Trong quý I, điện sản xuất của EVN và các tổng công ty phát điện đạt 29,22 tỷ kWh, chiếm gần 49% toàn hệ thống. Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN ước đạt 50,81 tỷ kWh, tăng 3,2%.
Trong quý I, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân tại các địa phương, đặc biệt tăng cường cấp điện cho các bệnh viện, cơ sở y tế và các khu vực cách ly tập trung phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Báo cáo hoạt động quý I
Lũy kế 3 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 59,65 tỷ kWh, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN ước đạt 50,81 tỷ kWh, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Chi tiết sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống. |
Trong quý I, EVN gặp một số khó khăn trong huy động nguồn linh hoạt, như các tổ máy thủy điện phải thay đổi linh hoạt công suất để bù đắp thay đổi năng lượng tái tạo, ảnh hưởng an ninh cấp điện cuối mùa khô; tăng số lần khởi động, thay đổi công suất các tổ máy nhiệt điện than, tuabin khí, tăng nguy cơ sự cố tổ máy… Do đó, việc huy động các nguồn điện hàng ngày cần được tính toán hợp lý. Cơ cấu nguồn phải đảm bảo có dự phòng để đáp ứng những thay đổi của phụ tải tiêu thụ điện lẫn thay đổi bất thường của các nguồn năng lượng tái tạo, với mức độ thay đổi hàng nghìn MW trong vài giây. Việc tiết giảm khả năng phát các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua là bắt buộc, nhằm đảm bảo an toàn cung cấp điện.
Trong 3 tháng đầu năm, công tác điều hành cung ứng điện bám sát nhu cầu điện cả nước và các khu vực, đảm bảo huy động các loại nguồn điện phù hợp tình hình thuỷ văn, đồng thời đảm bảo cấp nước hạ du và sản xuất nông nghiệp.
Tính chung 3 đợt xả nước, các hồ thủy điện của EVN xả 5,14 tỷm3, tiết kiệm 0,5-0,7 tỷ m3. Tổng lượng nước xả năm nay dù giảm so với kế hoạch, nhưng vẫn cao hơn 2,46 tỷ m3 so với năm 2020 và 0,72 tỷ m3 so với năm 2019.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, chỉ số SAIDI (thời gian mất điện kéo dài trung bình của khách hàng) là 262,7 phút, giảm 43,9%% so với cùng kỳ năm 2020; chỉ số SAIFI (tần suất mất điện kéo dài trung bình) là 2,02 lần, giảm 28,87% so cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 67,52%. Tỷ lệ số tiền điện được thanh toán không dùng tiền mặt toàn EVN đạt gần 90%.
EVN tiếp tục tích cực hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái Đất 2021 vào tháng 3. EVN và các đơn vị thành viên thực hiện tuyên truyền về tiết kiệm điện và hưởng ứng chiến dịch trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Bên cạnh đó, các tổng công ty điện lực, công ty điện lực các tỉnh, thành phố cũng triển khai thực hiện tuyên truyền tại các địa điểm giao dịch khách hàng, trụ sở của các đơn vị trong cả tháng 3. Sau một giờ tắt đèn hưởng ứng (20h30-21h30 ngày 27/3), cả nước tiết kiệm được 353.000 kWh (khoảng 658,1 triệu đồng).
Trong quý I, EVN đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân tại các địa phương. |
Về công tác đầu tư xây dựng, trong quý I, EVN đôn đốc các đơn vị xử lý vướng mắc trong công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, đường dây 500 kV mạch 3, đường dây 500 kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 và các dự án 110 kV.
Về nguồn điện, hội đồng nghiệm thu cấp chủ đầu tư EVN nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng cụm cửa xả – dự án Thủy điện tích năng Bác Ái (giai đoạn I). Về đầu tư lưới điện, EVN và các đơn vị khởi công 27 công trình; hoàn thành đóng điện 27 công trình lưới điện 110 kV đến 500 kV, trong đó có những dự án lưới điện cấp bách như đóng điện tuyến 2 đường dây 500 kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 vào hệ thống điện quốc gia, đóng điện nâng công suất trạm biến áp 500 kV Quảng Ninh…
Trong bối cảnh cả nước tập trung phòng chống dịch Covid-19, EVN và các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo cung cấp điện cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhiệm vụ công tác trong tháng 4
Với nhận định quý II là thời gian cao điểm của mùa khô, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề ra mục tiêu đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô, đặc biệt trong bối cảnh nguồn điện năng lượng tái tạo có tỷ trọng cao.
Tháng 4, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 713,6 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất ước khoảng 38.285 MW. Sắp tới, hiện tượng thừa nguồn vào giờ thấp điểm trưa, quá tải lưới điện gây tiết giảm năng lượng tái tạo được nhận diện sẽ tiếp tục xuất hiện. Công tác vận hành hệ thống yêu cầu tính chính xác, kỷ luật và tuân thủ quy định điều độ ở mức cao nhất với tất cả đơn vị vận hành nguồn và lưới điện trong HTĐ quốc gia.
Mục tiêu vận hành hệ thống điện tháng 40 là tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo sản xuất, cung ứng điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt người dân; đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV và kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5; khai thác nhiệt điện than và tua-bin khí theo cấu hình nguồn nhằm khai thác tối đa năng lượng tái tạo; điều tiết các hồ thủy điện bám sát kế hoạch năm và đảm bảo cấp nước hạ du cho các địa phương. Các Tổng Công ty Phát điện đảm bảo tính khả dụng các tổ máy cao nhất trong các tháng mùa khô. Vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500 kV Bắc – Nam.
Về công tác đầu tư xây dựng, sắp tới, EVN sẽ hoàn thành phát điện thương mại tổ máy 2 dự án thủy điện Thượng Kon Tum; khởi công dự án thủy điện Ialy mở rộng và dự án điện mặt trời Phước Thái 2 và 3; chuẩn bị mặt bằng và các điều kiện để khởi công dự án cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Dung Quất.
Đối với dự án đường dây 500 kV mạch 3, EVN cũng đẩy nhanh thi công, nhằm đóng điện đoạn Dốc Sỏi – Pleiku 2 trong tháng 4, đôn đốc các đơn vị trong phối hợp bồi thường GPMB.
Theo: Zing News
Comments are closed.