Chi tiêu cho y tế, sức khỏe của người dân gia tăng, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều đã và đang tạo dư địa lớn thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hơn 380 triệu USD (tương đương hơn 9.000 tỷ đồng) là số tiền mà Thomson Medical – “ông lớn” trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế Singapore và Malaysia – đã chi ra để mua lại Bệnh viện FV (TP.HCM) năm 2023.
Phó chủ tịch điều hành của Thomson Medical Kiat Lim nhấn mạnh việc sở hữu FV Hospital sẽ giúp công ty có vị trí chiến lược tại Việt Nam, cũng là cánh cửa để xúc tiến các khoản đầu tư trong tương lai tại một trong những thị trường triển vọng.
Thực tế, tiềm năng của thị trường y tế Việt Nam không chỉ “lọt vào tầm ngắm” của Thomson Medical mà hàng loạt nhà đầu tư lớn khác trên thế giới. Việt Nam đang trở thành “miền đất hứa” của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế, dược phẩm với nhiều nhà đầu tư.
“Miền đất hứa”
Tăng trưởng GDP ổn định và dân số lớn đang giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư bệnh viện tư nhân.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam đã gần cán mốc 100 triệu người, chiếm 1,23% dân số thế giới. Việt Nam đang đứng thứ 15 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ.
Đáng chú ý, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo cơ quan thống kê, đến năm 2038, sẽ có khoảng 21 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 20% tổng dân số và con số này vào năm 2050 là 27 triệu người, chiếm 25%.
Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam liên tục tăng cũng là một yếu tố khiến chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe tăng theo. Năm 2023, GDP bình quân đầu người là 4.284 USD/người. Đến năm 2030, dự kiến đạt khoảng 7.500 USD/người.
Thực tế, chi tiêu cho y tế tại Việt Nam liên tục tăng trưởng nhanh trong các năm qua. Tổng chi tiêu cho y tế của người dân đã tăng từ 16,1 tỷ USD năm 2017 lên đến 22 tỷ USD năm 2022. Ngoài ra, chi tiêu cho y tế/GDP của Việt Nam cũng đã tăng từ 4,52% năm 2016 lên khoảng 6,5% năm 2022.
Theo Hiệp hội các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), nhu cầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đang tăng đột biến về cả số lượng và chất lượng. Chi tiêu cho y tế trên bình quân đầu người dự kiến sẽ tăng 9,2%/năm trong giai đoạn 2009-2025.
“Trong những năm gần đây, Việt Nam có mức tổng chi tiêu y tế tính theo tỷ lệ phần trăm của GDP cao thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Campuchia”, AmCham đánh giá.
Đây cũng là một trong những lý do gần đây không chỉ nhà đầu tư trong nước, mà nhiều ông lớn ngoại liên tục đổ hàng trăm triệu USD vào lĩnh vực y tế, thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc góp vốn, mua bán – sáp nhập (M&A).
CHI TIÊU Y TẾ BÌNH QUÂN 1 NGƯỜI TRONG GIAI ĐOẠN 2010-2022 | ||||||||
Số liệu: Tổng cục Thống kê | ||||||||
Nhãn | 2010 | 2012 | 2014 | 2016 | 2018 | 2020 | 2022 | |
Chi tiêu y tế bình quân | triệu đồng/người | 1.36 | 1.78 | 2.13 | 2.37 | 3.16 | 3.03 | 2.5 |
Bà Hương Trịnh, Giám đốc điều hành BDA Partners – đơn vị tư vấn M&A lớn tại Châu Á – đánh giá trong năm 2023, lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe của Việt Nam vẫn tiếp tục nhận được nhiều quan tâm từ các nhà đầu tư, cả trong nước và nước ngoài.
“Sự ổn định và khả năng chống chọi trước suy thoái kinh tế đã giúp lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam trở thành điểm sáng nổi bật trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức”, bà nói.
Giám đốc điều hành BDA Partners dẫn chứng năm 2023 ghi nhận ít nhất 7 thương vụ M&A liên quan tới bệnh viện tư nhân, tiêu biểu có thể kể tới thương vụ Thomson Medical Group mua lại Bệnh viện FV (381,4 triệu USD). Hay thương vụ đầu tư vào Bệnh viện Xuyên Á (hệ thống bệnh viện có quy mô 6.000 giường bệnh) của Warburg Pincus và thương vụ mua lại Bệnh viện Quốc tế Mỹ của tập đoàn y tế Raffles Medical (45,6 triệu USD).
Điểm chung của các giao dịch này là đều có giá trị từ trung bình tới lớn và đều được thực hiện bởi các nhà đầu tư uy tín trên thế giới.
Bà Hương Trịnh đánh giá các thương vụ M&A trong năm vừa qua đã thể hiện mức độ quan tâm của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nói chung và dịch vụ y tế nói riêng. Hoạt động này vẫn luôn duy trì ngay cả khi các điều kiện vĩ mô không thuận lợi và thể hiện cam kết tầm nhìn dài hạn của các nhà đầu tư đối với thị trường Việt Nam.
Việt Nam cần làm gì?
Theo Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, tính tới năm 2022, toàn thị trường trong nước có gần 320 bệnh viện tư nhân với hơn 22.000 giường bệnh và 38.000 phòng khám tư. Tuy nhiên, số này chỉ đáp ứng hơn 5% tổng số giường bệnh cả nước.
Tại châu Á, y tế tư nhân bình quân chiếm 20-30% trong hệ thống y tế. Còn ở Việt Nam, tỷ lệ y tế tư nhân chỉ chiếm 5,4%. Điều này khiến nhiều bệnh viện công luôn trong tình trạng quá tải, người bệnh tới khám phải chịu cảnh vạ vật, chen chúc, chờ đợi, thiếu cả ghế ngồi.
So với các nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Malaysia, khối bệnh viện tư nhân Việt Nam tăng trưởng chậm hơn nhiều. Một trong những lý do là bởi nhiều rào cản từ chính sách. Các chuyên gia cho rằng Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách để thu hút vốn tư nhân đầu tư vào y tế, đặc biệt trong vấn đề tiếp cận đất đai, pháp lý, cơ chế chính sách hợp lý…
Chính phủ cần tiếp tục định hướng nâng cao quy mô và chất lượng của hệ thống chăm sóc y tế và đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế
Bà Hương Trịnh, Giám đốc điều hành BDA Partners
Đánh giá cao các chính sách và hỗ trợ từ Chính phủ, bà Hương Trịnh cho biết các nhà đầu tư đã có thể tiếp cận các cơ hội đầu tư vào bệnh viện khu vực tư nhân một cách thuận lợi. Nhờ vậy, trong 5 năm vừa qua (2018-2023), số lượng giao dịch M&A về bệnh viện tư nhân đã tăng đáng kể so với giai đoạn trước với hơn 15 thương vụ.
“Nhìn chung, các giao dịch M&A đã và sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc tiếp tục hoàn thiện các quy định và thủ tục, bao gồm các hướng dẫn cụ thể về thủ tục thực hiện chấp thuận M&A, tập trung kinh tế, cũng như các thủ tục đầu tư khác”, bà nhìn nhận.
Đối với lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, Giám đốc điều hành BDA Partners cho rằng việc Chính phủ tiếp tục định hướng nâng cao quy mô và chất lượng của hệ thống chăm sóc y tế và đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế sẽ là một trong những động lực giúp việc đầu tư vào các bệnh viện thêm hấp dẫn hơn.
TP.HCM cần cơ chế riêng, chính sách giao đất
Đầu năm 2023, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã kiến nghị một số cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn lực xã hội, nhất là hệ thống y tế tư nhân tham gia phát triển thêm các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa kỹ thuật cao.
Dự án xây mới Khoa khám bệnh Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới được chấp thuận từ năm 2011 nhưng hơn 10 năm trôi qua vẫn không thể thực hiện do vướng quy hoạch. Ảnh: Duy Hiệu. |
Cơ quan này đề xuất có cơ chế, chính sách giao đất để hệ thống y tế tư nhân tham gia xây dựng thêm bệnh viện mới, đặc biệt ưu tiên cho chuyên khoa đang quá tải tại bệnh viện công lập như chấn thương chỉnh hình, ung bướu, tim mạch, thần kinh… quy mô 300-500 giường/bệnh viện.
Đặc biệt, đề án “Hình thành trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao” cần kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư, sớm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân trong khu vực.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, cho rằng các nhà đầu tư trong lĩnh vực y tế – dược phẩm không chỉ quan tâm đến các chính sách hỗ trợ hay ưu đãi tài chính mà còn rất quan tâm đến sự an toàn, ổn định.
“Các chính sách cần hướng tới sự an toàn, ổn định yên tâm cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế đang rất lớn nên chính sách của Việt Nam cũng cần sự cạnh tranh và có nhiều ưu đãi hơn”, ông nói.
Bên cạnh đó, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng cần có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Sự phối hợp này rất quan trọng, đặc biệt doanh nghiệp trong nước cần được trao cơ hội thông qua các cơ chế, chính sách hợp tác cùng phát triển.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri thức – Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.
‘Đại gia’ nào đang hiện diện trên thị trường bệnh viện tư nhân?Cuộc chiến tranh giành thị phần trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang “nóng” hơn khi ngày càng nhiều bệnh viện tư nhân được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mở rộng. |
Đại gia ngoại chi hàng trăm triệu USD thâu tóm mảng y tếChỉ riêng năm 2023, thị trường đã ghi nhận không ít thương vụ M&A của nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dược phẩm với số vốn đầu tư hàng trăm triệu USD. |
Thủ tướng yêu cầu không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốnThủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành ngân hàng không để Chính phủ bị động, bất ngờ về chính sách tiền tệ, ách tắc trong lưu thông tiền tệ. |
bệnh viện tư nhân
Tp. Hồ Chí Minh
bệnh viện
chăm sóc sức khỏe
fdi
y tế
đầu tư bệnh viện
Theo: Zing News
Comments are closed.