Nợ xấu của Sacombank gần 48.000 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) mới đây đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý I. Ba tháng đầu năm, Sacombank ghi nhận 309 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2016 và bằng 58% tổng lợi nhuận trước thuế năm trước.

Đáng chú ý, sự tăng trưởng về lợi nhuận của nhà băng này không đến từ hoạt động kinh doanh chính, là cho vay tín dụng.

Cụ thể, trong quý I, khoản thu nhập lãi thuần (thu từ hoạt động cho vay lấy lãi) của ngân hàng chỉ đạt 1.051 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Nguyên nhân trực tiếp do chi phí phải trả lãi tăng nhanh hơn so với lãi thu về từ việc cho vay.

No xau cua Sacombank gan 48.000 ty dong, cao nhat trong lich su hinh anh 1
Kết quả lợi nhuận tăng trưởng trong quý I của Sacombank không đến từ tăng trưởng của lĩnh vực kinh doanh chính. Đồ họa: Quang Thắng.

Điều này đã xảy ra từ cuối năm 2015, sau khi sáp nhập Southernbank vào hệ thống, Sacombank đã phải gánh toàn bộ khoản tiền gửi từ ngân hàng này chuyển sang. Trong khi các khoản cho vay tại ngân hàng này đều không hiệu quả và rất nhiều nợ xấu, nợ khó đòi trong đó.

Hoạt động chính sụt giảm, lợi nhuận của Sacombank đến nhiều từ các mảng kinh doanh ngoài ngành như dịch vụ tăng 22,4%; kinh doanh ngoại hối thu về 147 tỷ đồng lãi thuần, gấp 2,3 lần cùng kỳ. Hai mảng chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đều có kết quả khởi sắc so với 3 tháng đầu năm ngoái.

Trong kỳ, chi phí hoạt động của nhà băng này cũng giảm 6%, cùng với chi phí dự phòng được hoàn nhập gần 1 tỷ đã giúp lợi nhuận nhà băng này cải thiện đáng kể so với cùng kỳ. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, ngân hàng lãi ròng 211 tỷ đồng.

Kể từ khi sáp nhập SouthernBank vào hệ thống, Sacombank từ một ngân hàng trong top 5 ngân hàng dẫn đầu, dần xa sút, nợ xấu liên tục tăng cao.

Tính đến hết quý I, tổng nợ xấu tại Sacombank đã lên tới 10.083 tỷ đồng, trong đó hơn 6.600 tỷ đồng là nợ có khả năng mất vốn, giá trị tuyệt đối chỉ kém nợ xấu tại BIDV (năm 2016).

Dù tỷ lệ nợ xấu hiện tại giảm xuống mức 4,88% dư nợ tín dụng (đầu năm tỷ lệ này là 5,35%) nhưng Sacombank còn có tới 37.760 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt nắm giữ tại VAMC (công ty thu mua nợ xấu các ngân hàng) và mới chỉ dự phòng hơn 1.624 tỷ đồng cho khoản trái phiếu nắm giữ tại đây.

Như vậy, tính tổng cộng nợ xấu của Sacombank, gồm cả nợ tại VAMC đang lên gần 48.000 tỷ đồng, tương đương hơn 19% tổng dư nợ (dư nợ tín dụng và trái phiếu tại VAMC). Đây cũng là mức nợ xấu bao gồm cả nợ tại VAMC nắm giữ cao nhất trong nhóm ngân hàng niêm yết.

Hiện nay, Sacombank và Agribank đang nắm giữ gần 50% tổng giá trị trái phiếu VAMC đã phát hành.

Mới đây, Sacombank đã có thông báo về việc tạm hoãn tổ chức đại hội cổ đông thường niên đến cuối tháng 5, thay vì ngày 28/4 như đã thông báo.

Ngày 24/2, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo Sacombank khẩn trương tổ chức đại hội đồng cổ đông trong tháng 4, để kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông, tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu đã được phê duyệt sau khi sáp nhập Southern Bank.

Đại gia địa ốc Novaland mới đây cũng chính thức xin rút lui không tham gia đề án tài cấu trúc Sacombank.

Ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch HĐQT Novaland, cho biết trong thời gian chờ đợi sự phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu Sacombank, đã xuất hiện rất nhiều thông tin trái chiều gây bất lợi cho Novaland, nên doanh nghiệp xin rút lui khỏi đề án.

Trước đó, Novaland có đề xuất Novaland Group mua 20% cổ phần của Sacombank, cũng như trù tính cả kế hoạch nhân sự tại ngân hàng này sau khi được xét duyệt và tham gia chính thức, cùng một số đề xuất khác.

Lựa chọn nào của Sacombank trước nguy nan?

Nhà đầu tư lớn là Novaland đã rút đề nghị được tham gia đề án tái cơ cấu Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Nhóm nhà đầu tư khác cũng có trở ngại.

Posted on Tháng Tư 21, 2017 in Tin tức

Share the Story

Back to Top