Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá tác động của việc giảm thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, từ đó có đề xuất, giải pháp phù hợp.
Tham dự và chỉ đạo tại hội nghị sơ kết công tác tài chính – ngân sách 6 tháng đầu năm do Bộ Tài chính tổ chức chiều 7/7, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá tình hình kinh tế – xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh các kết quả đạt được trong nửa đầu năm nay, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan cần phải tập trung theo dõi, đánh giá, để có những giải pháp ứng phó phù hợp trước những biến động liên tục của thị trường trong nước và quốc tế.
“Mục tiêu nhất quán là phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, không để xảy ra những cú sốc cho nền kinh tế”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Đánh giá tác động việc giảm thêm thuế với xăng dầu
Tại hội nghị, Phó thủ tướng đã đưa ra một loạt nhiệm vụ yêu cầu ngành tài chính thực hiện để đảm bảo hoàn thành các kế hoạch tài chính ngân sách năm 2022.
Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khóa, thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ; tăng cường phân tích, dự báo các kịch bản tăng trưởng, từ đó đưa ra các giải pháp chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng được giao.
Phó thủ tướng cho biết mới đây, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu xuống mức sàn. Để nhanh chóng kìm đà tăng của giá mặt hàng thiết yếu này, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nhanh chóng hoàn thành các thủ tục để triển khai việc giảm thuế ngay trong kỳ điều hành sắp tới (11/7).
Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá tác động việc giảm thuế với xăng dầu để đề xuất giải pháp phù hợp. Ảnh: BTC. |
Đặc biệt, với những sắc thuế khác liên quan giá xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt…), Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá tác động để đề xuất giải pháp phù hợp.
Trước đó, đại diện Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đã trình Thủ tướng phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT đối với mặt hàng xăng dầu. Theo tiến trình, sau khi được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ trình phương án giảm thuế này lên các thành viên của Chính phủ.
Bên cạnh yêu cầu nghiên cứu, triển khai các chính sách thuế, phí kể trên, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, nguyên nhiên phụ liệu đầu vào đã tăng giá mạnh trong các tháng đầu năm. Từ đó, kịp thời đề xuất các giải pháp cân đối cung – cầu, bình ổn giá cả thị trường, nhất là giá các mặt hàng xăng dầu.
Bộ Tài chính cũng phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá để phát hiện, xử lý những trường hợp sai phạm.
Thao túng giá cổ phiếu ngày càng tinh vi
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết tính đến hết tháng 6 năm nay, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 941.300 tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán. Theo phân cấp, thu ngân sách trung ương ước đạt 66,4% dự toán và thu ngân sách địa phương đạt xấp xỉ 67% dự toán.
Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách từ đầu năm ước đạt 713.000 tỷ đồng, bằng 40% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển chỉ đạt 28,6%; chi thường xuyên đạt 45,8% và chi trả lãi đạt 50,1% so với dự toán.
Dù tiến độ thu ngân sách đạt khá sau nửa năm, tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết một số khoản thu và địa bàn tiến độ thu còn thấp, nợ đọng thuế có xu hướng tăng. Tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới, diễn biến phức tạp.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết các hành vi thao túng, làm giá chứng khoán ngày càng tinh vi. Ảnh: BTC. |
Bên cạnh đó, công tác phân bổ dự toán chi ngân sách còn chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước, chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng thừa nhận thị trường cổ phiếu, chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng, làm giá ngày càng tinh vi; thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu còn hạn chế, một số doanh nghiệp sử dụng vốn không đúng mục đích.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, nguyên nhân của những hạn chế này là do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong khi giá xăng dầu và các nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhiều doanh nghiệp phát sinh nợ thuế…
Để đảm bảo công tác quản lý tài chính ngân sách 6 tháng cuối năm hiệu quả, ngoài việc triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế, Bộ Tài chính cho rằng cần có sự tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. Trong đó, tập trung rà soát, kịp thời báo cáo, kiến nghị xử lý những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách.
Ngoài ra, Bộ cũng định hướng từ nay đến cuối năm vận hành thị trường tài chính an toàn, thông suốt; thực hiện quản lý giá theo nguyên tắc thị trường; kiểm soát lạm phát, ổn định các cân đối lớn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bộ Công Thương đề xuất dùng ngân sách bù giá xăng dầu cho ngư dânBộ Công Thương đề xuất bố trí ngân sách để hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân theo hướng hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách nhà nước bù vào phần giá xăng dầu tăng. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bất thường quyết giảm thuế xăng dầuNếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, đến kỳ điều hành ngày 1/8, giá xăng trong nước sẽ giảm 1.000 đồng/lít, dầu diesel giảm 500 đồng/lít. |
Tác động của việc giảm thuế xăng dầu
Chính phủ
phó thủ tướng
lê minh khai
bộ tài chính
bộ trưởng hồ đức phớc
giá xăng dầu
thuế xăng dầu
thuế tiêu thụ đặc biệt
thuế vat
chứng khoán
thao túng giá chứng khoán
Theo: Zing News
Comments are closed.