Báo cáo tài chính quý III, niên độ 2017-2018 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) cho thấy doanh thu của tập đoàn tăng mạnh 42%, lên hơn 10.350 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi vay ngân hàng cũng tăng gần 40%, lên 190 tỷ đồng, chi phí bán hàng lên tới 505 tỷ đồng.
Đáng chú ý, báo cáo thể hiện tình hình vay nợ ngày một gia tăng, gây sức ép tiêu cực đến tăng trưởng của tập đoàn đại gia đại gia tôn Lê Phước Vũ. Tính đến hết quý III niên độ 2017 – 2018 (từ 1/4/2018 đến 30/6/2018), nợ phải trả của Tập đoàn Hoa Sen là 18.385 tỷ đồng.
Cụ thể, trong niên độ này, Hoa Sen phát sinh 6 khoản vay mới, trong đó khoản vay 1.120 tỷ đồng của BIDV có giá trị lớn nhất. Dù cũng tất toán 8 khoản nợ, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của Hoa Sen vẫn lên mức kỷ lục là 3,02 lần.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế trong qúy chỉ gần 83 tỷ đồng, giảm rất mạnh so với con số 271,5 tỷ cùng kỳ 2017. Lũy kế 3 quý niên độ 2017-2018 (từ 1/10/2017 đến 30/6/2018), lãi ròng của doanh nghiệp đạt 512 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ.
So sánh với đối thủ Hòa Phát, doanh nghiệp của đại gia Lê Phước Vũ đang có tình hình tiêu cực hơn nhiều.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2018, Hòa Phát lãi ròng 4.425 tỷ đồng, tăng trưởng 27%.
Báo cáo tài chính quý II niên độ 2017-2018 của Hoa Sen cũng thể hiện chi phí lãi vay tăng tới 70%, với khoản nợ ngắn hạn lên tới 12.646 tỷ đồng, tăng hơn 3.600 tỷ so với đầu kỳ. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 87 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ.
Tình hình vay nợ của Hoa Sen đã được nhà đầu tư cảnh báo từ các năm tài chính trước đó. Dấu hiệu lao dốc về lợi nhuận được nhiều chuyên gia đánh giá là vì gia tăng nợ vay để củng cố thị phần, khiến cho tỷ suất của Hoa Sen không thể duy trì như trước. Giá cổ phiếu của doanh nghiệp cũng ngày một sụt giảm, nhà đầu tư liên tiếp thoái vốn.
Nguyên nhân khiến lợi nhuận năm nay giảm sâu so với mọi năm được Hoa Sen lý giải là chi phí hoạt động đồng loạt tăng cao. Thị phần một số sản phẩm chính của doanh nghiệp đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các đối thủ khác, khiến doanh nghiệp phải vay thêm nợ để củng cố thị phần.
Các chỉ số tài chính ngày một xấu đi đã tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu. Thị giá cổ phiếu Hoa Sen đã giảm hơn 48% so với đầu năm, đồng thời lực bán ra của khối ngoại tăng mạnh. Nhiều công ty chứng khoán đánh giá về giá trị hợp lý cổ phiếu này chỉ còn 12.656 đồng/cổ phiếu, nhưng vẫn cao hơn thực tế thị trường.
Vào đầu tháng 6, quỹ ngoại Tundra Vietnam Fund (sở hữu trên 5% vốn) thông tin không còn là cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG). Cụ thể, trong phiên giao dịch 5/6, quỹ ngoại này bán ra 1,36 triệu cổ phiếu HSG, giảm lượng sở hữu tại doanh nghiệp từ 5,18% xuống còn 4,78% vốn điều lệ.
Nhiều cổ đông lớn khác của đại gia ngành tôn này cũng đã rút toàn bộ vốn, bất chấp giá cổ phiếu giảm sâu. Công ty TNHH MTV Tâm Thiện Tâm đã bán toàn bộ hơn 19,21 triệu cổ phiếu HSG (5,49% vốn điều lệ) và không còn là cổ đông lớn.
Trước đó, từ ngày 19/4-17/5, chính cổ đông này đã bán 5 triệu cổ phiếu HSG để giảm lượng sở hữu. Tâm Thiện Tâm chính là doanh nghiệp của bà Hoàng Thị Hương Xuân, vợ Chủ tịch Lê Phước Vũ làm lãnh đạo.
Đầu tháng 2, quỹ ngoại Amersham Industries Limited cũng đã bán 600.000 cổ phiếu HSG để thu về khoản tiền trên 14 tỷ đồng.
Trước đà lao dốc của cổ phiếu doanh nghiệp, tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức giữa tháng 1, Chủ tịch Lê Phước Vũ khẳng định Hoa Sen đang ở đỉnh cao của nội lực. Tuy nhiên, thị phần nhiều sản phẩm đang bị thu hẹp giữa lúc khoản nợ vay của công ty liên tục gia tăng.
‘Vua tôn’ Hoa Sen đang nợ ai nhiều nhất?Hoa Sen đang phải đối mặt với gánh nặng nợ vay tài chính gấp tới 2,5 lần vốn chủ sở hữu, cùng với đó lợi nhuận có dấu hiệu lao dốc. Riêng số vay từ VietinBank đã là 6.894 tỷ đồng. |
Comments are closed.