Năm 1998, ông Mai Liêm Trực, khi đó còn là Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, ra nước ngoài dự Hội nghị châu Á – Thái Bình Dương dành cho các nhà lãnh đạo viễn thông, bưu điện thế giới. Ở đây, lần đầu tiên người đứng đầu Tổng cục Bưu điện biết về một dịch vụ viễn thông mới đầy tiềm năng đang rất phát triển trên thế giới: VoIP.
Khác với quay số trực tiếp (IDD), VoIP được xem là “hạng ghế phổ thông trên chiếc phi cơ viễn thông thế giới”, nơi dịch vụ có chất lượng thấp hơn chút ít so với IDD, nhưng giá rẻ hơn rất nhiều. Nghĩ tới thị trường độc quyền trong nước, những phàn nàn của nhà đầu tư nước ngoài về cước phí viễn thông tại Việt Nam quá đắt, ông Trực đã mang thông tin này về báo các doanh nghiệp, với suy nghĩ “anh nào làm được thì làm, nếu làm giá rẻ để người nghèo cũng gọi được điện thoại thì quá tốt”.
Ý tưởng mang VoIP về Việt Nam lúc đó chỉ có Viettel thực sự để ý. Hai lãnh đạo cao nhất của phòng đầu tư là ông Nguyễn Mạnh Hùng (hiện là Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông) và ông Lê Đăng Dũng (hiện nằm quyền Chủ tịch Viettel) đã bắt tay vào nghiên cứu dịch vụ này. Quyết định triển khai nhanh chóng được thông qua và đội ngũ những người tiên phong của Viettel bắt đầu tìm cách xin giấy phép, mua thiết bị.
Ngày 3/2/2000, Tổng cục trưởng Mai Liêm Trực ký quyết định cho phép Viettel trển khai thử nghiệm dịch vụ 178, và đây là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được cấp phép lúc bấy giờ. Với hơn 2 tỷ đồng tiền vốn, các lãnh đạo Viettel vượt qua bài toán về đầu tư bằng phương án mua trả chậm thiết bị từ đối tác nước ngoài. Giấy phép đã có, thiết bị đã sẵn sàng, Viettel bước vào cuộc đua triển khai hạ tầng để đảm bảo thông đường dây vào ngày vận hành chính thức: 15/10/2000.
Trong trí nhớ của ông Lê Đức Hoàng – Nguyên Giám đốc Viettel IDC, những cuộc họp đầu tiên của Viettel nói về dự án VoIP trong căn phòng cấp 4 trưng dụng từ Binh chủng thông tin liên lạc năm 2000, đầy ắp không khí lo lắng, nhưng sôi nổi. “Chúng tôi xác định dự án chỉ 50/50, bởi anh em đều mơ hồ về làm dịch vụ viễn thông. Sau đó, 5 người được cử đi học ở Hong Kong trong 3 tuần để nắm bắt kỹ thuật về đấu nối dịch vụ mới”, ông Hoàng kể.
Lúc đó, Viettel thiếu vốn, thiếu thiết bị, chỉ có thể triển khai dịch vụ ở hai đầu Hà Nội và TP.HCM với luồng tuyến thuê từ Bộ Tư lệnh Thông tin, đấu nối thuê của bưu điện. Là phụ trách kỹ thuật đầu tiên của Viettel về dịch vụ này, ông Hoàng cho biết những người lính Viettel đã phải trải qua rất nhiều khó khăn do công nghệ mới nhưng thiết bị cũ (đi đào tạo được học trên thiết bị mới, nhưng về làm lại phải thực hiện trên thiết bị cũ), thiếu vật tư dự phòng và thời gian triển khai gấp rút.
“VoIP là cơn ác mộng của tôi, ám ảnh còn hơn cáp quang 1A nữa”, ông Hoàng nhắc lại hai lần với nụ cười trên môi. Người kỹ thuật viên của VoIP 178 lúc đó cũng không hiểu hết hệ thống này chính là bước đệm đưa Viettel từ kẻ làm thuê lên thành người làm chủ, bước vào địa hạt kinh doanh, nơi trục trặc thiết bị đồng nghĩa với việc mất tiền. Người Viettel khi ấy ăn ngủ cùng máy, thậm chí một tuần có tới 6 ngày ngủ lại phòng máy, trực kỹ thuật, chỉ có một ngày để về thay quần áo khác.
Tháng 8/2000, khi đến thăm gian hàng của Viettel tại Triển lãm Điện tử – Viễn thông Việt Nam (tổ chức ở Giảng Võ, Hà Nội), ông Mai Liêm Trực đã gọi điện thoại đường dài với dịch vụ 178, khi đó còn trong diện thử nghiệm. Cuộc gọi thành công, niềm tin vào Viettel và 178 càng được củng cố.
8h kém 15 phút ngày 15/10/2000, VTV phát đi clip quảng cáo “178 – mã số tiết kiệm của bạn”. Đây là lời thông báo Viettel tham gia thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam, kết thúc cuộc đua 254 ngày đêm triển khai lắp đặt và thử nghiệm, mở ra viễn cảnh mới cho công ty xuất thân từ quân đội. Ngồi một mình ở dưới tầng 1 khu văn phòng làm việc, hơi ngỡ ngàng khi xem quảng cáo, ông Trực cảm thấy rất xúc động. Trước đó, lúc 19h tối cùng ngày, ông gọi điện hãng viễn thông Việt, yêu cầu nối mạng cho Viettel để 178 chính thức hoạt động.
“Tôi biết rằng đó sẽ là một đêm lịch sử. Khi ấy, không mấy người hiểu và hình dung được điều này. Ngay cả người Viettel có lẽ cũng không hết sự thay đổi đến mức kinh khủng của thị trường viễn thông Việt sau sự kiện 10/2000”, cựu Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, nhớ lại.
Với hai đầu kết nối Hà Nội và TP.HCM thông qua 4 luồng, trong thời gian đầu, tổng đài 178 của Viettel chỉ có thể kết nối đồng thời 120 cuộc gọi Bắc – Nam. Là dịch vụ mới, lại được thực hiện bởi doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm triển khai kinh doanh, hiểu biết về luật pháp, đấu soát, back-office chưa từng kinh qua… người Viettel đã phải vượt qua những ngày cuối của năm 2000 với bộn bề khó khăn và thử thách.
Nhưng qua mọi trở ngại, 178 thành công, mang về cho Viettel những nguồn lực rất lớn. Từ kinh nghiệm triển khai tại Hà Nội và TP.HCM, Viettel mở rộng dịch vụ 178 tới 62 tỉnh thành khác (lúc đó Hà Nội, Hà Tây chưa sáp nhập), và nhanh chóng hoàn vốn chỉ sau 9 tháng đưa vào khai thác toàn mạng. Nguyên chánh văn phòng Viettel Phan Hữu Vinh nhớ lại: “Mỗi ngày, người Viettel mở mắt ra đã có 3 tỷ đồng – con số lớn hơn cả vốn tích góp qua nhiều năm làm thuê của Viettel trước khi bắt đầu với 178”.
Đến năm 2004, Viettel ra đời dịch vụ di động với đầu số 098, đây cũng là năm khép lại dịch vụ 178. Ngay lập tức, 178 đã trở thành mốc son đánh dấu việc Viettel khởi tạo một thực tại mới cho chính mình (chuyển từ làm thuê sang làm chủ), và một thực tại mới cho ngành viễn thông Việt Nam (gọi điện thoại cố định đường dài từ giá cao sang giá thấp hơn).
Còn ông Vinh gọi VoIP là “con voi sữa” – sản phẩm đã tạo nên thời kỳ tích luỹ vốn quan trọng cho Viettel, là bước đệm xâm nhập vào địa hạt di động cùng kỷ nguyên phát triển bùng nổ.
“Viettel có thiên thời, địa lợi, nhân hoà, nhưng chỉ có những người trí thức, am hiểu kỹ thuật đi làm thuê lại khát khao làm giàu vươn lên thì tổ chức ấy mới thành công được. Muốn làm giàu thì phải làm chủ, và từ VoIP, Viettel đã chính thức làm chủ, tạo nên kỳ tích như bây giờ”.
Theo: Zing News
Comments are closed.