Ủy ban Kinh tế cho rằng dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, do đó Chính phủ cần tính toán kỹ tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5% của năm 2022.
Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV sáng 20/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế – xã hội.
Ủy ban Kinh tế cho rằng bên cạnh việc Chính phủ đặt chỉ tiêu cao để phấn đấu thì cũng cần cân nhắc tính khả thi khi thực hiện mục tiêu GDP tăng 6-6,5% năm sau.
Theo Ủy ban Kinh tế, dịch vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm vẫn cao, nguy cơ tiếp tục xuất hiện những biến chủng virus mới có khả năng lây lan cao hơn, bùng phát mạnh. Do đó, cần phải nghiên cứu xây dựng các kịch bản tăng trưởng GDP.
Một số nơi còn sợ chịu trách nhiệm về chống dịch
Theo Ủy ban Kinh tế, các biện pháp mạnh mẽ để phòng chống dịch Covid-19 – bao gồm phong tỏa, giãn cách kéo dài ở nhiều địa phương – đã gây tác động rất tiêu cực đến kinh tế, nhất là tại TP.HCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam, nơi đóng góp khoảng 45% GDP của cả nước.
Ngoài ra, tác động cũng xảy ra đáng kể ở Hà Nội và một số tỉnh ở phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương. Đây là là khu vực tập trung trọng điểm về sản xuất công nghiệp.
Giãn cách xã hội ở một số địa phương gây ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của quý III là -6,17%, mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam công bố GDP quý đến nay. Các hoạt động kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nặng nề, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%, tiêu dùng giảm 2,83%, vận tải hành khách giảm 69,6%…
Tỷ lệ thất nghiệp là 3,72%, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất từ quý I/2020 đến nay. Tình trạng này kéo tăng trưởng 9 tháng xuống 1,42%; dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP cả năm ước chỉ khoảng 3%.
Cũng theo Ủy ban Kinh tế, một số nơi còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và sợ chịu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch. Việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế di chuyển và công tác phối hợp, tổ chức thực thi tại một số địa phương còn lúng túng, cứng nhắc, thiếu tính đồng bộ, nhất quán, chưa được điều chỉnh kịp thời.
Điều này vừa không bảo đảm mục tiêu phòng chống dịch, vừa phát sinh thủ tục hành chính, gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, gia tăng chi phí không cần thiết. Ủy ban cho rằng thậm chí có hiện tượng lợi dụng chính sách phòng chống dịch và việc quyên góp, ủng hộ để trục lợi.
Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá rõ hơn công tác điều hành, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của các địa phương.
Ủy ban yêu cầu làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, những hạn chế lớn, nhất là hành lang pháp lý để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về y tế, việc đầu tư sản xuất vaccine, thuốc điều trị, quản lý dân cư… trong quá trình phòng chống dịch thời gian qua để có các chiến lược, chính sách phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn.
Khó tiếp cận gói hỗ trợ
Theo ông Vũ Hồng Thanh, có ý kiến cho rằng các gói hỗ trợ vẫn khiêm tốn, khó tiếp cận, thấp hơn các nước trong khu vực về quy mô. Các gói hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ từ năm 2020 tới nay ước đạt khoảng 4% GDP.
Do đó, Chính phủ cần báo cáo bổ sung đầy đủ hơn các nguồn lực từ ngân sách trung ương, các khoản đóng góp xã hội khác cho công tác phòng, chống dịch để phân tích, đánh giá kỹ hơn quy mô, mức độ phù hợp của gói hỗ trợ, làm cơ sở hoạch định chính sách cho giai đoạn tới.
Tiến độ tiêm vaccine quý III là rất tích cực, nhưng do bị chậm trong giai đoạn đầu dẫn tới tỷ lệ bao phủ còn thấp, vẫn đứng sau các nước trong khu vực ASEAN. Đây là thách thức lớn để bảo đảm mục tiêu 70% dân số được tiêm phòng trong nửa đầu năm 2022.
Ông Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá làm rõ hơn nguyên nhân các chỉ tiêu không đạt, đặc biệt với chỉ tiêu đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP cả năm ước đạt khoảng 32%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra từ 45-47%.
Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, ước cả năm khoảng 4,4-4,9% đạt mục tiêu năm 2021, chưa rõ đạt hay không đạt mục tiêu đề ra (khoảng 4,8%).
Về giải ngân đầu tư công, Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng giải ngân ước tính tới ngày 30/9 mới đạt trên 218.550 tỷ đồng (tương ứng 47,38%, cùng kỳ là 56,33%). Tiến độ này là rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Số vốn chưa phân bổ, giao chi tiết đến 15/9 còn trên 56.320 tỷ đồng (chiếm 12,2% kế hoạch).
Điều này tác động lớn đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Trong năm 2022, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.
Ủy ban đề nghị Chính phủ quán triệt và nghiêm túc thực hiện mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe của nhân dân, cả về thể chất và tinh thần, đồng thời duy trì hoạt động kinh tế – xã hội bình thường ở mức độ tối đa có thể trong điều kiện có dịch bệnh.
Chuyên gia: Cần mở cửa mạnh, không ngập ngừng để hỗ trợ doanh nghiệpTheo các chuyên gia, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19, quan trọng nhất là mở cửa nền kinh tế mạnh mẽ. |
Miền Trung giải bài toán việc làm cho lao động về quê thế nào?Các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi lập kế hoạch đào tạo, kêu gọi doanh nghiệp ở các Khu kinh tế, khu công nghiệp ưu tiên sử dụng lao động về quê tránh dịch Covid-19. |
cân nhắc mục tiêu tăng trưởng GDP 2022
báo cáo thẩm tra kinh tế xã hội
báo cáo thẩm tra
quốc hội
kinh tế xã hội
báo cáo kinh tế xã hội quốc hội
Theo: Zing News
Comments are closed.