Nhiều điều đáng chờ ở sàn chứng khoán năm 2017

Sàn chứng khoán năm 2017 sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều cuộc lật đổ ngoạn mục từ các đại gia mới và những doanh nghiệp tỷ đô.

Nhiều doanh nghiệp tỷ đô chào sàn

Đầu năm 2017, nhiều doanh nghiệp lớn sẽ đăng ký giao dịch chứng khoán, trong đó có những cái tên ngay khi niêm yết sẽ trở thành đầu tàu của thị trường, với vốn hoá tỷ đô.

Ngay phiên giao dịch đầu tiên của năm mới, đã có 2 doanh nghiệp lớn niêm yết trên sàn UPCoM, là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (HVN) và Tập đoàn dệt may Việt Nam – Vinatex (VGT).

Hai mã cổ phiếu HVN và VGT ngay phiên giao dịch đầu tiên đều có mức tăng ấn tượng, đẩy vốn hóa doanh nghiệp lên hàng nghìn tỷ đồng so với định giá ban đầu.

Giá đóng cửa ngày 3/1 của cổ phiếu VGT đạt 17.100 đồng/cổ phiếu, tăng 26,7% so với giá tham chiếu. Vốn hoá của Vinatex tăng lên 8.550 tỷ đồng.

Với mức tăng kịch trần, cổ phiếu HVN cũng đưa vốn hoá của Vietnam Airlines lên 48.119 tỷ đồng, tương đương 2,12 tỷ USD (giá trị ban đầu 1,51 tỷ USD).

Nhieu dieu dang cho o san chung khoan nam 2017 hinh anh 1
Những doanh nghiệp đăng ký giao dịch trong năm nay đang khiến thị trường chứng khoán năm 2017 trở nên sôi động. Đồ họa: Quang Thắng.

Ngày 5/1 tới, Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan sẽ đăng ký giao dịch hơn 538 triệu cổ phiếu với mã MCH trên thị trường UPCoM, giá tham chiếu là 90.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, ngay khi chào sàn, vốn hoá của MCH sẽ đạt hơn 48.400 tỷ đồng, tương đương 2.12 tỷ USD.

Ngoài những doanh nghiệp sản xuất, thị trường còn chào đón nhiều mã cổ phiếu rất đáng kỳ vọng từ ngành ngân hàng.

Sớm nhất là ngày 9/1, hơn 564,44 triệu cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế sẽ được giao dịch trên UPCoM, tương đương vốn hoá trên 9.595 tỷ đồng. Techcombank và VPBank cũng đang chuẩn bị cho quá trình đăng ký giao dịch chứng khoán của mình trong năm 2017.

Những doanh nghiệp lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO), như Vietjet tới đây cũng được kỳ vọng rất lớn, hứa hẹn sàn chứng khoán năm 2017 vô cùng sôi động.

Lộ diện nhiều tỷ phú đôla

Không chỉ sôi động với những doanh nghiệp tỷ USD mà bảng xếp hạng người giàu trên sàn chứng khoán cũng sẽ có sự xáo trộn mạnh.

Cuối năm 2016, hàng loạt đại gia mới gia nhập danh sách người giàu trên sàn chứng khoán như ông Trịnh Văn Quyết, ông Bùi Thành Nhơn, ông Đỗ Hữu Hạ, bà Lê Thị Ngọc Diệp… Danh sách này sẽ có nhiều cuộc soán ngôi ngoạn mục trong năm nay, khi các doanh nghiệp khổng lồ đăng ký giao dịch chứng khoán.

Nổi bật nhất là bà chủ hãng hàng không tư nhân Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, người đang nắm giữ 20,03% vốn điều lệ của Vietjet Air, tương đương hơn 60 triệu cổ phiếu. Bà Thảo được kỳ vọng trở thành nữ tỷ phú USD đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt sau khi Vietjet Air hoàn tất IPO.

Dù Vietjet Air chưa công bố thông tin về việc IPO trong thời gian tới nhưng nhiều hãng tin nổi tiếng đã thông tin về việc này. Theo đó, Vietjet Air được định giá khoảng 1,2 tỷ USD, nếu IPO thành công doanh nghiệp sẽ huy động được khoảng 170 triệu USD.

Nhieu dieu dang cho o san chung khoan nam 2017 hinh anh 2
Vẫn còn rất nhiều đại gia đang ẩn mình chưa đăng ký giao dịch chứng khoán.

Người cũng sở hữu tiềm lực rất lớn để trở thành tỷ phú USD trên sàn chứng khoán là ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty CP Ôtô Trường Hải (THACO). THACO được định giá hơn 2 tỷ USD, doanh nghiệp đã đăng ký lưu ký chứng khoán tại VSD từ đầu năm 2016.

Với khối lượng cổ phiếu liên quan tại THACO lên tới hơn 211,23 triệu cổ phiếu, tương đương gần 60% vốn điều lệ, nếu THACO đăng ký giao dịch cổ phiếu trong năm nay, ông Dương sẽ trở thành tỷ phú USD tiếp theo trên sàn chứng khoán Việt.

Đại gia được đánh giá đang sở hữu hàng chục nghìn tỷ đồng là ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch ABBank đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco).

Ông Tiền sở hữu nhiều dự án lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, như Nhiệt điện Thăng Long (18.000 tỷ đồng), Xi măng Thăng Long (6.000 tỷ đồng)… Ông cũng là người đứng sau vụ tái cấu trúc Công ty CP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội – Hanic (SHN) và tăng vốn điều lệ của Hanic từ 424 tỷ đồng lên 1.150 tỷ đồng, trở thành cổ đông lớn nhất của Hanic với 9,27%.

Cổ phiếu bất thường có thể xuất hiện nhiều hơn

Các cổ phiếu này được xác định là nhóm có vấn đề về quản trị/tài chính; cổ phiếu mới được tăng vốn mạnh để niêm yết và cổ phiếu có tỷ lệ tự do giao dịch thấp và được đẩy giá mạnh.

Kết hợp với tình trạng giao dịch ký quỹ (margin) cao, khi có biến động về thị trường hoặc lãi suất, các nhóm cổ phiếu này bộc lộ rủi ro và thường giảm rất mạnh.

Các cổ phiếu có vấn đề sẽ còn xuất hiện nhiều hơn trong năm 2017, do mức độ khó khăn của dòng tiền cũng như siết chặt quản lý từ cơ quan Nhà nước. Thị trường đang tự đào thải dần những mã có vấn đề nhưng những hiện tượng này gây tổn thất lòng tin của nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng: “Chúng tôi tạo ra một cái chợ có những chuẩn mực, có hàng cao cấp và hàng thấp cấp. Trong cuộc chơi phải có luật chơi công khai và rõ ràng. Ở đây, nhà đầu tư luôn có trách nhiệm với đồng tiền và muốn sinh lời.

Những người làm quản lý, tổ chức thị trường cần đảm bảo hàng hóa vào đến thị trường phải đạt chuẩn”.

Nhưng ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, cho rằng thị trường năm nay sẽ có nhiều điểm thuận lợi, nhờ sửa Luật Chứng khoán, gỡ được dòng vốn đầu tư nước ngoài và khắc phục vướng mắc với Luật Đầu tư.

Vốn hóa TTCK Việt Nam sẽ vượt 100 tỷ USD

Nếu như 10 năm trước thị trường chỉ có 3 doanh nghiệp tỷ đô xét theo vốn hóa thì nay con số này đã chạm mốc 20. Số lượng tăng mạnh nhất rơi vào năm 2016, khi nhiều ông lớn đầu ngành tiến hành niêm yết.

Việc niêm yết của các doanh nghiệp lớn trong nhiều lĩnh vực đã đưa vốn hóa thị trường chứng khoán tăng cao và có khả năng vượt 100 tỷ USD trong năm tới.

Hiện 25 doanh nghiệp lớn đã và dự kiến niêm yết như Sabeco, Vietnam Airlines, Vinatex, Novaland, Thaco,… ước vốn hóa tương đương 30,6 tỷ đôla Mỹ, tức khoảng 40% tổng vốn hóa TTCK Việt Nam hiện tại.

Bảng xếp hạng người giàu Việt sẽ có nhiều xáo trộn?

Tài sản tăng thêm 1.200 tỷ đồng, ông Bùi Thành Nhơn, ông chủ Novaland trở thành người giàu thứ tư trên sàn chứng khoán. Bảng xếp hạng người giàu hứa hẹn có nhiều thú vị.

Posted on Tháng Một 4, 2017 in Tin tức

Share the Story

Back to Top