Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng cần linh hoạt về chính sách “3 tại chỗ”, trong đó nên để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về rủi ro của chính mình.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, quy định “3 tại chỗ” hay “một cung đường 2 điểm đến” được nhiều nước áp dụng khi dịch xảy ra nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, việc thực thi chủ yếu trên cơ sở tự nguyện của các doanh nghiệp.
Quy định “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ) và “2 điểm 1 đường” (chỉ duy nhất một) cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở.
“Đó là các quyết định về quản lý và xử lý rủi ro của từng doanh nghiệp, từng cơ sở sản xuất”, ông nói
Cần linh hoạt chính sách
Ông Nguyễn Xuân Thành nói rằng trước khi UBND TP.HCM có khuyến cáo này, rất nhiều doanh nghiệp FDI tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai đã “lập trại” trong khu sản xuất để cho công nhân ở lại, bởi họ có nguồn lực và được khuyến cáo bởi các công ty mẹ.
Ông nhận định các doanh nghiệp có quy mô lớn, có nguồn lực để áp dụng “3 tại chỗ”. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn khó khăn về tài chính. Cơ sở sản xuất cũng không đủ phương tiện, công tác tổ chức ăn ở, điều kiện sinh hoạt còn kém gây ra áp lực quá lớn cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Thành. Ảnh: Duy Anh. |
“Nếu như quy định bắt buộc như vậy thì họ lựa chọn ngưng sản xuất”, ông nói.
Theo ông, với diễn biến dịch phức tạp hiện nay, nếu như Chính phủ vẫn lựa chọn thực hiện “mục tiêu kép” thì phải có chính sách linh hoạt cho doanh nghiệp, đưa trách nhiệm quản lý rủi ro cho doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp nào có điều kiện vẫn thực hiện “3 tại chỗ” thì phải có hướng dẫn cụ thể về điều kiện thực hiện, ví dụ như các tổ sản xuất, thời điểm ăn ở, sinh hoạt của công nhân cũng phải cách ly nhau…
Nếu như quy định bắt buộc như vậy thì họ lựa chọn ngưng sản xuất
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành
Doanh nghiệp nào không đủ điều kiện “3 tại chỗ” thì giảm quy mô, thực hiện giãn cách trong hoạt động sản xuất, ăn uống sinh hoạt của người lao động.
Riêng về xét nghiệm định kỳ thường xuyên, ông Nguyễn Xuân Thành đánh giá đây là quy định đảm bảo an toàn và giảm rủi ro, giúp phát hiện F0 một cách chủ động. Do đó, ông cho rằng vẫn cần phải thực hiện cho dù nó là gánh nặng tài chính rất lớn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, giảng viên Trường chính sách công Fulbright mong muốn ngân sách của địa phương thậm chí là trung ương có thể hỗ trợ chia sẻ gánh nặng này cho doanh nghiệp. Bởi nếu như Chính phủ vẫn kiên quyết vừa chống dịch, nhưng vẫn duy trì được hoạt động kinh tế thì không thể nào người dân và doanh nghiệp có thể trang trải được mọi chi phí tài chính lúc này.
Giải pháp tránh gián đoạn sản xuất
Bàn về việc áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 địa phương phía Nam, ông Nguyễn Xuân Thành nhận định đã làm xáo trộn trong chuỗi cung ứng trung gian giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, và giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng.
“Nếu việc áp dụng các quy định cứng nhắc và thiếu nhất quán, tất yếu sẽ gây gián đoạn trong chuỗi cung ứng”, ông nhận định.
Do đó, ông kiến nghị giữa TP.HCM và các tỉnh thành Nam bộ đang trong thời gian thực hiện chỉ thị 16, nên có sự nhất quán trong việc ra các quyết định kiểm soát dịch giữa các địa phương để không làm xáo trộn chuỗi cung ứng hàng hoá giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.
Một khu ở cho công nhân khi doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ” tại TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Ngoài ra, Thành phố nên cần có những hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp tổ chức sản xuất đảm bảo giãn cách, thực hiện các quy định về quản lý rủi ro để tránh lây nhiễm.
Có một điểm thuận lợi, đặc biệt là doanh nghiệp trong khu công nghiệp sản xuất, xuất khẩu quy mô lớn bình thường không có Covid-19 thì họ cũng đã có những chuẩn mực về vệ sinh an toàn, năng lực tổ chức của các bộ phận về đảm bảo an toàn lao động.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn và không sẵn sàng, thiếu kinh nghiệm thì phải có sự hướng dẫn của các đơn vị như Ban quản lý, chủ đầu tư các khu công nghiệp.
TP.HCM nên dùng ngân sách địa phương, cắt giảm các nguồn khác để ra những quyết định hỗ trợ, chia sẻ ngay với các doanh nghiệp
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành
Các đơn vị này phải cử người giám sát, hướng dẫn, tổ chức lại dây chuyền sản xuất để phù hợp với bối cảnh phòng chống dịch. Ông lấy ví dụ các hiệp hội doanh nghiệp FDI thường xuyên tổ chức các hội thảo trực tuyến giữa các doanh nghiệp với nhau để truyền đạt và chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này.
“TP.HCM nên dùng ngân sách địa phương, cắt giảm các nguồn khác để ra những quyết định hỗ trợ, chia sẻ ngay với các doanh nghiệp”, ông Thành nói.
Ngoài ra, với chi phí mỗi một lần xét nghiệm của toàn bộ công nhân, ông đề xuất doanh nghiệp chỉ chịu 50-70%, còn lại ngân sách Thành phố hỗ trợ. Như vậy, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tuân thủ quy định để hạn chế tối thiểu rủi ro.
Cấp thiết triển khai các gói hỗ trợ
Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, đây là thời điểm mà Nhà nước phải tăng chi ngân sách, không chỉ là công tác phòng chống dịch trực tiếp mà là nguồn tài chính được chi trực tiếp cho các doanh nghiệp hỗ trợ người lao động.
“Trong tình huống này, không chỉ là hỗ trợ doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất hay người lao động mất việc mà cả những doanh nghiệp vẫn đang sản xuất”, ông nói.
Ông dẫn chứng đến hiện tại, ngân sách Nhà nước vẫn tăng thu. So sánh trên thế giới, Việt Nam là quốc gia duy nhất ngân sách tăng thu vượt dự toán. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ của Việt Nam lại đang tương đương với quy mô các nền kinh tế thấp nhất thế giới.
Việc ngân sách tăng thu nghĩa là trong thời gian, đóng góp của người dân và doanh nghiệp cho nền kinh tế nhiều hơn ở một số nền kinh tế khác. Do đó, theo ông Nguyễn Xuân Thành đây là lúc ngân sách nên phân bổ lại, xác định một tỷ lệ phần trăm các khoản chi phí doanh nghiệp phải chi để cấp thiết trợ cấp. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những điều kiện xét duyệt hỗ trợ không quá khắt khe.
Thu ngân sách 6 tháng đầu năm | Tỷ đồng | Tăng thu |
Thu ngân sách tại TP.HCM | 199.000 | 21% |
Thu ngân sách cả nước (theo ngành thuế) | 656.000 | 14,3% |
“Chúng ta nên tập trung vào hậu kiểm sau này, còn trước mắt chính sách phải ‘thoáng’ trong chuyện chi hỗ trợ cho doanh nghiệp”, ông nói.
Ông Thành cho biết so sánh một số nước khác thì họ chấp nhận một mức thâm hụt ngân sách cao hơn để tăng chi, nhưng phần chi đó là chi hỗ trợ trực tiếp. Ưu tiên hàng đầu là chi cho hoạt động phòng chống dịch trực tiếp, thứ hai là doanh nghiệp và người lao động bị tác động.
Thậm chí có những nước biết là điều kiện ràng buộc thì có thể sẽ là tránh sai đối tượng nhưng triển khai lại khó khăn, đặc biệt là trong tình huống cần tiền hỗ trợ phải đến tay người nhận nhanh nhất. Do đó, họ đơn giản hoá các điều kiện, thậm chí là cứ chuyển tiền hẳn cho doanh nghiệp, có thể có sai sót về đối tượng nhưng cuối cùng tiền vẫn đến tay người dân, doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn này.
Chúng ta nên tập trung vào hậu kiểm sau này, còn trước mắt chính sách phải ‘thoáng’ trong chuyện chi hỗ trợ cho doanh nghiệp
Nguyễn Xuân Thành
Ngoài ra, việc chi hỗ trợ không chỉ dựa vào năng lực giải ngân của ngành lao động, xã hội và chính quyền địa phương. Chính phủ cần sử dụng các kênh khác như hệ thống ngân hàng, tài khoản nộp thuế của doanh nghiệp thì sẽ đảm bảo đúng địa chỉ người cần nhận.
Ông lấy ví dụ Hàn Quốc đã chuyển tiền hỗ trợ cho người lao động thông qua tài khoản ngân hàng, có ví điện tử của họ. Với người lao động chưa có thì phát thẻ ghi nợ. Việc áp dụng cách làm này về sau việc chứng minh tiền đến ai thì rất dễ dàng hậu kiểm vì tất cả đều là giao dịch điện tử.
Do đó, ông Thành đề xuất 2 giải pháp cần làm ngay.
Thứ nhất, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho những doanh nghiệp các khoản chi phí đấy thì cam kết hỗ trợ ngay hoặc sau này tính sau.
Thứ hai, những doanh nghiệp đang hoạt động thì cần ngay những khoản hỗ trợ thêm, như hiện nay mức miễn giảm thuế cũng khiêm tốn, mà lại chủ yếu tập trung vào hoãn nộp thuế, tức là trước sau gì cũng phải nộp.
Ông cho rằng cần phải có biện pháp miễn giảm mạnh hơn, thậm chí là giảm lãi suất, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng (GTGT). Với thuế thu nhập doanh nghiệp thì có lợi cho những doanh nghiệp vẫn đang có lợi nhuận, nhưng đối với những doanh nghiệp vẫn phải hoạt động kinh doanh nhưng không còn có lợi nhuận nữa thì có miễn giảm thuế TNDN cũng khó.
Theo ông, đây là lúc cần có quyết định mạnh mẽ từ Chính phủ. Ngoài ra, Quốc hội cũng cần có một nghị quyết về giảm thuế suất, thuế GTGT trong thời gian Covid-19 này, vừa có lợi cho doanh nghiệp sản xuất bán hàng, vừa có lợi cho người tiêu dùng.
“Một cái hỗ trợ theo cả 2 hướng trực tiếp về mặt tài chính để chia sẻ chi phí tăng thêm cho doanh nghiệp, đồng thời là miễn giảm thuế mạnh tay hơn”, ông nói.
Thế khó của doanh nghiệp TP.HCM khi thực hiện ‘3 tại chỗ’Nguyên tắc “3 tại chỗ” và “một cung đường 2 địa điểm” đang khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng. Nhiều đơn vị cho rằng TP.HCM có thể linh hoạt hơn trong các quy định. |
quy định 3 tại chỗ
Tp. Hồ Chí Minh
nguyễn xuân thành
linh hoạt chính sách 3 tại chỗ
chính sách 3 tại chỗ
doanh nghiệp khó khăn vì 3 tại chỗ
2 điểm một đường
Theo: Zing News
Comments are closed.