Những khoản lãi nghìn tỷ của ngân hàng quý đầu năm

Một loạt ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với những khoản lợi nhuận nghìn tỷ, tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng đã chậm lại.

Hàng loạt ngân hàng vẫn báo lãi nghìn tỷ đồng trong quý I, nhưng mức tăng trưởng đã chậm lại. Ảnh: Chí Hùng.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – LienVietPostBank (LPB) – vừa công bố kết quả kinh doanh quý I với khoản lợi nhuận trước thuế đạt 1.566 tỷ đồng.

Cụ thể, nhà băng này cho biết trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh quý I của ngân hàng vẫn đạt được một số tích cực nhờ thực hiện hiệu quả sử dụng vốn, phù hợp với tăng trưởng tín dụng và luôn đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động.

Những khoản lãi đầu tiên

Theo đó, trong quý đầu năm, số dư huy động vốn của LienVietPostBank đã tăng 8,63% so với cuối năm 2022, đạt hơn 272.500 tỷ đồng. Cùng với đó, chỉ tiêu dư nợ cho vay cũng tăng 2,72%, lên hơn 242.100 tỷ đồng.

Nhà băng này cho biết với việc tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức thấp, LienVietPostBank đã tập trung đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ và cung ứng đa dạng sản phẩm ở mảng kinh doanh này như ngân hàng số, thẻ, thanh toán quốc tế…

Đồng thời, nhờ kiểm soát tốt chi phí hoạt động, lợi nhuận trước thuế quý I của ngân hàng đã đạt 1.566 tỷ đồng. Ban lãnh đạo ngân hàng đánh giá, dù lợi nhuận giảm nhẹ (-13%) so với cùng kỳ, kết quả này vẫn là tín hiệu khá tích cực trong bối cảnh thị trường có nhiều thách thức.

Thực tế, LienVietPostBank không phải nhà băng duy nhất ghi nhận lợi nhuận đi lùi trong quý đầu năm nay. Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đồng thường niên chiều 18/4, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cũng cho biết lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ VPBank quý I chỉ đạt 4.000 tỷ đồng, giảm tới 62% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh mức nền so sánh cao do quý I/2022 là giai đoạn VPBank ghi nhận khoản phí hỗ trợ từ thỏa thuận độc quyền phân phối bảo hiểm với AIA Việt Nam, ông Vinh cho biết một phần nguyên nhân khiến lợi nhuận ngân hàng mẹ suy giảm là phải trích lập dự phòng tới 2.600 tỷ đồng rủi ro tín dụng. Chưa kể, FE Credit – công ty con của VPBank – vẫn còn khó khăn và báo lỗ trong quý vừa qua.

KẾT QUẢ LỢI NHUẬN QUÝ I HÀNG NĂM CỦA MỘT SỐ NH
Nhãn 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023
VPBank tỷ đồng 201 403 1039 1924 2619 1783 2911 4006 11146 4000
LienVietPostBank 183 114 264 470 507 511 604 1112 1795 1566
ACB 318 359 389 595 1490 1707 1925 3104 4114 5120
SHB 277 209 305 307 503 744 779 1664 3227 3600

Với mức lợi nhuận kể trên, ông Vinh cho biết VPBank mới hoàn thành 1/5 mục tiêu lợi nhuận cả năm (24.003 tỷ đồng). Dù vậy, ban lãnh đạo ngân hàng vẫn không điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm nay, với kỳ vọng quý III và IV, ngân hàng thường bứt tốc mạnh hơn và nợ xấu sẽ giảm.

Tính riêng quý I, nhà băng này vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng khoảng 7% và tăng trưởng huy động vốn 11,5%, các chỉ số rất tích cực so với mặt bằng chung toàn thị trường.

Không bị suy giảm lợi nhuận như 2 nhà băng kể trên, nhưng tăng trưởng lợi nhuận quý I năm nay cũng SHB cũng đã đi lùi so với mức tăng năm 2022.

Theo bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB, với mức tăng trưởng huy động vốn trên 8% và tăng trưởng tín dụng gần 6% quý I, ngân hàng đã thu về 3.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều nếu so với mức tăng trưởng lợi nhuận nhà băng này ghi nhận được trong quý I/2022 (+94%).

Với kết quả này, ngân hàng đã hoàn thành 35% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay theo kế hoạch được cổ đông thông qua (dự kiến vượt mốc 10.000 tỷ đồng).

Cũng chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB, cho biết lợi nhuận quý I của ngân hàng đã đạt 5.120 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và hoàn thành 26% kế hoạch cả năm.

Với kết quả này, lãnh đạo ACB tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay, với mức lãi trước thuế mục tiêu 20.058 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với năm liền trước.

Ngoài ra, ban lãnh đạo Eximbank cũng đã chia sẻ khoản lợi nhuận trong quý đầu năm đạt khoảng 900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, hoàn thành 18% kế hoạch đặt ra (5.000 tỷ đồng).

Lợi nhuận tăng chậm lại

Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng quý đầu năm nay đã chậm lại rõ rệt so với cùng kỳ. Các chuyên gia trước đó cũng dự báo tăng trưởng lợi nhuận của ngành này sẽ chậm lại và đạt 10-12% trong quý I năm nay, khi mà tín dụng tăng chậm lại và biên lãi ròng (NIM) thu hẹp.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán SSI, HDBank, BIDV và Sacombank sẽ là 3 ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực nhất quý I năm nay.

DỰ BÁO LỢI NHUẬN QUÝ I CỦA MỘT SỐ NGÂN HÀNG
Số liệu của ACB tính theo kết quả ngân hàng công bố. Nguồn: SSI Research; Tổng hợp.
Nhãn Vietcombank MBBank BIDV VietinBank ACB* HDBank VIB Sacombank MSB
Quý I/2023 (dự báo) tỷ đồng 11000 7000 6274 6000 5120 3200 2701 2700 1500
Quý I/2022 9950 5908 4514 5822 4114 2528 2279 1589 1495

Trong đó, các chuyên gia tại SSI Research dự báo lợi nhuận trước thuế quý I của HDBank có thể đạt 3.000-3.200 tỷ đồng, tương đương mức tăng 20-25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận HDBank gia tăng là nhờ mức tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 10% trong quý đầu năm và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát.

Với BIDV, các chuyên gia ước tính lợi nhuận trước thuế quý I của ngân hàng này có thể đạt 5.958-6.274 tỷ đồng, tăng tương ứng 32-39% so với cùng kỳ, nhờ chi phí tín dụng giảm mạnh từ mức nền cao của quý I/2022. Bên cạnh đó, SSI dự báo tăng trưởng tín dụng của nhà băng này sẽ đạt 4% trong quý đầu năm nay.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Sacombank được dự báo tăng 57-70% so với cùng kỳ, tương đương mức lợi nhuận 2.500-2.700 tỷ đồng trong quý I.

Ngoài ra, SSI Research cũng dự báo các ngân hàng Vietcombank, VietinBank, VIB đều sẽ ghi nhận tăng trưởng dương trong quý đầu năm nay. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không cao như cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, một số ngân hàng có thể ghi nhận tăng trưởng âm trong quý do tín dụng tăng thấp hơn dự kiến.

Ngân hàng dè dặt mục tiêu lợi nhuận

Các ngân hàng đang rục rịch tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên và đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2023 với xu hướng tăng trưởng thấp so với năm 2022.

Lợi nhuận ngân hàng niêm yết vượt 10 tỷ USD

Bất chấp những khó khăn của thị trường chung, năm 2022, nhóm ngân hàng niêm yết vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 34%, lần đầu vượt mốc 10 tỷ USD.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu… Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Theo: Zing News

Posted on Tháng Tư 21, 2023 in Tin tức

Share the Story

Back to Top