Bộ Công Thương vừa chỉ đạo EVN đàm phán giá điện tái tạo với các chủ đầu tư, song hiện nay mới có một dự án nộp hồ sơ nên khó có thể đàm phán xong trước ngày 31/3.
Các nhà đầu tư lo ngại cơ chế giá phát điện thiếu hợp lý sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư. Ảnh: EVN. |
Ngày 10/1, Bộ Công Thương ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Theo đó, mức giá trần (giá cao nhất) của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,9 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh. Giá trần áp dụng cho điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh.
Khung giá này sẽ là cơ sở để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thỏa thuận giá phát điện theo quy định. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 2 tháng, EVN vẫn chưa nhận được nhiều hồ sơ các nhà máy điện gửi đến để tiến hành đàm phán.
Lý lẽ của các bên
Về phía chủ đầu tư, họ cho rằng khung giá phát điện chuyển tiếp mới ban hành của Bộ Công Thương chưa phù hợp và chưa bảo đảm khách quan, thấp hơn nhiều so với cơ chế giá ưu đãi trước đó (cơ chế giá FIT đã hết hiệu lực).
Vì nguyên nhân này mà hơn 2 tháng qua vẫn chưa chủ đầu tư nào trong số 85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ để đàm phán hợp đồng và giá mua bán điện.
“Việc ban hành khung giá có phần vội vàng, nhiều điểm chưa phù hợp trong việc tính toán, trình và lấy ý kiến của các bên liên quan. Các nhà đầu tư bị ảnh hưởng trực tiếp không được hỏi ý kiến. Việc tính toán cũng chưa thuê tư vấn độc lập và chưa phù hợp với thực tế và hồ sơ của nhà đầu tư đã gửi EVN”, đại điện T&T Group nhấn mạnh.
Do không đáp ứng được các quy định giá ưu đãi nên nhiều dự án điện gió phải nằm im khi đơn giá đầu tư cho mỗi tua bin lên tới hàng trăm tỷ đồng. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ông Somchak Chutanan, đại diện Tập đoàn Phát triển Năng lượng Gulf (Thái Lan), cũng cho rằng mức giá mà Bộ Công Thương ban hành thấp, khiến doanh nghiệp khó thực hiện dự án. “Vì vậy, cần tính toán thêm với các tư vấn, sử dụng thông số đầu vào hợp lý hơn để cho kết quả tốt hơn bởi giá điện mặt trời cố định trước đây cũng cạnh tranh hơn giá điện than, điện khí”, đại diện doanh nghiệp Thái Lan nêu quan điểm.
Trong khi đó, phía cơ quan ban hành là Bộ Công Thương lại khẳng định ban hành khung giá điện chuyển tiếp theo đúng các quy định. Khung giá phát điện chuyển tiếp được cơ quan này lấy ý kiến hội đồng tư vấn độc lập và trên chi phí thực tế của các nhà máy điện tái tạo.
Về phương pháp, tính toán giá, đại diện Bộ cho biết kết quả tính khung giá dựa trên các số liệu được các tổ chức tư vấn trong, ngoài nước cung cấp.
“Khung giá phát điện cho các nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió chuyển tiếp được tính toán trên cơ sở chi phí thực tế quy định tại báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật của các nhà máy điện tái tạo đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN trước thời hạn cơ chế giá FIT hết hiệu lực”, Cục Điêu tiết Điện lực nhấn mạnh.
Khó đàm phán xong giá trước 31/3
Trong vấn đề này, EVN là đơn vị trung gian chịu trách nhiệm thỏa thuận giá phát điện với doanh nghiệp và xây dựng giá theo quy định sau khi có khung giá của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, đến ngày 18/3 vẫn chưa có nhà đầu tư điện tái tạo nào gửi EVN hồ sơ đề nghị đàm phán hợp đồng mua bán điện.
Tại buổi trao đổi với chủ đầu tư các dự án điện chuyển tiếp nhằm chủ động bàn các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về hợp đồng mua bán điện của EVN chiều 20/3, cũng mới chỉ có một chủ đầu tư gửi hồ sơ để chuẩn bị cho việc đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện.
Do đó, việc đàm phán xong giá mua bán điện tái tạo trước 31/3 theo yêu cầu của Bộ Công Thương là rất khó khi chủ đầu tư cho rằng vẫn còn nhiều băn khoăn về khung giá mua bán điện.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 84 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 4.676 MW đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Doanh nghiệp đề xuất EVN huy động điện với giá tạm tính giá 6,2 cent/kWh. Sau này khi có giá chính thức có thể áp dụng nguyên tắc hồi tố, tức thiếu EVN bổ sung, còn thừa chủ đầu tư trả lại.
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết phía EVN rất mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các chủ đầu tư trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đàm phán với mong muốn các dự án chuyển tiếp được đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất trên cơ sở đảm bảo đúng quy định pháp luật.
EVN và các đơn vị liên quan cũng mong muốn Bộ Công Thương sớm có văn bản hướng dẫn phương pháp đàm phán theo quy định tại Điều 26 Nghị định 137/2013 của Chính phủ, làm căn cứ để EVN và chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 84 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 4.676 MW đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại. Điều này khiến cho các dự án không kịp hưởng giá điện cố định (FIT). Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm.
Điều kiện để được là các Dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp:
– Các tổ chức, cá nhân tham gia triển khai đầu tư nhà máy hoặc phần nhà máy điện mặt trời đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN trước ngày 1/1/2021 và các nhà máy hoặc phần nhà máy điện gió đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN trước ngày 1/11/2021 nhưng không đáp ứng điều kiện áp dụng giá mua điện.
– Các nhà máy hoặc phần nhà máy này phải tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, bám sát khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện; tuân thủ theo đúng cơ chế giá điện tại thời điểm đưa vào vận hành, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án theo cơ chế được duyệt.
– Trong trường hợp các cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng cơ quan có thẩm quyền có thể rút giấy phép đầu tư, đình chỉ dự án theo các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu… Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.
Bộ Công Thương chỉ đạo EVN chốt giá điện tái tạo trước 31/3Bộ Công thương yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư điện gió, mặt trời chuyển tiếp để thống nhất giá điện trước ngày 31/3. |
Bộ Công Thương nói tính khung giá điện tái tạo đúng quy địnhTheo Bộ Công Thương, khung giá phát điện chuyển tiếp được cơ quan này lấy ý kiến hội đồng tư vấn độc lập và trên chi phí thực tế của các nhà máy điện tái tạo. |
giá điện
EVN
Tập đoàn F.I.T
điện tái tạo
điện mặt trời
điện gió
evn
mua bán điện
giá điện
khung giá điện
bộ công thương
Theo: Zing News
Comments are closed.