Dù ngân hàng có nhiều vốn cho vay nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở TP.HCM không thể tiếp cận nguồn vốn do không đảm bảo yêu cầu về thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay.
Doanh nghiệp ở TP.HCM vẫn khó vay vốn. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Trong báo cáo tháng 2, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết tình hình vay vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn rất khó khăn, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay.
Doanh nghiệp khó vay vốn
Dù ngân hàng có nhiều vốn cho vay nhưng hiệp hội này cho biết doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận nguồn vốn do không đảm bảo yêu cầu về thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay.
“Cụ thể, việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng… Hiện, có tới 41% doanh nghiệp khảo sát đã không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn”, hiệp hội phản ánh.
Do đó, hiệp hội cho rằng ngân hàng nên xem xét tăng tỷ lệ thế chấp các tài sản này, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai…
“Với tình hình khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp không vay vì không có hợp đồng hoặc doanh nghiệp vay vốn không chỉ cho nhu cầu đầu tư mới, mà còn là để thanh toán các khoản vay cũ đã đến hạn”, HUBA cho biết.
Mặt khác, hiệp hội cũng đề xuất phía ngân hàng có thể xem xét ân hạn nợ bên cạnh việc gia hạn. Theo đó, doanh nghiệp gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay, thay vì phải trả ngay khi hết gia hạn, làm tăng gấp đôi số tiền phải trả trong năm tiếp theo, gây khó khăn kép cho doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, chi phí cao. Ảnh: Việt Linh. |
Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện và điện tử, nhựa, cao su và hóa chất…, hiệp hội cho biết tình hình kinh doanh của ngành chưa tích cực, thậm chí nhiều doanh nghiệp bị suy giảm do thiếu đơn hàng, chi phí đầu vào tăng cao.
Ngoài ra, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hiện nay hầu hết là các chi tiết rời rạc, khó đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và doanh nghiệp đang chịu mức lãi suất vay khá cao (7-8%).
“Do đó, nhà nước nên xem xét đơn giản hóa thủ tục vay vốn kích cầu đầu tư, chú trọng hỗ trợ nguồn vốn và chính sách ưu đãi đối với các dự án lớn, hình thành hệ thống các nhà máy chuyên môn hóa, có thể sản xuất được các cụm linh kiện hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của khách hàng toàn cầu”, hiệp hội đề xuất.
Dệt may, da giày vẫn khó khăn
Về tình hình của các doanh nghiệp, HUBA cho biết hoạt động sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi ở một số ngành như công nghệ, cơ khí, đồ gia dụng…
Tuy nhiên, một số ngành còn khó khăn như dệt may, da giày, sản phẩm gỗ. Một số doanh nghiệp có xu hướng chuyển qua khai thác thị trường mới nhiều tiềm năng như Campuchia, Thái Lan và các nước Đông Nam Á.
Ngành chế biến lương thực, thực phẩm hoạt động tốt, gia tăng thị trường Trung quốc và các thị trường mới khai thác như Đông Nam Á, châu Phi… Tuy nhiên, hiệp hội đánh giá thành phố chưa nắm bắt, hưởng lợi đối với sản phẩm nông nghiệp, các mặt hàng rau củ quả của Việt Nam có sự phát triển mạnh.
Ngành thương mại nội địa phục hồi nhưng chưa có nhiều ấn tượng. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu mặc dù có khó khăn về logistics và luồng hàng vận tải biển, nhưng đã từng bước lấy lại đà tăng trưởng.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đã có nhiều dấu hiệu khả quan sau khi thực hiện tái cơ cấu và sẽ cho thấy sự phục hồi rõ nét hơn từ nửa cuối năm 2024. Một số doanh nghiệp lớn đã tiến hành cơ cấu lại nợ để cải thiện tình hình tài chính, thông qua các hình thức mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn hoặc đàm phán với các trái chủ, các ngân hàng để gia hạn nợ, giảm áp lực dòng tiền.
Tri thức – Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.
Doanh nghiệp chi hơn 200 triệu đồng mua hoa dịp 8/3Dịp 8/3 năm nay, một số cửa hàng hoa cho biết nhiều khách hàng đã đặt mua từ sớm, mức chi tiêu thấp hơn năm ngoái nhưng cũng không thiếu đơn hàng trăm triệu đồng. |
Đề xuất cá nhân chỉ được bán, cho thuê tối đa 5 căn nhà/nămCá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ có thể chỉ được bán, cho thuê 3-5 nhà, căn hộ trong một năm, nếu vượt phải lập doanh nghiệp. |
Thiếu hụt lao động sau TếtSau Tết Nguyên đán 2024, nhiều doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch tuyển thêm hàng nghìn lao động để chuẩn bị cho đơn hàng mới và mở rộng sản xuất. |
doanh nghiệp vay vốn
Tp. Hồ Chí Minh
doanh nghiệp
tphcm
vay vốn
ngân hàng
lãi suất vay
Theo: Zing News
Comments are closed.