Thuốc lá điện tử tràn lan dù chưa có hành lang pháp lý

Theo cơ quan chức năng, thuốc lá thế hệ mới là cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp nhưng vẫn chưa được nhập khẩu vào Việt Nam, gây lúng túng cho lực lượng quản lý thị trường (QLTT).

Thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đang được quảng cáo, bày bán, chứa trữ tràn lan ở các thành phố lớn. Ảnh: PLO.

Chia sẻ tại toạ đàm “Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành” do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức hôm 18/4, ông Trần Văn Dũng, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng cục QLTT cho biết thị hiếu của người tiêu dùng về việc sử dụng thuốc lá thế hệ mới ở nhiều địa phương ngày càng tăng.

Trong khi đó, lợi nhuận kinh doanh mặt hàng này ở mức rất cao, do đó thực tế các đối tượng dù bị xử phạt nhiều lần vẫn tiếp tục kinh doanh.

Cơ quan chức năng khó kiểm soát

Thuốc lá thế hệ mới gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Theo ông Vũ Hoài Linh, đại diện Cục điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan, một số quốc gia đang phân loại quản lý thuốc lá thế hệ mới theo mức độ tác hại của từng sản phẩm. Nhưng tại Việt Nam, chưa có khung pháp lý rõ ràng nào được ban hành để quản lý mặt hàng này.

Lượng tiêu thụ thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15 thế giới, với khoảng 49 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 1% GDP. Trong đó, tỷ lệ chuyển từ thuốc truyền thống sang thuốc lá thế hệ mới rất nhanh. Thống kê của Viện Chiến lược Kinh tế cho thấy tỷ lệ chuyển đổi này trong giai đoạn 2015-2020 đã tăng 36 lần.

Đây là lý do thuốc lá thế hệ mới vẫn được quảng cáo, bày bán, chứa trữ tại khu vực sinh hoạt, nơi ở trên địa bàn các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng…, theo ông Trần Văn Dũng.

thuoc la dien tu anh 1

Ông Vũ Hoài Linh, đại diện Cục điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan. Ảnh: PLO.

“Khi khách hàng đến mua hàng hoặc hỏi về mặt hàng cụ thể thì các đối tượng kinh doanh mới mang hàng ra để giao dịch. Điều này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xác định rõ hình thức kiểm tra hay khám nơi cất giấu tang vật.

Việc bán thông qua các trang mạng xã hội, website thương mại điện tử dẫn đến khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc tìm hiểu, thu thập thông tin, kiểm tra, xử lý do trong nhiều trường hợp không xác định được cụ thể địa điểm bán hàng, chứa trữ hàng hoá”, ông Dũng cho hay.

Thậm chí, ông Đặng Thái Thiện, đại diện Cục Hải quan TP.HCM còn cho biết thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp tới hải quan để xem xét thủ tục nhập khẩu thuốc lá thế hệ mới.

“Có thể thấy đây là cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp nhưng cũng cần cân nhắc với tác hại của xã hội, để từ đó có luật pháp rõ ràng”, ông Thiện nêu quan điểm.

Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý

Là một trong những người đã đóng góp ý kiến xây dựng luật phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM nhấn mạnh đã là thuốc lá thì thuốc lá nào cũng có tác hại. Tuy nhiên, trong cái xấu thì phải chọn cái ít xấu nhất.

“Điều này có nghĩa là chúng ta không thể bắt người tiêu dùng bỏ thuốc lá. Thay vào đó chúng ta hoàn toàn có thể giải thích cho người tiêu dùng hiểu được tác hại của thuốc lá, để từ đó họ có sự lựa chọn riêng cho mình”, bà nói.

Theo bà, ở một khóa cạnh nào đó, thuốc lá thế hệ mới là một giải pháp để giảm thiểu tác hại của thuốc lá, và người tiêu dùng hoàn toàn có quyền tiếp cận với loại thuốc lá này.

“Cái chúng ta có thể bảo vệ và can thiệp được là thông qua việc gián tiếp bảo vệ nguồn hàng chính thức, không nhập lậu, không hàng giả, không hàng nhái. Chính vì thế, dù là sản phẩm thuốc lá nào, theo tôi cũng cần được kiểm soát và có luật quản lý cụ thể, hài hòa giữa quyền lợi người tiêu dùng và sản phẩm”, bà Lan nêu quan điểm.

thuoc la dien tu anh 2

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM. Ảnh: PLO.

Thực tế, thuốc lá thế hệ mới hiện có mặt ở nhiều quốc gia. Theo WHO, chỉ tính riêng thuốc lá làm nóng đã được chính phủ của 184/193 quốc gia thành viên cho phép thương mại hóa như là sản phẩm thay thế giảm tác hại, trong đó có Mỹ, Canada, Anh, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) năm ngoái cũng đã chính thức phân loại thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá, quản lý theo mã HS.2403.99 (sản phẩm thuốc lá khác).

Tại Việt Nam, dù việc đề xuất quản lý đã được nêu ra từ 2017, nhưng tới nay vẫn chưa hoàn thiện. Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp của Bộ Công Thương cho rằng hệ lụy là Nhà nước không thu được thuế, trong khi người dân muốn sử dụng lại phải tiếp cận sản phẩm không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Do đó, ông khẳng định Bộ Công Thương nhận thức rõ việc cần xây dựng chính sách quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới. Đến nay, cơ quan này đã tổng hợp đầy đủ ý kiến các bên để có đề xuất đưa các sản phẩm này vào quản lý dưới hình thức quy định trong nghị định. “Dự kiến quý II/2023 chúng tôi trình Chính phủ”, ông Hoàn cho biết.

Đóng góp ý kiến, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng cần tăng chế tài xử phạt đối với cả người hút không đúng nơi quy định lẫn những vi phạm về kinh doanh như nhập lậu hay quảng cáo.

Theo ông, các giải pháp giảm tác hại thay thế cũng đã dần được phổ biến rộng rãi và được chấp nhận bởi các quốc gia phát triển. Ví dụ, năm 2017 Nga đã ban hành luật để quản lý thuốc lá làm nóng, sau đó ban hành bổ sung luật quản lý thuốc lá điện tử vào năm 2018.

Năm 2021, Trung Quốc – thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới – cũng tiếp nối Mỹ, Anh, Nhật Bản để áp dụng luật độc quyền ngành thuốc lá nhằm quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

“Chính sách của các quốc gia trên cho thấy tính cấp thiết của việc chấm dứt tình trạng buông lỏng quản lý mặt hàng này. Việt Nam cũng nên học hỏi kinh nghiệm từ các nước này”, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu…

Nhập lậu gần 7.000 sản phẩm thuốc lá điện tử

Ôtô mang biển kiểm soát 29D-110.50 do ông Phạm Đức San (Bắc Giang) điều khiển bị phát hiện vận chuyển hàng nghìn thuốc lá điện tử sản xuất ngoài Việt Nam không có hóa đơn chứng từ.

Bắt giữ lượng thuốc lá điện tử lậu lớn nhất từ trước đến nay

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh vừa phát hiện và bắt giữ hơn 12.000 chiếc thuốc lá điện tử do Trung Quốc sản xuất.

Theo: Zing News

Posted on Tháng Tư 19, 2023 in Tin tức

Share the Story

Back to Top