Số hóa – quân bài chiến lược của các ngân hàng

Cuộc đua số hóa ngân hàng ngày càng gay cấn khi các nhà băng trong thời gian gần đây liên tục triển khai các dịch vụ, sản phẩm như Internet banking, mobile banking, liên kết hoặc đầu tư vào ví điện tử và phát hành ứng dụng… Thậm chí, nhiều ngân hàng còn lập bộ phận riêng để phát triển ngân hàng số.

Ông Đỗ Danh Thanh, Giám đốc dịch vụ tư vấn công nghệ thông tin Công ty PwC Consulting Việt Nam cho biết: “Ngân hàng số đang là xu thế tất yếu, đòi hỏi tất cả ngân hàng trên toàn cầu chuyển đổi toàn diện mô hình hoạt động truyền thống hiện có”.

Một trong những ngân hàng tiên phong trong cuộc đua số hóa là VPBank. Sau khi hợp tác với Timo để phát triển ngân hàng số, trung tuần tháng 9/2018, VPBank tiếp tục ra mắt ngân hàng số với tên gọi YOLO. Theo chia sẻ của ông Shameek Bhargava, Giám đốc YOLO, với ngân hàng số mới của VPBank, người dùng có thể sử dụng các dịch vụ tài chính hàng ngày như gọi taxi, xem phim, đặt phòng khách sạn, đặt đồ ăn, đồ uống, đồng thời có thể dùng như dịch vụ ngân hàng gồm gửi tiết kiệm, cho vay, liên kết với Master Card…

Ông Shameek Bhargava cho rằng, trên thị trường hiện có nhiều ngân hàng tự cho mình là ngân hàng số, nhưng một số trong đó không thực sự là ngân hàng số đúng nghĩa. “Họ chỉ số hóa giao diện với người dùng, hệ thống công nghệ lõi (core banking) vẫn sử dụng các công nghệ của ngân hàng truyền thống”, ông Shameek Bhargava cho biết thêm.

So hoa - quan bai chien luoc cua cac ngan hang hinh anh 1
VPBank trang bị ngân hàng lõi riêng cho Yolo.

Tuy nhiên với YOLO, VPBank tiên phong trang bị ngân hàng lõi riêng cho ngân hàng số này. Nhờ vậy, YOLO đem đến cho khách hàng gần như đầy đủ hoạt động thiết yếu thường ngày mà họ cần, ngoài ra còn cung cấp các sản phẩm và dịch vụ của một ngân hàng đúng nghĩa, dựa trên nền tảng công nghệ tách biệt, độc lập với ngân hàng truyền thống. YOLO cũng là một trong những ngân hàng số đầu tiên hoạt động trên nền tảng đám mây (Amazon web service cloud).

Ngoài ra, VPBank còn tung một loạt sản phẩm, dịch vụ ứng dụng ngân hàng số, đơn cử như Dream, SME Connect hay SNAP của FE Credit… Năm 2018, khối dịch vụ ngân hàng công nghệ số (DBS), đơn vị chịu trách nhiệm số hóa các dịch vụ ngân hàng của VPBank, phát triển tới 5 sản phẩm mới trên ứng dụng VPBank Online.

Bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc thường trực VPBank chia sẻ: “Đẩy mạnh số hóa các dịch vụ ngân hàng được xác định là động lực tăng trưởng mới của chúng tôi trong giai đoạn tiếp theo. Quá trình phát triển các dịch vụ ngân hàng số được chúng tôi chú trọng trong những năm qua. Tuy nhiên, 2018 có thể coi là năm đột phá của VPBank trong lĩnh vực ngân hàng số”.

Không chỉ là “chạy” theo xu thế, số hóa dần trở thành quân bài chiến lược của các ngân hàng, giúp tạo thuận lợi cho khách hàng, gia tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tạo động lực tăng trưởng mới. Đơn cử, sau khi FE Credit triển khai nền tảng cho vay kỹ thuật số đầu tiên mang tên “SNAP” vào tháng 8 năm ngoái, góp phần mang đến quy trình cho vay hoàn chỉnh và khép kín mà không cần đến sự can thiệp của con người, giúp rút ngắn quá trình vay chỉ còn 10-15 phút, khách hàng được giải ngân trong vài giờ đồng hồ thì số lượng khách hàng tìm đến đơn vị này tăng nhanh chóng.

Chỉ trong 2 tháng sau khi triển khai thí điểm SNAP (từ tháng 8/2018), số lượng đăng ký vay và số khoản vay được giải ngân tăng trung bình đến 280%/tháng. Tính đến cuối tháng 11/2018, số lượng đăng ký vay đạt gần 150.000 và hiện có khoảng 2.000 lượt đăng ký mỗi ngày.

So hoa - quan bai chien luoc cua cac ngan hang hinh anh 2
Số hóa dần trở thành quân bài chiến lược của các ngân hàng.

Ông Basker Rangachari, Giám đốc Trung tâm Tiếp thị của FE Credit cho biết: “Mục tiêu duy nhất của chúng tôi là tạo ra những trải nghiệm dịch vụ cho vay tốt, nhanh chóng và dễ dàng cho khách hàng. SNAP đóng góp không nhỏ vào một năm thành công cho FE Credit”.

Trong khi đó, VPBank cũng kỳ vọng với SME Connect, vừa chính thức công bố vào những ngày cuối năm, ngân hàng sẽ tiếp cận được nhiều các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, YOLO vẫn là quân bài chiến lược để VPBank đáp ứng được tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Nhờ vậy, ngân hàng có thể nhanh chóng mở rộng lượng khách hàng thông qua kênh trực tuyến, đặc biệt là khách hàng trẻ qua các thiết bị di động.

Tới cuối năm 2018, số lượng khách hàng dùng VPBank online tăng gấp 10 lần so năm 2015. Cùng với đó, số khách hàng vay (hợp đồng thấu chi), mở sổ tiết kiệm VPBank online đều tăng trưởng 60-100% so với cùng kỳ năm 2017. Số sổ tiết kiệm mở qua kênh trực tuyến đạt hơn 60% tổng số sổ tiết kiệm mở tại ngân hàng. Số giao dịch tài chính qua Internet banking ước tăng 110% so với 2017, giúp VPBank tiết kiệm chi phí hoạt động hàng trăm tỷ đồng và tối ưu nguồn nhân lực tại các chi nhánh.

Điều đó giúp VPBank có một năm 2018 kinh doanh thành công với doanh thu 31.000 tỷ đồng. Năm 2018, CIR hợp nhất của VPBank là 34,3%, thấp hơn mức 35,5% của năm 2017. Ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế gần 9.200 tỷ đồng, đứng thứ 4 trong số các ngân hàng đạt lợi nhuận cao nhất trong năm qua.

“Số hóa giúp chúng tôi tăng doanh thu và tạo động lực tăng trưởng bền vững”, bà Lưu Thị Thảo cho biết thêm.

Theo: Zing News

Posted on Tháng Hai 22, 2019 in Tin tức

Share the Story

Back to Top