Thị trường bán lẻ đang “nóng” trở lại khi các tập đoàn tăng tốc mở rộng cả về số lượng lẫn quy mô. Cuộc chơi thu hút khách hàng và chiếm thị phần ngày càng khốc liệt.
Trái ngược với bức tranh ảm đạm những năm trước, thị trường bất động sản bán lẻ đang “nóng” lên từng ngày với sự xuất hiện của hàng loạt đại siêu thị mới. Đây được xem như cú hích giúp doanh số của nhiều ngành hàng vực dậy trong bối cảnh người dân đang có xu hướng “ngại” chi tiêu bất chấp dịp lễ cuối năm tới gần.
Ngay tháng 12, Tập đoàn Thaco đã cho ra mắt TTTM Emart Phan Huy Ích (TP.HCM) với diện tích hơn 10.500 m2. Không lâu sau đó, Đại Quang Minh – công ty con của Thaco – cũng được chấp thuận thực hiện dự án TTTM dịch vụ và mua sắm trong Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội).
Trên khu đất rộng 2,4 ha, Thaco dự kiến tiếp tục xây dựng đại siêu thị Emart thứ 4, tiến thêm một bước trong kế hoạch mở rộng hệ thống Emart lên con số 10 trên toàn quốc vào năm 2025.
Đại siêu thị mọc “như nấm sau mưa”
Chuỗi bán lẻ Hàn Quốc lần đầu đặt chân đến Việt Nam sau khi xây dựng và khai trương Emart Phan Văn Trị (Gò Vấp, TP.HCM) vào năm 2015 với diện tích 11.900 m2, cùng vốn đầu tư lên đến 60 triệu USD. Tuy nhiên, trong suốt 6 năm hoạt động, Emart không hề mở rộng số lượng siêu thị cho đến khi hoàn tất thỏa thuận chuyển nhượng vốn và nhượng quyền cho Thiso – công ty con của Thaco – vào năm 2021.
Tháng 8/2022, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cho biết tập đoàn kỳ vọng khai trương 20 siêu thị Emart trong 5 năm tới và đạt 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2026, đồng thời trở thành đại siêu thị có thị phần số 1 Việt Nam.
Lý giải mục tiêu này, ông Dương tiết lộ doanh thu năm 2021 của siêu thị Emart đạt 1.600 tỷ đồng, dẫn đầu doanh thu lẫn lượng khách bình quân trên một siêu thị ở Việt Nam. Do vậy với con số 20 siêu thị, việc đưa doanh thu lên mốc 32.000 tỷ đồng không phải xa vời và mục tiêu 1 tỷ USD, tương đương 23.500 tỷ đồng, là điều dễ hiểu.
Chỉ trong nửa năm thị trường đã đón 2 đại siêu thị mới. Ảnh: Phương Lâm. |
Thực tế, nếu chỉ dựa vào 3 siêu thị Emart với tổng diện tích hơn 26.400 m2, Thaco vẫn còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn cạnh tranh với các đối thủ nội lẫn ngoại trước khi tính tới chuyện dẫn đầu thị phần.
Nếu như Emart Phan Huy Ích đang hâm nóng thị trường TP.HCM, thì tại Hà Nội, sự kiện khai trương Lotte Mall West Lake hồi cuối tháng 9 đã thay đổi hoàn toàn cuộc chơi. Không chỉ còn tập trung vào số lượng, các đại siêu thị như Lotte Mall West Lake đang chạy đua về cả chất lượng dịch vụ lẫn quy mô.
Với 5 tầng nổi, 2 tầng hầm, tích hợp loạt tiện ích gồm TTTM, khách sạn 5 sao, căn hộ dịch vụ cao cấp và văn phòng hạng A trên diện tích sàn lên tới 354.000 m2, Lotte Mall West Lake đã trở thành tổ hợp thương mại lớn nhất của tập đoàn Hàn Quốc tại Việt Nam.
Đầu tư vào Việt Nam từ năm 1996, hiện tập đoàn đã có 19 công ty thành viên. Hoạt động kinh doanh siêu thị của Lotte khởi đầu bằng sự ra đời của Lotte Mart quận 7 (TP.HCM) vào năm 2008 và nhanh chóng mở rộng thành 14 TTTM, siêu thị.
Việc chi tới 600 triệu USD xây dựng Lotte Mall West Lake cho thấy tập đoàn Hàn Quốc không giấu giếm tham vọng thâu tóm thị phần đại siêu thị tại phía Bắc và nâng phân khúc đại siêu thị lên một “level” mới.
Miếng bánh “chia năm xẻ bảy”
Để so kè cả về quy mô lẫn sự tươi mới trong phong cách phục vụ khách hàng với Lotte, hệ thống Aeon Mall có lẽ là cái tên sáng giá.
Hiện tại, Aeon đã có 6 đại siêu thị quy mô lớn trên toàn quốc cùng hàng loạt chuỗi siêu thị quy mô nhỏ, trung tâm bách hóa tổng hợp, siêu thị tinh gọn và cửa hàng chuyên doanh. Tính riêng 6 đại siêu thị, tổng diện tích sàn của Aeon Mall đã lên đến 406.000 m2.
Điểm đặc biệt của các đại siêu thị Aeon Mall là thường chọn vị trí xa nội đô nhưng tập trung đông dân cư. Kết quả là sau hơn 10 năm hoạt động, Aeon Việt Nam đã chào đón 180 triệu lượt khách mua sắm với 2 triệu khách hàng thành viên.
Theo báo cáo tài chính năm 2022 (niên độ 1/3/2022-28/2/2023) của tập đoàn, doanh thu vận hành tại Việt Nam đã đạt gần 13,3 tỷ yen (2.300 tỷ đồng), tăng trên dưới 4 lần so với 2 năm dịch bệnh trước đó. Lợi nhuận hoạt động cũng tăng từ âm 83 triệu yen lên hơn 3 tỷ yen (trên 510 tỷ đồng).
Aeon có kế hoạch phát triển khoảng 20 TTTM tại Việt Nam. Ảnh: Aeon Mall. |
Hồi tháng 5, ông Akio Yoshida – Chủ tịch điều hành Tập đoàn Aeon – nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia được đầu tư nhiều nhất trên thế giới với hơn 1,18 tỷ USD. Song, Aeon vẫn khao khát phát triển khoảng 20 TTTM tại thị trường này.
Không chỉ nhóm doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, người Thái cũng đang ráo riết mở rộng quy mô các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam. Hiện Central Retail vận hành hơn 340 cửa hàng bán lẻ trên 40 tỉnh thành tại Việt Nam, bao gồm 77 cửa hàng bán lẻ thực phẩm, trong đó có 38 đại siêu thị GO! và 39 siêu thị. Ngoài ra còn có hơn 200 cửa hàng bán lẻ phi thực phẩm và 39 TTTM GO! Malls.
Trong giai đoạn năm 2023-2027, tập đoàn có kế hoạch đầu tư thêm 50 tỷ baht (34.000 tỷ đồng) để tăng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam. Giá trị khoản đầu tư này cao gấp 5 lần mức chi cho thị trường Việt trong 10 năm giai đoạn 2012-2022.
9 tháng đầu năm nay, Central Retail Việt Nam đóng góp 37,655 triệu baht (26.000 tỷ đồng), vào doanh thu của công ty mẹ. Dù giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng Việt Nam vẫn là thị trường nước ngoài đem về doanh thu cao nhất cho tập đoàn này.
Hệ thống Vincom vẫn là điểm đến ưu thích của người dùng khi phủ sóng ở hầu hết khu vực trung tâm. Ảnh: Tuấn Anh. |
Nếu nhìn vào số lượng, chuỗi TTTM Vincom của Vincom Retail vẫn duy trì vị trí dẫn đầu thị trường. Với 83 TTTM phủ khắp 44 tỉnh thành, Vincom Retail đang sở hữu 5 TTTM phân khúc Mega Mall và 7 TTTM phân khúc Center.
Trái ngược với hầu hết đối thủ, các đại siêu thị của Vincom đều nằm ở vị trí đắc địa, sâu trong trung tâm, thường tích hợp cùng các khu đô thị lớn.
Ngoài ra, Vincom Retail còn sở hữu nhiều phân khúc quy mô nhỏ hơn như Vincom Plaza đánh vào các thành phố trẻ và khu vực ngoài trung tâm Hà Nội và TP.HCM. Hay Vincom+ phục vụ cho dân cư sinh sống tại các huyện, thị xã, thị trấn, nơi thị trường bán lẻ đang trong giai đoạn phát triển.
Quý III vừa qua, công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 3.333 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó hoạt động kinh doanh TTTM ghi nhận doanh thu 1.988 tỷ đồng. Kết thúc quý, Vincom Retail lãi ròng 1.317 tỷ đồng, tăng 66%.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của công ty này đạt 7.449 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.341 tỷ đồng, tăng lần lượt 43% và 72% so với cùng kỳ.
Với độ phủ lớn của Vincom Retail và mục tiêu tham vọng của Thaco, thị trường có thể kỳ vọng vào đợt “phản công” của các doanh nghiệp Việt nhằm lấy lại lợi thế ngay trên chính sân nhà trước các đối thủ ngoại.
Ai đang hiện diện trong thị trường đại siêu thị Việt?Cuộc chiến tranh giành thị phần “miếng bánh” bán lẻ đang “nóng” hơn khi ngày càng nhiều đại siêu thị được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mở rộng. |
Thaco sắp xây đại siêu thị Emart thứ 4 ở Tây Hồ TâyKhu đô thị Tây Hồ Tây đang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư để xây đại siêu thị như Takashimaya, Lotte, Thaco. |
Số phận những trung tâm thương mại nổi tiếng một thờiNhững hậu quả của Covid-19 cùng sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ đang đẩy một số trung tâm thương mại (TTTM) lớn ở Hà Nội vào cảnh trống vắng, ngổn ngang. |
Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu…
quy mô đại siêu thị
các đại siêu thị
đại siêu thị
trung tâm thương mại
tttm
vincom
thiso
emart
thaco
aeon
lotte
Theo: Zing News
Comments are closed.