Thanh khoản thị trường tăng vọt do áp lực bán với tổng giá trị hơn 18.680 tỷ đồng, qua đó gây áp lực khiến VN-Index rớt mạnh 10 điểm trong phiên 6/4.
Thị trường chứng khoán phiên 6/4 ghi nhận áp lực bán mạnh về cuối ngày, nhất là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và vốn hóa vừa. Diễn biến này khiến chỉ số rớt sâu về mức thấp nhất tuần.
Cụ thể, VN-Index đóng cửa phiên hôm nay giảm 9,95 điểm (-0,92%) về mức thấp nhất ngày tại 1.070,91 điểm. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng mất 1,15 điểm (-0,54%), xuống 211,43 điểm; ngược lại, chỉ số UPCoM-Index lại ngược dòng tăng 0,77%, lên 78,34 điểm.
VN-Index chịu áp lực bán mạnh về cuối phiên 6/4. Đồ thị: TradingView. |
Gây tác động tiêu cực nhất lên thị trường hôm nay là nhóm cổ phiếu họ Vingroup. Trong đó, mã VHM của Vinhomes giảm 1,9%, về 51.200 đồng/cổ phiếu và VIC của Vingroup giảm 1,8%, xuống 54.500 đồng/cổ phiếu. Riêng bộ đôi cổ phiếu này đã tác động làm giảm 2 điểm vào chỉ số chung toàn thị trường.
Một số cổ phiếu ngân hàng lớn cũng đóng vai trò kéo lùi chỉ số hôm nay, đáng kể có VCB của Vietcombank giảm 1%, xuống 91.200 đồng/cổ phiếu; CTG của VietinBank giảm 1,5%, còn 29.550 đồng; VPB của VPBank giảm 1,4%, về 20.900 đồng…
Thị trường còn ghi nhận một số cổ phiếu gặp áp lực bán tháo lớn như DRH của DRH Holdings giảm sàn với hơn 10 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Mã BII của Bảo Thư cũng mất gần 10%, đóng cửa ở giá sàn 2.000 đồng/cổ phiếu. Mã VIX của Chứng khoán VIX lao dốc 5,4%; DXG của Đất Xanh bị bán giảm 4,4%; TTF của Gỗ Trường Thành mất hơn 4% giá trị…
Ở chiều ngược lại, BID của BIDV là mã chứng khoán tạo ra tác động tích cực nhất cho thị trường, khi tăng 1,1% trong ngày, đóng cửa ở 46.000 đồng/cổ phiếu. Một số cổ phiếu khác cũng có vai trò là lực đỡ giúp thị trường không rơi quá sâu là TPB của TPBank, DPM của Đạm Phú Mỹ, SAB của Sabeco, HVN của Vietnam Airlines.
Trong phiên hôm nay, hàng loạt cổ phiếu bất động sản có thời điểm chạm giá trần nhưng sau đó lại bị điều chỉnh về cuối phiên. Dù vậy, hầu hết cổ phiếu nhóm này vẫn giữ được sắc xanh và tăng giá.
Đơn cử, NVL của Novaland tăng 3,1%, lên 13.250 đồng; DIG của DIC Corp tăng 2,6%, đạt 15.900 đồng hay VPH của Vạn Phát Hưng và VRC của bất động sản VRC vẫn giữ được giá trần.
Top cổ phiếu có tác động lớn nhất phiên 6/4. Nguồn: FireAnt. |
Thị trường chung dù có dấu hiệu bị bán mạnh nhưng độ rộng thị trường không quá chênh lệch. Sàn HoSE ghi nhận 194 mã tăng và 209 mã giảm. Thậm chí sàn niêm yết HNX có 90 mã tăng và 75 mã giảm, còn lại đứng tham chiếu.
Điểm nhấn lớn nhất của thị trường hôm nay là thanh khoản tăng vọt với tổng giá trị giao dịch trên các sàn đạt hơn 18.680 tỷ đồng. Riêng thanh khoản sàn HoSE chiếm gần 15.790 tỷ đồng, tăng 22% so với hôm qua và là mức cao nhất kể từ 20/12/2022 đến nay.
Trong đó, mã STB của Sacombank ghi nhận giá trị mua bán cao nhất khi có hơn 683 tỷ đồng giá trị cổ phiếu được sang tay. NVL của Novaland và HPG của Hòa Phát cũng chứng kiến giá trị thanh khoản hơn 600 tỷ đồng.
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đồng pha với xu thế khi thực hiện bán ròng mạnh gần 220 tỷ đồng trên sàn HoSE, 15 tỷ đồng trên HNX và mua ròng nhẹ 3 tỷ đồng trên HoSE
Các cổ phiếu bị khối này xả mạnh nhất là KDH của Nhà Khang Điền (-44 tỷ), STB của Sacombank (-40 tỷ), DXG của Đất Xanh (-40 tỷ) hay KBC của Kinh Bắc City bị bán gần 31 tỷ đồng.
Ngược lại, cổ phiếu HDB của HDBank dù có phiên giảm nhẹ 0,25% lại là mã được khối ngoại ưa chuộng nhất khi dòng tiền mua ròng đạt gần 53 tỷ đồng.
Trên thị trường chung, HDB cũng là cổ phiếu ngân hàng có diễn biến phục hồi tích cực nhất từ cuối năm 2022 đến nay. Bất chấp phiên giảm điểm nhẹ hôm nay, so với đáy cuối năm ngoái, cổ phiếu này vẫn ghi nhận mức tăng ròng hơn 45%, hiện cố định ở mức 19.650 đồng/cổ phiếu.
Tiền vào ồ ạt, chứng khoán tăng 10 phiên liên tiếpNhà đầu tư đổ tiền mua bán cổ phiếu ở mức cao nhất 2 tháng, qua đó giúp thị trường tăng trên diện rộng và kéo dài chuỗi tăng ấn tượng 10 phiên liên tiếp. |
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu…
Theo: Zing News
Comments are closed.