Tài sản của nhóm ‘tỷ phú Covid-19’ lao dốc

Khối tài sản ròng của một số tỷ phú như ông chủ Zoom, Moderna,… đã tăng “theo cấp số nhân” trong đại dịch, tuy nhiên cũng nhanh chóng suy giảm khi dịch bệnh được kiểm soát.

Theo Bloomberg, chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, đại dịch Covid-19 đã thay đổi mọi thứ. Những tỷ phú làm giàu trong đại dịch hóa ra cũng có thể mất đi phần lớn tài sản chỉ sau vài tháng ngắn ngủi, nhanh hơn trong tưởng tượng của nhiều người.

Trong đại dịch, việc nghiên cứu thành công vaccine Moderna đã giúp giá trị khối tài sản ròng của nhà khoa học Stephane Bancel tăng tới hàng nghìn lần lên mốc 15 tỷ USD, trong khi cổ phiếu công ty ông tăng gần 2.400%. Tương tự, Eric Yuan – ông chủ của Zoom Video Communications Inc. – cũng đạt tới khối tài sản 29 tỷ USD, khi Zoom trở thành phần mềm họp trực tuyến phổ biến nhất trong thời gian này. Cặp cha con đứng sau Carvana Co. – một công ty bán ôtô cũ trực tuyến – cũng tích lũy được khối tài sản ròng trị giá 32 tỷ USD ở thời kỳ đỉnh cao.

Trên thực tế, những tỷ phú này đều có giá trị khối tài sản ròng tăng lên “theo cấp số nhân”, nhờ những thay đổi do đại dịch Covid-19 gây ra trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, tất cả biến động này lại có xu hướng trở về đúng quỹ đạo.

ty phu Covid-19 anh 1

Khối tài sản ròng của các tỷ phú làm giàu nhờ đại dịch Covid-19 đang giảm dần khi dịch bệnh được kiểm soát. Ảnh: Bloomberg.

Làm giàu nhờ thay đổi lối sống trong mùa dịch

Theo thống kê, có 58 tỷ phú giàu lên nhờ đại dịch Covid-19 và họ chia thành 7 lĩnh vực kinh doanh. Đặc biệt, tất cả trong số này đều có được thành công nhờ những thay đổi về lối sống trong thời kỳ đại dịch.

Cụ thể, hơn một nửa trong số 58 tỷ phú làm giàu nhờ vào mảng kinh doanh liên quan tới hình thức làm việc từ xa hoặc mua sắm thương mại điện tử. Khoảng 2/3 trong số còn lại thì có liên kết với các công ty trong ngành dược phẩm hoặc chăm sóc sức khỏe, chủ yếu tập trung vào sản xuất thiết bị y tế và vaccine.

Nhờ vào sự thay đổi về lối sống trong thời kỳ dịch bệnh, công ty của họ đã phát triển thần tốc và đạt được khối tài sản khổng lồ. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này hiện đã chậm lại trong từng phân nhóm, và dẫn đầu đà giảm là ngành thương mại điện tử.

Trung bình khối tài sản ròng của những tỷ phú làm giàu nhờ ngành này hiện đã giảm khoảng 58% so với mức đỉnh ban đầu, nguyên nhân là sự quan tâm của nhà đầu tư đã nguội đi và người tiêu dùng thì bắt đầu quay trở lại các trung tâm thương mại hay cửa hàng truyền thống.

Sự giàu có không bền vững

Nhận xét về sự giảm tốc của các tỷ phú, bà Kim Forrest – nhà sáng lập công ty đầu tư Bokeh Capital Partners – cho rằng những gì diễn ra trong ba năm qua giống hệt với thời kỳ bong bóng công nghệ của 2 thập kỷ trước, khi tiền có thể dễ dàng chảy vào mọi thứ có chữ “dot-com”.

“Những tỷ phú này đều chứng kiến sự tăng trưởng thần tốc nhưng lại bị phụ thuộc vào sự thay đổi của đại dịch, do đó, tốc độ phát triển này sẽ không lâu dài. Trong khi đó, các nhà đầu tư lại đang tìm kiếm sự tăng trưởng bền vững và không nhiều người đầu tư vào những ngành nghề kinh doanh trực tuyến vì nó khó tăng trưởng thêm”, bà Kim cho hay.

Sự thay đổi tài sản ròng của các “tỷ phú Covid-19”
Nhãn Eric Yuan (Zoom) Forrest Li (Sea) Ernie Garcia (Carvana) Stephane Bancel (Moderna) Bom Kim (Coupang) Matthew Prince (Cloudflare)
Tài sản ròng trong đại dịch tỷ USD 28.6 21.9 21.8 15 8.9 8
Tài sản ròng tính đến ngày 30/9/2022 4.6 3.8 4 3.7 3 2

Theo Bloomberg, nhóm tỷ phú này còn đang gặp nhiều khó khăn hơn, khi sự biến động giá trị tài sản ròng này đến vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang ở giai đoạn bất ổn nhất.

Nhiều yếu tố khác nhau đã khiến cuộc sống của người tiêu dùng bị ảnh hưởng không nhỏ. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, đã có thêm khoảng 97 triệu người sống với mức thu nhập dưới 1,90 USD/ngày vì đại dịch Covid-19.

Người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn hơn đồng nghĩa với việc các công ty nói trên khó mà có hy vọng tăng trưởng nhanh như trước dịch, nhất là khi các nhà lãnh đạo tài chính trên toàn cầu mới đây còn cân nhắc áp mức thuế sàn đối với thu nhập doanh nghiệp.

Một số quốc gia đặc biệt hơn như Tây Ban Nha gần đây đã áp dụng mức thuế mới đối với những người có tài sản ròng hơn 2,9 triệu USD. Trong khi tổng thống Colombia mới đắc cử đã công bố mục tiêu tăng thuế đối với những người giàu nhất khoảng 200%.

Những động thái như vậy có thể không đủ mạnh để xóa nhòa ranh giới giàu nghèo, song ít nhất nó cũng cho thấy các chính phủ đã bắt đầu chú ý đến việc này.

“Chúng ta đã chứng kiến người giàu ngày càng giàu lên và người nghèo càng lúc càng nghèo đi trong mùa dịch. Tôi không nghĩ rằng có nhiều người chú ý tới vấn đề này”, Max Lawson, người đứng đầu chính sách bất bình đẳng xã hội tại Oxfam International nói

Mark Zuckerberg rớt khỏi top 10 tỷ phú giàu nhất tại Mỹ

Lần đầu tiên kể từ năm 2015, Mark Zuckerberg – người đồng sáng lập mạng xã hội Facebook – không còn nằm trong top 10 người giàu nhất tại Mỹ.

“Giấc mơ năng lượng xanh” của tỷ phú giàu thứ 3 thế giới

Khát khao chinh phục liên tục thôi thúc vị tỷ phú thực hiện những bước đi táo bạo, tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh mới và tham gia vào lĩnh vực năng lượng xanh.

Theo: Zing News

Posted on Tháng Mười 18, 2022 in Tin tức

Share the Story

Back to Top