Shark Phú: Doanh nghiệp cần lắng nghe người dùng để cải tiến sản phẩm

Trước quan điểm cho rằng Lock Cuff cần nhiều cải tiến trong tương lai, Shark Phú nhận định sản phẩm phải liên tục điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu người dùng theo từng giai đoạn.

Một trong những startup khiến khán giả quan tâm nhất ở tập 3 Shark Tank Việt Nam mùa 4 là Robert Thorwath – nhà sáng lập và điều hành thương hiệu Lock Cuff với sản phẩm khóa chống trộm cho xe máy. Robert cho biết Việt Nam là thị trường tiêu thụ xe máy nhiều bậc nhất, nhưng các loại khóa chống trộm hiện tại chưa được tiện dụng, đặc biệt với phụ nữ. Chính vì vậy, ông đã nghĩ ra việc kết hợp chiếc còng tay với một cái khóa để tạo ra loại khóa mới.

Shark Phu,  Sunhouse anh 1

Robert Thorwath giới thiệu sản phẩm tại Shark Tank Việt Nam.

Là người Mỹ nhưng Robert có tình yêu đặc biệt dành cho Việt Nam. Robert chia sẻ khi ông bắt đầu hình thành ý tưởng, tìm nhà sản xuất để tạo ra khuôn mẫu và sản phẩm, một công ty New Zealand đã tiếp cận và đề nghị hợp tác, nhưng Robert từ chối.

“Lock Cuff được sinh ra ở Hà Nội nên nó sẽ ở Việt Nam thôi. Tôi sẽ không sản xuất nó ở một quốc gia nào khác Việt Nam”, Robert khẳng định. Toàn bộ nguyên liệu tạo ra chiếc khóa đều được sản xuất tại Hà Nội. Quy trình sản xuất không dùng nhựa, thân thiện với môi trường.

Nhìn thấy đây là startup tiềm năng, ý tưởng hình thành cũng như sản phẩm của Lock Cuff mang đầy “chất Việt”, thị trường lớn, giá cả phù hợp, Shark Phú nhanh chóng lên tiếng trước, dùng cả hệ sinh thái Sunhouse để “hấp dẫn” startup này: “Tôi có nhà xưởng với mọi loại máy móc có thể làm mẫu cho anh. Tôi có hệ thống bán hàng. Tất cả đều đã sẵn sàng. Nếu chúng ta hợp tác, anh không cần đầu tư gì cả”.

Shark Phu,  Sunhouse anh 2

Shark Phú hứng thú với startup Lock Cuff.

Với startup tiềm năng này, Shark Phú gặp phải sự giằng co dữ dội từ các Shark khác. Quyết liệt trong cách “chiêu dụ”, phân tích rõ những vấn đề mà startup đang cần, Shark Phú đồng ý đầu tư 2 tỷ đồng lấy 10% cổ phần và tiếp tục dùng hệ sinh thái, nhà máy, hệ thống phân phối để thuyết phục startup Tây. “Hãy chú ý, sau lưng chúng ta có một hệ thống từ xưởng tới 2.000 nhân công, máy móc và thiết bị. Mọi máy móc, mẫu, phương pháp có thể phát triển cái này cho anh dễ dàng”, Shark Phú nhấn mạnh.

Với những lợi thế cạnh tranh về mặt sản xuất, Shark Phú đã thành công khi “chiêu dụ” startup Mỹ nhưng mang đầy “chất Việt” gia nhập hệ sinh thái của mình.

Chia sẻ thêm về lý do đầu tư cho Lock Cuff, Shark Phú cho biết ông nhìn thấy tiềm năng thị trường của sản phẩm này. Mức giá của sản phẩm phù hợp với số đông người tiêu dùng Việt, đặc biệt nằm trong hệ sinh thái sản xuất của Sunhouse nên ông có thể hỗ trợ được nhiều.

Shark Phu,  Sunhouse anh 3

Shark Phú thuyết phục Robert Thorwath thành công.

Trước thắc mắc về việc định hướng thay đổi Lock Cuff trong tương lai, Shark Phú nhận định trong kinh doanh, sản phẩm phải liên tục điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của người dùng theo từng giai đoạn. Sau quá trình ra mắt sản phẩm, doanh nghiệp nên lắng nghe phản hồi của thị trường, Khi có những lời góp ý, doanh nghiệp nên nhìn nhận, đánh giá và liên tục cải tiến. Đặc biệt với các sản phẩm liên quan đến cơ khí và công nghiệp, việc thay đổi vật liệu, tính năng sản phẩm, tháo gỡ sự bất tiện… đáp ứng nhu cầu của người dùng là điều chắc chắn. Sản phẩm cũng cần được đánh giá và cải tiến định kỳ.

Từng chia sẻ đang “đi tìm chất Việt” để bổ sung vào hệ sinh thái Sunhouse nhưng lại chọn một startup đến từ Mỹ, Shark Phú giải thích không quan trọng ý tưởng của ai, đến từ quốc gia nào, mà vấn đề là việc sản xuất, khả năng thương mại hóa của sản phẩm và đem sản phẩm đến cho người dùng, phục vụ cuộc sống.

Shark Phu,  Sunhouse anh 4

Shark Phú nhấn mạnh sản phẩm cần liên tục được cải tiến để phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Đối với Lock Cuff, Shark Phú tin tưởng có thể giúp startup nhanh chóng đưa sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Điều này có cơ sở khi ông đã cùng đội ngũ tạo dựng hệ sinh thái của Sunhouse trở thành một trong những hệ thống sản xuất lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực đồ gia dụng.

Sunhouse đang sở hữu cụm 8 nhà máy sản xuất, bao gồm các cụm nhà máy sản xuất gia dụng Sunhouse, nhà máy nhôm nhựa Aluba, nhà máy vi mạch điện tử Narae Sunhouse System, nhà máy bóng đèn Lighting Tospo, các cụm nhà máy cơ khí… Với những lợi thế sẵn có từ hệ sinh thái, Sunhouse sẽ hỗ trợ Lock Cuff sản xuất thành phẩm, nâng cao chất lượng với chi phí thấp hơn và ra hàng nhanh hơn, từng bước tiến vào thị trường.

Theo: Zing News

Posted on Tháng Năm 18, 2021 in Tin tức

Share the Story

Back to Top