Theo báo cáo tài chính Công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) năm 2016 công bố mới đây, tính riêng tại công ty mẹ PVN năm vừa qua đã có tới 102.600 tỷ đồng, tương đương 1/4 tổng tài sản gửi ngân hàng, thu về khoản tiền lãi “kếch xù”.
Mang 1/4 tổng tài sản gửi ngân hàng lấy lãi
Tính đến hết năm 2016, tổng tài sản công ty mẹ PVN đạt trên 439.170 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn là 155.458 tỷ đồng và hơn 283.712 tỷ đồng tài sản dài hạn.
Năm 2016, PVN thu về hơn 30.500 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính nhờ khoản tiền gửi ngân hàng khổng lồ. Ảnh: Lê Hiếu. |
Đáng chú ý, trong tài sản ngắn hạn có tới 19.788 tỷ đồng là tiền và các khoản tương đương tiền, giảm hơn 14.000 tỷ đồng so với đầu năm 2016, và khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng hơn 23.000 tỷ đồng đạt 82.815 tỷ đồng.
Theo thuyết minh của báo cáo tài chính, cuối năm 2016, PVN mẹ chỉ ghi nhận hơn 4 tỷ đồng tiền mặt và 2.797 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn. Còn lại hơn 16.986 tỷ đồng được tập đoàn này mang đi gửi ngắn hạn tại các ngân hàng thương mại, với thời hạn thu hồi gốc nhỏ hơn hoặc bằng 3 tháng.
Đặc biệt, tất cả khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của PVN đều là các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 3 đến 12 tháng, bao gồm tiền đồng và USD, lên đến 82.814 tỷ đồng. Một nửa trong đó là quỹ thu dọn mỏ giữ hộ các nhà thầu dầu khí, với 41.166 tỷ đồng.
Các khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại tính đến cuối năm 2016 chiếm tới gần 1/4 tổng tài sản PVN mẹ. Đồ họa: Quang Thắng. |
Như vậy, năm 2016, PVN đã mang tới hơn 102.600 tỷ đồng đi gửi ngân hàng không kỳ hạn và có kỳ hạn hưởng lãi suất, con số này tương đương 1/4 tổng tài sản tập đoàn năm 2016.
Việc mang tới 1/4 tổng tài sản đi gửi ngân hàng cũng giúp PVN thu về khoản tiền lãi “kếch xù”. Theo đó, năm 2016, tập đoàn thu về tới 30.594 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng 5.000 tỷ đồng so với năm trước và gấp đôi doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của hoạt động chính là 14.448 tỷ đồng.
Trong khi hoạt động kinh doanh chính năm qua chỉ mang về cho PVN mẹ 3.344 tỷ đồng thì hoạt động tài chính mang về cho tập đoàn này tới 25.400 tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 93% tổng lợi nhuận trước thuế.
Lo ngại bù lỗ hàng tỷ USD cho Lọc Hóa dầu Nghi Sơn
Năm 2016, PVN mẹ cũng có khoản đầu tư tài chính dài hạn lên tới 183.814 tỷ, trong đó chủ yếu là các khoản đầu tư vào công ty con chiếm 89% giá trị, tương đương 163.351 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo tài chính của PVN mẹ, giá trị hợp lý của các khoản đầu tư vào công ty con lên tới 257.587 tỷ đồng. Nguyên nhân do đầu tư vào các công ty con đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, PVN xác định giá trị hợp lý của khoản đầu tư này trên cơ sở thị giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán tại thời điểm lập báo cáo tài chính và số lượng cổ phiếu mà công ty đang nắm giữ.
Chênh lệch giá trị gốc và giá trị hợp lý theo thị giá cổ phiếu trên thị trường một số khoản đầu tư của PVN mẹ năm 2016. Đồ họa: Quang Thắng. |
Như khoản đầu tư 18.328 tỷ đồng PVN mẹ đã chi ra để sở hữu 95,79% vốn tại Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS), nay có giá trị lên tới 111.069 tỷ đồng theo thị giá của cổ phiếu GAS trên sàn chứng khoán.
Nhưng nhiều khoản đầu tư vào công ty con của PVN tại năm 2016 cũng ghi nhận thua lỗ lớn. Cụ thể, PVN đã phải trích lập dự phòng toàn bộ khoản đầu tư hơn 1.990 tỷ đồng tại Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất. Tương tự, PVN mẹ cũng phải trích lập dự phòng 100% vốn đầu tư tại CTCP Hoá dầu xơ sợi Dầu khí với giá trị lên tới 1.602 tỷ đồng…
Chi phí xây dựng dở dang của PVN mẹ cũng khoảng 35.127 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các dự án Điện lực dầu khí Thái Bình II giá trị hơn 25.014 tỷ đồng, dự án Điện lực dầu khí Sông Hậu 1 trị giá 3.273 tỷ đồng, dự án Điện lực dầu khí Long Phú 1 hơn 2.453 tỷ đồng và Công trình liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn hơn 1.827 tỷ đồng…
Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng ngày 19/7 vừa qua, PVN đã đề nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề bao tiêu sản phẩm của Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn và nguồn để bù chênh lệch thuế nhập khẩu theo cam kết của Chính phủ đối với Dự án này.
Một số khoản đầu tư vào công ty con của PVN mẹ phải trích lập dự phòng hàng nghìn tỷ đồng. Đồ họa: Quang Thắng. |
Cụ thể, trước đó, PVN đã thay mặt Chính phủ ký với liên doanh nhà đầu tư dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn việc không chỉ được áp giá bán buôn các sản phẩm của mình tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu, mà còn được cộng vào giá bán thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen…).
Trong thời hạn 10 năm, nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi, PVN sẽ bù cho Lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch.
Tuy nhiên, hiện thuế nhập khẩu dầu từ ASEAN (0%) đã thấp hơn giá trị ưu đãi cho Lọc dầu Nghi Sơn. Nếu lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, trong vòng 10 năm, PVN sẽ phải bỏ ra hàng tỷ USD để bù lỗ cho nhà máy này.
Theo một số tính toán, nếu giá dầu là 45 USD/thùng, PVN sẽ phải bù lỗ cho Lọc dầu Nghi Sơn 1,54 tỷ USD. Số tiền bù lỗ này sẽ lên 1,8 tỷ USD nếu giá dầu là 50 USD/thùng. Còn ở phương án giá dầu 70 USD/thùng, PVN dự kiến sẽ phải chi ra 2 tỷ USD để bù lỗ.
6 tháng đầu năm 2017, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thu về hơn 247.100 tỷ đồng doanh thu, vượt 15% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 56% kế hoạch năm. Tổng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 13.100 tỷ đồng, vượt 15% so với kế hoạch 6 tháng và bằng 79% kế hoạch năm.
PVN phải sớm giải quyết dự án thua lỗ, đẩy nhanh dự án chậm tiến độThủ tướng giao 4 nhiệm vụ quan trọng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong đó có giải quyết nhanh các dự án thua lỗ, yêu cầu thực hiện quyết liệt thời gian tới. |
Bao nhiêu công ty thành viên của PVN đang thua lỗ?Trên cơ sở hợp nhất của 20 đơn vị thành viên, PVN là tập đoàn có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam nhưng một số công ty thành viên đang chịu thua lỗ những năm gần đây. |
Ông Đinh La Thăng bị kỷ luật vì những dự án nào của PVN?Giai đoạn 2009-2011, PVN khởi động hàng loạt khoản đầu tư thông qua các công ty thành viên, trong đó không ít dự án đến nay thua lỗ lớn, bị cơ quan chức năng chỉ ra nhiều sai phạm. |
Comments are closed.