Đi lên từ dưới vạch xuất phát, ông Ngô Xuân Mạnh – CEO Tập đoàn Đại Việt có nhiều triết lý kinh doanh khác biệt.
Từ cậu bé nông thôn, mồ côi cha khi mới 5 tuổi, gia cảnh khốn khó, ông Ngô Xuân Mạnh đã từng bước trở thành người đứng đầu doanh nghiệp điện lạnh với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Thành công này có được một phần nhờ triết lý kinh doanh độc đáo của nhà lãnh đạo.
Ông Mạnh không xem những chiếc máy lọc nước, máy làm mát của mình là những cục nhựa, cục sắt vô tri mà là sản phẩm chứa đựng sự sâu sắc, tinh tế bên trong.
Theo lãnh đạo tập đoàn, nếu “chất” là ngầu, dị, thì sản phẩm của Đại Việt không thể gọi là chất. “Cái chất của Đại Việt không phô bày bên ngoài mà là cốt cách, linh hồn bên trong. Nếu ai không hiểu bản chất chiến lược thổi linh hồn, ươm cốt cách của Đại Việt sẽ nghĩ tôi hoang đường”, ông Ngô Xuân Mạnh nói.
Cụ thể, ông cho rằng nếu người tiêu dùng chỉ đánh giá sản phẩm thông qua nguyên vật liệu của nó thì sẽ cảm thấy mình đã mua một sản phẩm quá đắt đỏ. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những chi phí khác như dây chuyền sản xuất, công nghệ, nhân công… và đặc biệt là giá trị thương hiệu thì họ sẽ thấy số tiền mình bỏ ra là xứng đáng.
Có một nguyên tắc luôn đúng trong mọi lĩnh vực: Muốn tiến xa thì đừng ngại thất bại, nhưng cũng không được phép ngủ quên trên chiến thắng.
“Tự ti hay tự mãn đều giết chết hoài bão của một người. Nếu như thế, chắc hẳn tôi đã tự bằng lòng khi thấy doanh thu của Đại Việt ổn định và tăng theo từng năm”, ông Mạnh chia sẻ.
Theo vị lãnh đạo này, khi đã có được sự hài lòng của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cần đặt ra những câu hỏi sâu xa hơn.
“Chỉ hài lòng liệu có đủ? Chúng tôi chưa bao giờ ngừng trăn trở về điều này, vạch ra những kế hoạch, chiến lược cụ thể để thực hiện bài toán ấy suốt hơn 17 năm qua. Chúng tôi muốn mang đến cho người tiêu dùng cảm giác xứng đáng, tự hào, rằng họ có một sản phẩm xứng đáng với số tiền đã bỏ ra, tự hào về thương hiệu mình đã lựa chọn, cũng như thể hiện tính cách, đẳng cấp của họ”, ông Mạnh nói.
Tu thân trong khởi nghiệp là rèn luyện đạo đức cá nhân, chân thành, trung thực, kiên cường, bình tĩnh.
Nhiều người nói về “gặp thời”, được hiểu như một cơ may mà starup có được khi bắt đầu xây dựng sự nghiệp, nhưng may mắn chỉ có thể giữ bạn ở một tầm cao trong khoảng thời gian nhất định, còn trình độ và thái độ mới là mấu chốt.
Nếu không có đạo đức cá nhân, ai sẽ cống hiến tài năng và đồng hành cùng bạn? Nếu không có đạo đức kinh doanh, ai sẽ trở thành khách hàng thân thiết của bạn? Và nếu không có chữ tín từ những việc nhỏ nhất, ai sẽ là đối tác của bạn?
Người sáng lập là gốc rễ của một doanh nghiệp. Nếu không có sự bao dung, công bằng, đánh giá toàn diện và tính kết nối tập thể thì không tiến xa được.
Mỗi doanh nghiệp là một gia đình và các bộ phận, nhân viên đều là thành viên trong ngôi nhà chung.
Mấu chốt quyết định thành công của doanh nghiệp là con người, hay nói cách khác, con người là tài sản lớn nhất của một doanh nghiệp. Chỉ khi có nguồn nhân lực tốt, bạn mới có thể tạo ra những sản phẩm đẳng cấp và có được khách hàng xứng tầm.
Đại Việt thường tuyển dụng sinh viên mới ra trường và chấp nhận dùng nhiều năm để đào tạo, vì họ là một tờ giấy trắng, mang trong mình nhiệt huyết và hoài bão.
CEO Ngô Xuân Mạnh khẳng định: “Tôi không bao giờ thỏa hiệp với việc hạ thấp tiêu chí để có đủ nhân viên. Không thể vì cái ngắn hạn mà bỏ mặc cái dài hạn. Mình bạn không thể tạo dựng một thương hiệu và xa hơn là cả đế chế. Bạn cần những con người có tài năng, trách nhiệm, đạo đức và nhiệt tình để đồng hành cùng bạn”.
Giống như một quốc gia phải có thể chế luật pháp, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cũng cần có nguyên tắc chọn đối tác.
Đối tác chính là những người mang hình ảnh sản phẩm, thương hiệu của bạn đến với người tiêu dùng. Nếu bạn chọn nhầm thì hậu quả sẽ khôn lường, còn nếu không có chuẩn mực chọn thì sau này sẽ không có cơ hội để sửa chữa khi công ty đã phát triển lớn. Đó là lý do Đại Việt lựa chọn đối tác rất khắt khe. Thị trường Việt Nam có đến hơn 20.000 điểm bán, đại lý, nhưng doanh nghiệp này chỉ chọn 7.500 điểm bán và trong đó chỉ có 3.500 đại lý chính thức ký hợp đồng dài hạn.
“Đối tác là cánh tay phải cùng ta xây dựng sự nghiệp lâu dài, là bộ mặt khi đối diện với khách hàng, là cách chúng ta khẳng định chúng ta là ai và đường lối phát triển là gì. Đó là lý do Đại Việt lựa chọn rất khắt khe, bất chấp việc bị hiểu lầm là cố tình làm khó hay hoang đường, tự cao. Tất cả đại lý được lựa chọn đều phải ký cam kết làm đúng quy định các tiêu chí Đại Việt đưa ra, để đảm bảo các chuẩn mực trong kinh doanh, xây dựng hình ảnh đẹp với người tiêu dùng”, ông chia sẻ.
Ông Mạnh cho biết: “Có nhiều doanh nghiệp chi bộn tiền để tạo dựng một hình ảnh hào nhoáng. Tôi sẽ không nhận định đường lối của họ đúng hay sai, nhưng đó không phải là cách tôi định hướng cho Đại Việt. Chúng tôi muốn khi nói đến Đại Việt, khách hàng không chỉ nhớ tới một công ty cơ điện lạnh, mà còn biết đây là thương hiệu vì cộng đồng và truyền cảm hứng”.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, tập đoàn đã đồng hành cùng các chương trình các tổ chức từ thiện xã hội, xây nhà tình nghĩa, điện, đường, trường, trạm, cấp học bổng cho sinh viên nghèo… Nổi bật nhất phải kể đến dự án Ngày nước tái sinh, cung cấp nước sạch miễn phí cho những khu vực còn nhiều khó khăn, bệnh viện, trường học vùng sâu vùng xa, bến xe nơi có nhiều người nghèo chưa có nước sạch sử dụng ở 63 tỉnh thành cả nước. Dự án có mức đầu tư dự kiến trên 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Đại Việt còn ghi dấu ấn với nhiều chương trình thiện nguyện, vì cộng đồng. Công ty tài trợ máy lọc nước cho Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, dự án “Cõng điện lên bản” của Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh…
Nỗ lực vì sứ mệnh bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, tài trợ các dự án có ý nghĩa cho xã hội giúp Đại Việt từng bước đi vào lòng khách hàng với hình ảnh “Thương hiệu vì cộng đồng”.
“Với số tiền dành cho các dự án từ thiện, tôi tin nếu dùng để đầu tư vào truyền thông thương hiệu thì sẽ mang lại lợi ích cao hơn. Nhưng chúng tôi muốn đi một hành trình ý nghĩa. Nếu chỉ có sự ấn tượng bên ngoài mà không có tính sâu sắc bên trong, thì khác nào một người chỉ có bề ngoài đẹp đẽ nhưng đầu óc trống rỗng và trái tim vô cảm”, lãnh đạo tập đoàn chia sẻ.
Không có điều gì tạo dựng từ sự lừa gạt mà có thể phát triển bền vững. Chất lượng sản phẩm phải đạt tiêu chí, nhưng doanh nghiệp cần cố gắng để vượt qua cả tiêu chí ban đầu. Giá thành sản phẩm phải phù hợp với chất lượng cũng như túi tiền của người dân. Sản phẩm phải có tính ứng dụng thật sự.
Mất một khách hàng nghĩa là mất rất nhiều khách hàng. Có được sự tin cậy của một khách hàng nghĩa là sẽ có thêm rất nhiều khách hàng khác.
“Khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, bạn phải cho họ sự tự hào vì đã đóng góp vào sự phát triển của đất nước bằng nghĩa vụ nộp thuế, các hoạt động đóng góp cho cộng đồng. Bạn bán một sản phẩm chính là bán kèm một lời cam kết về chất lượng cũng như dịch vụ bảo hành, dịch vụ chăm sóc khách hàng. Nếu bạn quay lưng với khách hàng khi họ khiếu nại, chính là bạn quay lưng với thương hiệu của mình, danh dự của mình”, ông Ngô Xuân Mạnh nhấn mạnh.
Ở Đại Việt, nguyên tắc đầu tiên trong truyền thông xây dựng hình ảnh là không nói sai sự thật. Đây là rào cản, khó khăn lớn đối với đội ngũ marketing, và cần rất nhiều chất xám để truyền đạt tinh thần cũng như giá trị của sản phẩm đến người tiêu dùng.
Một trong những nguyên tắc quan trọng của công ty là nói không với scandal. Các hình ảnh truyền thông của Đại Việt trước công chúng đều chân chất mộc mạc và Đại Việt không sử dụng đại sứ thương hiệu bằng hình ảnh cá nhân gắn với hình ảnh sản phẩm của mình.
“Điều tôi mong đợi là gần 100 triệu người dân Việt Nam đều dùng sản phẩm của Đại Việt, đó chính là những đại sứ thương hiệu chân thật nhất. Chúng tôi ý thức được mình đang sản xuất sản phẩm cho người thân sử dụng. Vì vậy giá trị sản phẩm, hình ảnh thương hiệu được đặt lên hàng đầu”, ông nói.
Theo: Zing News
Comments are closed.