Bên cạnh việc bán tài sản, công ty con, một giải pháp quan trọng giúp Phát Đạt tất toán sạch nợ trái phiếu chỉ sau 1 năm khủng hoảng chính là phát hành cổ phiếu.
CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) mới đây đã thông tin về kết quả mua lại toàn bộ hai lô trái phiếu PDR12101 (tổng mệnh giá phát hành là 500 tỷ đồng) và PDR12204 (tổng mệnh giá phát hành là 300 tỷ đồng).
Theo đó, doanh nghiệp đã chi tổng cộng 458,5 tỷ đồng để mua lại giá trị còn lại của 2 lô trái phiếu này trước hạn. Qua đó chính thức đưa dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp về 0 đồng.
Đáng chú ý, trong khi nhiều nhà phát triển bất động sản khác vẫn đang loay hoay xử lý, tái cơ cấu phần dư nợ trái phiếu, thì Phát Đạt đã xử lý xong toàn bộ dư nợ này chỉ sau khoảng 1 năm từ đợt khủng hoảng khiến giá cổ phiếu giảm hơn 80% hồi cuối năm 2022.
Dòng tiền tươi từ phát hành cổ phiếu
Để đưa khoản dư nợ này về 0 đồng, trong suốt 1 năm qua, Phát Đạt đã liên tục phải bán tài sản, bán công ty con và đặc biệt là thực hiện các đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Mới nhất, để có hàng trăm tỷ đồng tất toán số dư nợ trái phiếu còn lại, Phát Đạt đã hoàn tất đợt chào bán gần 67,2 triệu cổ phiếu riêng lẻ trong ngày 22/11 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho 7 nhà đầu tư cá nhân. Qua đó, doanh nghiệp này thu về gần 672 tỷ đồng tiền tươi, đồng thời nâng vốn điều lệ từ 6.716 tỷ đồng lên 7.388 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thời điểm Phát Đạt thực hiện đợt phát hành riêng lẻ này thị giá cổ phiếu PDR trên sàn lên tới gần 30.000 đồng/đơn vị, tức cao gấp 3 lần giá phát hành cổ phiếu mới. Đồng nghĩa với việc Phát Đạt chấp nhận bán rẻ cổ phần của doanh nghiệp để nhận về dòng tiền tươi từ các nhà đầu tư mới.
Với số tiền 672 tỷ đồng thu được này, Phát Đạt cho biết sẽ dành 634 tỷ đồng để trả nợ gốc trái phiếu và 38 tỷ đồng còn lại để trả tiền lãi.
Ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc Phát Đạt cho biết việc giảm dư nợ, tăng vốn chủ sở hữu đã giúp chỉ số công ty lành mạnh hơn, giảm bớt áp lực về tài chính để sẵn sàng cho những kế hoạch tiếp theo.
Để có tiền trả nợ, Phát Đạt đã thực hiện phát hành riêng lẻ với giá thấp hơn nhiều thị giá trên sàn của cổ phiếu PDR. Nguồn: Tradingview. |
Trước đó, việc phát hành thành công hơn 178,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông (tỷ lệ 36,3%) vào giữa năm 2022 cũng đã giúp nhà phát triển bất động sản này bổ sung hàng nghìn tỷ đồng vào vốn điều lệ, qua đó giúp doanh nghiệp có dư địa vốn để liên tục mua lại trái phiếu trước hạn trong hơn một năm qua.
Ngoài ra, Phát Đạt mới đây cũng đã công bố kế hoạch chào bán tiếp tối đa 134 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ chào bán 5,5:1) với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng thu về hơn 1.340 tỷ đồng. Thời gian dự kiến chào bán trong năm nay hoặc năm sau khi được Ủy ban Chứng khoán chấp thuận.
Đáng chú ý, trong đợt chào bán này, Phát Đạt cũng chỉ đưa ra mức giá phát hành tương đương 1/3 thị giá hiện tại của cổ phiếu PDR trên sàn.
Có thể thấy, để có thể tất toán sạch nợ trái phiếu chỉ sau hơn 1 năm, cổ đông Phát Đạt đã phải “cắn răng” chấp nhận cho doanh nghiệp phát hành cổ phiếu với giá rẻ hơn nhiều thị giá trên sàn, chấp nhận bị pha loãng tỷ lệ sở hữu để đổi lấy tiền trả nợ.
Bán loạt dự án, công ty con
Bên cạnh phát hành cổ phiếu, trong hơn một năm qua Phát Đạt cũng đã thu rất nhiều tiền từ hoạt động bán tài sản, bán công ty con.
Theo đó, doanh nghiệp bất động sản này đã chuyển nhượng dự án Astral City (Bình Dương) cho Tập đoàn Danh Khôi và thu về 870 tỷ đồng hồi tháng 4, dự kiến đến cuối năm, đối tác nhận chuyển nhượng có thể thanh toán cho Phát Đạt thêm 1.500 tỷ đồng.
Cuối năm ngoái, Phát Đạt cũng đã chuyển nhượng 88,99% vốn tại Công ty CP Địa ốc Hòa Bình – chủ đầu tư dự án 197 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM), hay còn được biết đến với tên gọi “Khu phức hợp Hòa Bình – Thanh Yến” – với giá trị theo mệnh giá gần 285 tỷ đồng.
Phát Đạt đã bán nhiều dự án bất động sản lớn trong hơn một năm qua để có tiền trả nợ. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Mới đây, HĐQT Phát Đạt cũng đã thông qua việc chuyển nhượng 99,8% vốn Công ty CP Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp Phát Đạt (PDI) với giá không thấp hơn 130% mệnh giá, tức 1.287 tỷ đồng. Trong đó, đối tác nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Phát Đạt Holdings, công ty do ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt làm chủ tịch. Doanh nghiệp này cũng là cổ đông lớn sở hữu 10% vốn Phát Đạt.
Được biết, PDI được thành lập năm 2020 với vốn 680 tỷ đồng, đến năm 2021 thì tăng lên 3.000 tỷ đồng và do Phát Đạt góp 68% vốn. Sau đó, PDI giảm vốn về 1.000 tỷ đồng khiến tỷ lệ sở hữu của Phát Đạt tại đây tăng lên 99,8%. PDI được Phát Đạt thành lập để thực hiện kế hoạch lấn sân sang mảng bất động sản khu công nghiệp.
Hiện PDI đã đạt được các văn bản chấp thuận chủ trương nghiên cứu, đầu tư tại các địa phương như Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Nghĩa, Đồng Tháp, Phú Quốc… với tổng diện tích quỹ đất hơn 3.000 ha.
Cổ đông lớn liên tục muốn giảm sở hữu tại NovalandĐộng thái bán cổ phiếu của các cổ đông lớn diễn ra ngay sau khi Novaland công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh và thay thế các phương án phát hành cổ phiếu. |
Xây dựng Hòa Bình muốn đổi đơn vị kiểm toánĐơn vị kiểm toán hiện tại của Hòa Bình là EY Việt Nam, đã gắn bó từ 2011 đến nay. Nếu được thông qua, EY sẽ không còn là đơn vị kiểm toán các BCTC của Hòa Bình từ năm 2024. |
Chủ tịch Đất Xanh sắp chi 210 tỷ đồng để mua 17 triệu cổ phiếu DXGSau giao dịch, lượng cổ phiếu ông Lương Trí Thìn nắm giữ tại Đất Xanh sẽ đạt hơn 122 triệu đơn vị, tương ứng gần 20% vốn điều lệ. |
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu… Mời độc giả của ZNews đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.
Bùi Quang Anh Vũ
Tp. Hồ Chí Minh
Phát Đạt
phát đạt
cổ phiếu PDR
bất động sản
trái phiếu
địa ốc
nợ bds
Theo: Zing News
Comments are closed.