Ông chủ hãng bút bi Thiên Long mong lãi gần 800 triệu/ngày

Tập đoàn Thiên Long đặt mục tiêu lãi sau thuế 280 tỷ đồng trong năm 2021 ở kịch bản học sinh đi học ổn định, thị trường hồi phục dần và trở lại bình thường.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (mã chứng khoán TLG), doanh nghiệp sở hữu thương hiệu văn phòng phẩm cùng tên, vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2021. Theo đó, công ty dự kiến trình kế hoạch doanh thu 3.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 280 tỷ, chia cổ tức tỷ lệ 20%/mệnh giá.

Mục tiêu được Thiên Long xây dựng dựa trên giả định kịch bản học sinh đi học ổn định, thị trường hồi phục dần và trở lại bình thường. Nếu diễn biến dịch bệnh trở nên khó lường, kế hoạch của công ty sẽ thay đổi.

Kết thúc quý I/2021, TLG ghi nhận doanh thu thuần đạt được 680 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 85 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 20 tỷ.

Các chỉ số tài chính khác của công ty cũng được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ lãi gộp đạt 42% so với mức 29% cùng kỳ năm trước, do thay đổi cơ cấu phân phối hàng đối với các sản phẩm có biên lợi nhuận thấp và đẩy mạnh bán các nhóm hàng có tỷ suất lợi nhuận cao.

TLG cũng cho biết đã thực hiện đồng loạt các giải pháp khi chuyển đổi phương thức kinh doanh, cơ cấu lại kênh bán hàng, kiểm soát tốt các chi phí. Tỷ lệ chi phí/doanh thu thuần duy trì ở mức 27% so với tỷ lệ 35% cùng kỳ, trong đó chi phí bán hàng chỉ tăng 18% và chi phí quản lý tương đương so với cùng kỳ.

KẾT QUẢ KINH DOANH THEO QUÝ CỦA THIÊN LONG
Nhãn Quý I/2020 Quý II Quý III Quý IV Quý I/2021
Doanh thu tỷ đồng 473 660 841 765 685
Lợi nhuận sau thuế -20 37 129 94 85

Trong năm nay, TLG cho biết sẽ tập trung phát triển các sản phẩm mới phù hợp với xu hướng mới của từng nhóm đối tượng khách hàng để hỗ trợ tích cực cho việc phát triển các kênh bán hàng mới và tăng doanh số trên toàn hệ thống.

Tiếp tục đi sâu vào việc phân phối cho hệ thống bán lẻ thông qua việc phát triển điểm bán và tăng cường chất lượng đội ngũ nhân viên bán hàng; phát triển hình ảnh thương hiệu, nhãn hàng và đẩy mạnh việc hỗ trợ trên kênh bán hàng thông qua các hoạt động bảng hiệu, hộp đèn, quầy kệ, vật phẩm trưng bày, các chương trình cho hệ thống kinh doanh và người tiêu dùng cuối cùng.

Ngoài ra, cần phát triển bán hàng trên kênh thương mại điện tử, bao gồm trang thương mại điện tử FlexOffice.com và các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Shopee, Tiki, Sendo, Lazada và đẩy mạnh việc bán hàng trên kênh B2B doanh nghiệp và B2B trường học.

Đối với thị trường nước ngoài, chủ thương hiệu bút bi Thiên Long sẽ củng cố và phát triển thương hiệu tại các thị trường Đông Nam Á như Philippines, Myanmar, Thái Lan và Indonesia. Đồng thời, thu hút người dùng mới bằng cách phát triển các sản phẩm mới dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng và tập trung phát triển khách hàng, đơn hàng OEM.

Trước tình hình giá nguyên vật liệu hóa chất, bột màu ngày càng tăng cao, bộ phận công nghệ hóa Thiên Long cần tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu thay thế và dự phòng nhằm ổn định sản xuất, đảm bảo giá thành và nhất là luôn đảm bảo việc đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của châu Âu và châu Mỹ cho các sản phẩm.

Tập đoàn Thiên Long, tiền thân là cơ sở Bút bi Thiên Long thành lập năm 1981. Thương hiệu này hiện giữ vị trí số 1 trên thị trường Việt Nam và đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp đứng đầu Đông Nam Á và nhóm đầu châu Á trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh văn phòng phẩm.

Vì sao Masan định giá chuỗi trà sữa Phúc Long 75 triệu USD?

Đại diện Masan giải thích nếu mở thành công 1.000 Kiosk sẽ giúp Phúc Long nhân 3 quy mô doanh thu và lợi nhuận hiện tại, do đó định giá chuỗi trà sữa này gấp 50 lần lãi sau thuế.

Ông chủ hãng bút bi Thiên Long mong lãi gần 800 triệu/ngày

Lazada

Shopee

Tiki

bút bi thiên long

tập đoàn thiên long

mã cổ phiếu TLG

Tập đoàn Thiên Long

Theo: Zing News

Posted on Tháng Năm 27, 2021 in Tin tức

Share the Story

Back to Top