ty FPT Telecom. Cả 2 doanh nghiệp này khi thực hiện niêm yết cổ phần trên sàn chứng khoán đã không thực hiện thủ tục khóa giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài để đáp ứng điều kiện không xuất hiện vốn nước ngoài tại doanh nghiệp.
Với vi phạm nêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định xử phạt FPT Telecom 70 triệu đồng và VTVcab là 85 triệu đồng.
Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử lưu ý các doanh nghiệp đã có Giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chấp hành nghiêm quy định pháp luật về truyền hình trả tiền nói chung và quy định về sở hữu vốn tại doanh nghiệp nói riêng để đảm bảo duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền theo đúng quy định pháp luật.
Hiện nay, thị trường truyền hình trả tiền có 36 doanh nghiệp được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tại Việt Nam.
Trong quá trình kinh doanh dịch vụ, nếu doanh nghiệp có nhu cầu thực tế về vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp cần nghiên cứu quy định của pháp luật hiện hành để thực hiện thủ tục có chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ trước khi tiếp nhận vốn nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp.
Bộ Tài chính: Doanh nghiệp phải có trách nhiệm đến cùng với trái phiếuĐể phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng cho rằng từng chủ thể tham gia thị trường phải tuân thủ quy định của pháp luật. |
Bộ Tài chính chỉ đạo siết chặt nạn trục lợi từ hóa đơn điện tửBộ Tài chính phát hiện hiện tượng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lợi dụng việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử để xuất khống, mua bán hóa đơn trục lợi, vi phạm pháp luật. |
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu…
Theo: Zing News
Comments are closed.