Tập đoàn dầu khí mang gần 102.000 tỷ đồng gửi ngân hàng

Tiền mặt là vua – được cho là một cách ví von nói về sức mạnh nội tại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy tính hai mặt của vấn đề.

Đua nhau đem tiền gửi ngân hàng lấy lãi

Nếu có cuộc chạy đua nắm giữ tiền mặt trong giới doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) chắc chắn giành vị trí quán quân. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 vừa được công bố, PetroVietnam có gần 102.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, trong đó khoảng 25.273 tỷ đồng tiền mặt không kỳ hạn, 76.343 tỷ đồng là các khoản tiền gửi ngắn hạn hoặc khoản tương đương tiền của PetroVietnam có thời hạn thu hồi gốc kỳ hạn 3 tháng tại các ngân hàng thương mại.

Nhờ khoản tiền khổng lồ gửi ngân hàng mà năm 2015, lãi tiền gửi, tiền cho vay của Petro Vietnam lên tới gần 7.000 tỷ đồng.

 Tap doan dau khi mang gan 102.000 ty dong gui ngan hang hinh anh 1

Nhiều doanh nghiệp nhà nước đem lượng tiền lớn gửi ngân hàng, thu lãi lớn.

Một trường hợp khác, là một doanh nghiệp sản xuất: Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đang nắm giữ một lượng lớn tài sản là tiền mặt gửi tại các ngân hàng thương mại.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2016, Sabeco có lượng tiền mặt gần 8.200 tỷ đồng gửi ngân hàng với kỳ hạn không quá 3 tháng, hưởng lãi suất 5,5 -6,2% một năm. Trong đó, có khoản 1.165 tỷ đồng gửi tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn trên 3 tháng, hưởng lãi suất 6,2-7,2% một năm.

Nếu so với tổng tài sản 18.130 tỷ đồng, lượng tiền mặt nắm giữ đã vượt 45%. Với lượng tiền mặt lớn, doanh thu tài chính bán niên của công ty đã đạt 678 tỷ đồng, đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận sau thuế của hãng bia lớn nhất Việt Nam này.

Tương tự, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng nắm giữ hơn 3.200 tỷ đồng tiền mặt. Trong đó tiền gửi ngân hàng kỳ hạn và không kỳ hạn gần 2.300 tỷ đồng.

Ở góc nhìn khác, là doanh nghiệp đại diện đi đầu tư vốn cho Nhà nước nhưng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lại đem một lượng tiền lớn gửi ngân hàng lấy lãi. Cụ thể, tính đến 31/12/2015, SCIC có khoảng gần 25.000 tỷ đồng gửi ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, lượng tiền mặt lớn được công ty đem đầu tư vào các trái phiếu, cho vay lại. Khoản tiền gửi ngân hàng lớn này cũng đem lại hơn 1.000 tỷ đồng tiền lãi cho SCIC trong năm 2015.

Tính đến hết tháng 6/2016, lượng tiền mặt gửi ngân hàng của SCIC vẫn ổn định trên mức 25.000 tỷ đồng. Dự kiến, số lãi trong bối cảnh ngân hàng chạy đua lãi suất sẽ được tăng lên. Năm 2016, SCIC vẫn đặt mục tiêu thu lãi tiền gửi ngân hàng gần 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, các khoản tiền mặt nắm giữ của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ngày càng có xu hướng tăng. Tính đến cuối tháng 6, VNPT nắm giữ hơn 5.344 tỷ đồng, tăng hơn 121 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi mức tiền mặt của cuối năm 2014 đạt khoảng 4.270 tỷ đồng. Do đó, tập đoàn ghi nhận doanh thu tài chính bán niên lên tới 415 tỷ đồng.

Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam tại thời điểm cuối năm 2015 cũng nắm giữ khoảng 2.896 tỷ đồng tiền mặt. Chủ yếu các khoản tiền được gửi tại Vietcombank. Đây chủ yếu là khoản tiền của Quỹ hỗ trợ cổ phần hoá doanh nghiệp để lại, để sắp xếp tái cơ cấu tổng công ty. Lãi tiền gửi năm 2015 được ghi nhận là 86 tỷ đồng.

Một số công ty khác trên sàn chứng khoán cũng nắm giữ một lượng tiền mặt lớn. Chẳng hạn như Tập đoàn Bảo Việt (BVH) là một công ty khá linh hoạt trong việc nắm giữ tiền mặt. Ở những thời điểm bất ổn về kinh tế, công ty thường nắm giữ lượng lớn tiền mặt và tăng đầu tư khi thị trường tài chính dần tốt lên.

Tính đến tháng 6/2016, Bảo Việt có khoảng 16.000 tiền mặt và tiền gửi tại các ngân hàng, giảm đáng kể so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Lãi tiền gửi khoảng 532 tỷ đồng, giảm khoảng 90 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Tiền mặt là vua hay bế tắc kênh đầu tư?

Việc nắm giữ một lượng lớn tiền mặt giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong các quyết định, chớp lấy thời cơ, giành lợi thế trên thị trường. Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế dự báo sẽ còn nhiều biến động, những cú sốc có thể bất ngờ ập đến, nhiều tiền sẽ giúp doanh nghiệp phòng vệ tốt hơn.

Trong một cuộc họp mới đây với VnEconomy, một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cho biết việc các doanh nghiệp nắm giữ lượng lớn tiền mặt thể hiện chiến lược đầu tư của từng công ty. Theo đó, khi người đứng đầu công ty nhận thấy thị trường bất ổn, đem tiền đi đầu tư không thể mang lại lợi nhuận, thậm chí nguy cơ thua lỗ, rủi ro cao nên gửi ngân hàng tạm thời.

Đến khi thị trường bất động sản ấm lại, kênh đầu tư vàng, đôla, chứng khoán…có tín hiệu tốt, lãnh đạo doanh nghiệp có thể đem nguồn tiền đầu tư sinh lời.

Tất nhiên, người lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần có đầu óc, nhanh nhạy nắm bắt chu kỳ của thị trường để đầu tư hiệu quả. Ngay cả lúc thị trường tốt, tài chính sôi động vẫn có những công ty thua lỗ.

”Vua tiền mặt” là khái niệm được nhắc nhiều đến khi thế giới chìm trong nợ nần, thị trường tài chính bất ổn. Điều này thể hiện sự khôn ngoan của giới đầu tư biết lúc nào nên tìm đến nơi trú ẩn là giữ tiền.

Tuy nhiên, việc giữ tiền mặt trong túi cũng đầy rủi ro khi tỷ giá, lạm phát tăng cao… Đặc biệt, việc giữ tiền mặt lớn triền miên năm này qua năm khác lại thể hiện việc bế tắc trong kênh đầu tư mới.

Lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước khi được hỏi về lượng tiền lớn gửi ngân hàng, cho biết đây là nguồn tiền nhàn rỗi khi chưa có kênh đầu tư khả thi nên chọn gửi tại một vài ngân hàng thương mại có lãi suất cao. Nguồn tiền này đóng vai trò dự phòng cho doanh nghiệp khi có dự án, cơ hội đầu tư đến có thể triển khai ngay.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo cũng thừa nhận việc đầu tư và làm gia tăng vốn nhà nước ai cũng muốn nhưng nhiều khi không được như mong đợi. Trong bối cảnh để tiền trong túi còn rủi ro thì việc nghiên cứu chiến lược đầu tư mới, đầu tư vào cái gì luôn khiến các lãnh đạo đau đầu nhất.

Posted on Tháng Chín 25, 2016 in Tin tức

Share the Story

Back to Top