Thẻ tín dụng sẽ không được rút quá 5 triệu đồng/ngày

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Theo đó, các giao dịch rút tiền mặt bằng thẻ tại nước ngoài sẽ bị giới hạn hạn mức tối đa theo ngày.

Cụ thể, hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ được rút ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng trong một ngày.

Thực tế cho thấy khi ra nước ngoài, phần lớn các ngân hàng chỉ cho phép chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt bằng ngoại tệ tương đương 5-10 triệu đồng/ngày. Thế nhưng, vẫn có ngân hàng cấp hạn mức rút tiền mặt ngoại tệ tương đương 50-60 triệu đồng/ngày cho một số chủ thẻ. Sau khi chủ thẻ rút tiền mặt xong, ngân hàng thu phí 4% cộng với lãi suất, tính ra cả phí và lãi mà chủ thẻ phải trả khoảng 5-6%/số tiền đã rút.

Theo các ngân hàng, do chi phí của việc rút tiền mặt ở nước ngoài quá cao nên trong trường hợp cần thanh toán toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ…, chủ thẻ thường thanh toán bằng phương thức cà thẻ.

Tuy nhiên, do không ít chủ thẻ có mục đích chuyển tiền ra nước ngoài nên họ chấp nhận chi phí cao để rút được tiền mặt trong khi số ngoại tệ mà họ rút là của các ngân hàng Việt Nam. Như thế, chủ thẻ rút tiền mặt với số lượng lớn ở nước ngoài có thể làm cho Việt Nam đối mặt với nguy cơ chảy máu ngoại tệ. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước quy định hạn mức tối đa rút tiền mặt ở nước ngoài không quá 30 triệu đồng/ngày sẽ hạn chế được tình trạng ngoại tệ bị “bốc hơi”.

Ngoài ra, dự thảo sửa đổi bổ sung thông tư cũng mở rộng đối tượng sử dụng thẻ tín dụng, đó là mở rộng thêm đối tượng chủ thẻ chính 15 đến 18 tuổi cho thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ được thấu chi để đồng bộ với quy định về đối tượng được vay của Luật các Tổ chức tín dụng.

The tin dung se khong duoc rut qua 5 trieu dong/ngay hinh anh 1
NHNN đang xin ý kiến dự thảo mới quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.

Dự thảo cũng sửa đổi quy định về việc phát hành thẻ ghi nợ không được thấu chi cho chủ thẻ phụ là người từ đủ 6 tuổi vì không khả thi trong thực tế…

Trường hợp phát hành thẻ cho người nước ngoài, đối tượng được sử dụng thẻ là người nước ngoài thì phải được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên. Thời hạn hiệu lực của thẻ của cá nhân trong trường hợp này không vượt quá thời hạn được phép cư trú còn lại tại Việt Nam.

Quy định này là nhằm hạn chế tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trong thời gian ngắn, mở thẻ rồi xuất cảnh và sử dụng thẻ để thực hiện hoặc tiếp tay cho các hoạt động phạm tội.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đưa ra một quy định mới đó là chủ thẻ tín dụng có tài sản đảm bảo sẽ chỉ được cấp hạn mức tối đa 1 tỷ đồng, còn nếu không có tài sản đảm bảo thì hạn mức thẻ chỉ được nhiều nhất là 500 triệu đồng.

NHNN cũng quy định, ngân hàng thương mại chỉ được cấp hạn mức tín dụng không quá 80% giá trị của tài sản đảm bảo.

Đây là lần đầu tiên những giới hạn về hạn mức được NHNN đưa ra với mục đích quản lý tốt hơn hoạt động thanh toán thẻ tín dụng, hạn chế những rủi ro, như bị đánh cắp tiền qua thẻ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, việc quản lý rủi ro đối với sản phẩm thẻ thanh toán phải do chính các ngân hàng thương mại đánh giá và kiểm soát.

Theo thống kê mới nhất từ Hiệp hội thẻ, cả nước hiện có hơn 112 triệu thẻ, tức bình quân một chủ thẻ thanh toán khoảng 1,6 triệu đồng trong một tháng. Tuy nhiên, những giao dịch lớn vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng cho một thanh toán đã được ghi nhận. Và hạn mức của những chiếc thẻ này trên thực tế vượt ngưỡng mà NHNN dự thảo.

Posted on Tháng Mười Một 18, 2017 in Tin tức

Share the Story

Back to Top