Chuỗi đồ uống này tiếp tục đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng lên 2.500-3.000 tỷ đồng, đồng thời cho biết đang chuẩn bị cho kế hoạch xuất ngoại trong 2-3 năm tới.
Tập đoàn Masan mới thông tin chi tiết về hoạt động và định hướng kinh doanh Phúc Long trong báo cáo thường niên 2022, chuỗi đồ uống được mua lại từ năm 2021.
Masan rót vốn lần đầu vào quý II/2021 khi mua 20% cổ phần Phúc Long Heritage, sau đó mua thêm 31% trong tháng 1/2022 và thêm 34% trong tháng 8/2022, nâng tổng tỷ lệ sở hữu lên mức hiện tại là 85%.
Đây là chuỗi cửa hàng trà và cà phê hàng đầu tại Việt Nam, giúp Masan nhảy vào phân khúc phục vụ nhu cầu ăn uống ở hàng quán, bên cạnh nhu cầu ăn uống tại nhà đang có của các mảng truyền thống.
Masan nhấn mạnh Phúc Long đã tăng trưởng mạnh mẽ khi trở thành một phần của hệ sinh thái bán lẻ mới, hiện đứng thứ 2 về doanh thu và số một về biên lợi nhuận xét về mô hình flagship (không bao gồm chuỗi kiosk).
Hiệu quả kinh tế đang tập trung ở các cửa hàng flagship với biên EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) của cửa hàng và của công ty lần lượt là 31% và 25%, mức cao nhất ngay cả khi so sánh với các công ty F&B hàng đầu thế giới.
Điều này đồng nghĩa mỗi cửa hàng flagship của Phúc Long cứ thu 10 đồng sẽ mang về lợi nhuận hơn 3 đồng. Ở góc độ toàn công ty, cứ thu 4 đồng thì chuỗi có lợi nhuận 1 đồng.
Dữ liệu từ macrotrends.net cho thấy biên EBITDA của toàn hệ thống Starbucks những năm gần đây, nếu loại trừ năm 2020 bị tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 trên phạm vi cả thế giới, cũng chỉ trong khoảng 20-23%.
Chuỗi đồ uống của Masan có biên lợi nhuận cao nhất thế giới. Ảnh: MSN. |
“Phúc Long Heritage đã tăng gấp đôi số lượng cửa hàng flagship và đạt EBITDA 31% ở mô hình flagship trong top đầu thế giới”, báo cáo viết.
Chuỗi trà và cà phê này ghi nhận 132 cửa hàng flagship và cửa hàng mini vào cuối năm 2022, tức mở thêm 44 điểm bán trong năm. Thương hiệu này còn có 798 kiosk trong hệ thống WinCommerce.
Lãnh đạo tập đoàn lý giải biên lợi nhuận cao vượt trội là nhờ khả năng tạo doanh thu trên mỗi cửa hàng gấp 2-3 lần so với các doanh nghiệp nội địa trong cùng ngành hàng.
Kéo theo là kết quả tài chính khả quan với doanh thu toàn chuỗi đạt 1.579 tỷ đồng và EBITDA ở mức 195 tỷ đồng. Trong đó, nhóm cửa hàng flagship đóng góp doanh số đến 1.153 tỷ đồng và tạo ra EBITDA là 332 tỷ đồng.
Masan thừa nhận quá trình thử nghiệm mô hình kiosk không đáp ứng được kỳ vọng ban đầu nên đã quyết định đóng cửa 150 kiosk trong nửa cuối năm 2022. Tập đoàn đang điều chỉnh mô hình này trong nửa đầu năm 2023 trước khi tiếp tục mở rộng quy mô.
Phúc Long còn có những bước tiến lớn trong việc tiếp cận khách hàng thông qua các kênh mới, khi doanh số bán hàng trực tuyến chiếm 35% tổng doanh thu. Doanh thu từ trà chiếm tỷ trọng hơn 70% khi lượng khách hàng trong độ tuổi 18 đến 35 yêu thích các sản phẩm trà hơn là cà phê và trà sữa.
Chủ mới của Phúc Long đặt mục tiêu mở mới 75-90 cửa hàng đại diện thương hiệu trong năm nay và triển khai tích hợp khách hàng thân thiết vào chương trình hội viên WIN, đồng thời tăng cường đổi mới thực đơn trong giai đoạn nửa cuối năm.
“Phúc Long dự kiến trở thành thương hiệu đứng thứ 2 về số lượng cửa hàng vào quý II/2023”, lãnh đạo Masan đặt thêm mục tiêu.
Chuỗi đồ uống này dự kiến đạt doanh thu 2.500-3.000 tỷ đồng vào năm 2023, nhờ việc khai trương các cửa hàng mới và tăng cường đổi mới thực đơn. Phúc Long còn lên kế hoạch mở rộng trên phạm vi toàn cầu trong vòng 2-3 năm tới.
Theo dự báo của Euromonitor, các cửa hàng cà phê và trà đặc sản tiêu dùng bên ngoài sẽ tăng trưởng 8,6%/năm từ 1,2 tỷ USD trong năm 2022 lên 1,5 tỷ USD vào năm 2025. Mức tiêu thụ trà bình quân đầu người ở Việt Nam vẫn còn thấp so với các quốc gia khác có nền văn hóa trà tương tự, mang lại tiềm năng tăng trưởng đáng kể.
Mở thêm 1.000 điểm bán, Highlands, Starbucks, Phúc Long toan tính gì?Nhờ đẩy mạnh mở rộng số lượng cửa hàng, hoạt động kinh doanh của các chuỗi cà phê lớn đang dần có dấu hiệu hồi phục. |
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu…
Theo: Zing News
Comments are closed.