Nhân viên ngành du lịch làm shipper, bán hàng online

Dịch bệnh bùng phát lần 4, nhiều doanh nghiệp, lao động du lịch lại gồng mình tìm hướng đi mới. Hàng loạt nhân viên công ty du lịch bỏ nghề.

Mỗi khi vào mùa cao điểm mùa du lịch, Kiên – nhân viên của Công ty du lịch Vietrantour – làm việc cả ngày lẫn đêm. Nhưng đó là câu chuyện của vài năm về trước. Hiện tại, viễn cảnh ấy đối với Kiên và nhiều lao động trong ngành du lịch là một ước mơ xa xỉ.

“Doanh nghiệp du lịch chuẩn bị đứng dậy lần nào thì lại bị dịch Covid-19 quật ngã lần đó. Dần dần, mọi người trong nghề ai cũng nản chí”, anh lắc đầu. Thực tế, dịp lễ 30/4-1/5 và những tháng hè được kỳ vọng là thời điểm “giải cứu” ngành du lịch nội địa sau gần 2 năm lao đao vì dịch Covid-19.

Thế nhưng, làn sóng bùng phát dịch lần thứ tư đã cướp đi hy vọng đó. Chàng trai trẻ ví quãng thời gian trải qua 4 đợt dịch bùng phát dịch Covid-19 là quãng thời gian khó khăn nhất trong 7 năm làm nghề của mình.

du lich tim huong di moi trong dich anh 1

Trong gần 2 năm qua, dịch Covid-19 luôn xảy ra trước hoặc trong mùa cao điểm du lịch khiến lao động ngành du lịch ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: Thanh Đức.

Nghỉ việc, chuyển hướng

“Sau khoảng 1,5 năm gồng mình cùng công ty vượt qua khó khăn, tôi quyết định nghỉ việc, chuyển hướng sang một ngành nghề mới”, Kiên nói. Anh cho biết không chỉ bản thân anh mà rất nhiều lao động trong ngành cũng phải tạm bỏ ngành.

“Người về quê, người đi làm shipper, thậm chí có người phải đi bán hoa quả ven đường… Những công việc mà có lẽ trong đầu họ chưa từng nghĩ, có ngày sẽ phải lựa chọn con đường này”, anh nói.

Tương tự, từ một nhân viên buồng phòng cho một khách sạn 4 sao ở ven biển Đà Nẵng với thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng, chị Nguyễn Thị Ánh (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) phải chuyển sang nghề phụ bếp ở một quán ăn bán hàng mang về.

Mỗi ngày, thu nhập của chị chỉ vỏn vẹn 80.000-120.000 đồng tạm đủ để người phụ nữ này. “Hôm nào bán được nhiều thì chủ quán cho thêm. Còn quán không bán được thì thu nhập của chị chỉ tạm đủ đi chợ trang trải cho 3 mẹ con trong ngày”, chị Ánh nói.

du lich tim huong di moi trong dich anh 2

Hầu hết tour khởi hành trong tháng 5 đều được tạm ngưng, chờ đến khi dịch được kiểm soát. Ảnh: An Bình.

Theo khảo sát mới đây của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), khoảng 18% doanh nghiệp trong ngành du lịch đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc, 48% doanh nghiệp cho 50-80% nhân viên nghỉ việc và 75% doanh nghiệp có hình thức hỗ trợ tài chính đối với số người lao động bị mất việc.

“Du lịch lại một lần nữa chao đảo. Doanh thu không có, chi phí vẫn phải chi trả”, bà Nguyễn Phương Thùy, Phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư du lịch Hà Nội – Hanoi Tourism, tỏ rõ sự chán nản khi dịch Covid-19 quay trở lại đúng mùa cao điểm dịch.

Công ty bà đang gặp khó vì dòng tiền tiếp tục đọng lại ở các hãng hàng không do doanh nghiệp đặt trước cho dịp hè. “Bao nhiêu hy vọng đổ sông đổ bể, khách hủy toàn bộ tour, số lượng hủy lên đến 158 khách dịp 30/4 và gần 700 khách trong dịp hè (tháng 5 và 6)”, bà nói.

Dẫu vậy, doanh nghiệp này vẫn đang cố gắng tìm cách duy trì hoạt động bằng việc mở các tour du lịch nhóm nhỏ gia đình, đến các điểm an toàn. Đồng thời, công ty mở thêm mảng đào tạo các nghiệp vụ, kỹ năng lữ hành thực tế.

Cố duy trì hoạt động

“Bán sản phẩm khách hồi hương về Việt Nam và phát triển mảng dự án điểm đến du lịch cộng đồng cũng là một cách giúp chúng tôi tồn tại trong mùa dịch này”, bà cho biết.

Trước khó khăn chung, không chỉ Hanoi Tourism mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đang tìm cách xoay chuyển đẩy mạnh phát triển những tour an toàn, riêng tư hay chuyển mảng kinh doanh mới.

AZA Travel dồn lực cho mảng sản xuất và kinh doanh bia thủ công. “Chúng tôi bán bia đã 2 năm nhưng vẫn luôn coi du lịch là thế mạnh chính. Nhưng với thế khó của du lịch hiện tại và dự kiến còn kéo dài, thì bia có khả năng khởi sắc hơn”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, nói với Zing.

Tương tự, để xoay xở trong dịch, Vietravel tập trung vào loại hình gói dịch vụ (bao gồm xe/vé máy bay và khách sạn), dòng sản phẩm caravan (du lịch bằng xe riêng), trekking, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe và dòng sản phẩm cao cấp. Các điểm đến đưa vào phục vụ cũng tập trung vào các vùng an toàn.

du lich tim huong di moi trong dich anh 3

Dịch Covid-19 tái bùng phát khiến hàng loạt khách sạn, nhà hàng ở Đà Nẵng đóng cửa, cho thuê lại để cắt lỗ. Ảnh: Phạm Trường.

Thậm chí mới đây một số doanh nghiệp du lịch Việt còn táo bạo tính đến tour du lịch kết hợp tiêm vaccine tại Mỹ. “Nếu không triển khai hoặc có ý tưởng nào sáng tạo hơn, chúng tôi sẽ giậm chân tại chỗ”, ông Lê Văn Trí, chủ một doanh nghiệp nhìn nhận.

Theo Phó Tổng Giám đốc Hanoi Tourism, công ty đang mong muốn được tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi để khắc phục khó khăn và duy trì hoạt động như miễn giảm thuế VAT xuống 5%, được vay lãi suất 0% trong 1 hoặc 2 năm.

Để duy trì hoạt động, bà Thùy cho rằng ở thời điểm này, doanh nghiệp cần kiểm soát chi phí tối ưu tránh lãng phí nguồn lực tài chính tối đa nhất, củng cố, đào tạo nhân sự, rà soát làm mới lại quy trình các phòng ban.

Hầu hết doanh nghiệp dự đoán phải đến nửa sau năm 2022, ngành du lịch mới có thể trở lại bình thường

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký TAB

“Đặc biệt, cần xây dựng những sản phẩm ngắn hạn mang lại nguồn doanh thu để doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động, chi phí trong giai đoạn khó khăn này”, bà nêu quan điểm.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký TAB, đánh giá năm 2021 tiếp tục là năm khó khăn với ngành du lịch. Theo ông, hầu hết doanh nghiệp dự đoán phải đến nửa sau năm 2022, ngành kinh tế này mới có thể trở lại bình thường.

Theo ông, du khách đang gặp nhiều khó khăn về tài chính sau dịch. Bên cạnh đó, họ cũng dành sự ưu tiên cho những điểm đến an toàn. Dựa trên cuộc khảo sát, ông Chính cho biết hiện nay doanh nghiệp cần phải chuyển đổi hình thức tiếp thị, tư vấn bán hàng và chăm sóc khách hàng thông qua nền tảng trực tuyến.

“Chờ hết dịch chúng ta sẽ gặp lại nhau” là khẩu hiệu của những lao động trong ngành du lịch động viên nhau trong thời điểm giãn cách xã hội tháng 4/2020. Nhưng Kiên và nhiều người khác không ngờ rằng câu nói ấy lại kéo dài hơn một năm trời và chưa biết 1, 2 tháng hay 1, 2 năm nữa họ mới có thể bận rộn trở lại.

Doanh nghiệp du lịch cạn kiệt dòng tiền

Covid-19 ập đến lần 4 khiến du lịch đã khó nay còn khó hơn. Vấn đề tài chính trở thành gánh nặng lớn nhất cho các doanh nghiệp trong ngành.

du lịch tìm hướng đi mới trong dịch

du lịch

covid-19

doanh nghiệp du lịch lao đao

tour du lịch

dừng tour

Hanoitourism

Theo: Zing News

Posted on Tháng Năm 31, 2021 in Tin tức

Share the Story

Back to Top