Nguyễn Ngọc Mỹ để tóc dài, trang điểm nhẹ. Có vóc người mảnh khảnh nhưng cô lại xách chiếc túi khá to.
“Tôi có thói quen dùng túi to. Trong túi sẽ có sẵn các bộ kít, thuốc để khi đi công tác vài ngày có thể xử lý mọi tình huống mà không cần phiền người khác”, cô chia sẻ, đồng thời nói thêm vài năm gần đây cứ 3 ngày cô sẽ có một chuyến bay. Nếu ở Việt Nam, một nửa thời gian cô sẽ ở Đà Nẵng.
Con gái của ông Nguyễn Tuấn Hải – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Alphanam – đang là Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Foodinco. Cô được đánh giá là một trong những doanh nhân thế hệ F2 có triển vọng. Năm 2017, cô có tên trong danh sách 10 doanh nhân nữ kế cận của Forbes Việt Nam, cũng là người trẻ nhất trong danh sách này. Năm 2015, cô xuất hiện ở danh sách 30 Under 30, khi mới 24 tuổi.
– Về nước 4-5 năm, tham gia HĐQT của Alphanam rồi điều hành công ty địa ốc thuộc tập đoàn, triển khai một lúc 3 dự án ở Đà Nẵng, nhưng có vẻ chị khá kín tiếng. Do bận rộn, quen với cách sống bình lặng hay vì “chảnh” như một số người nhận xét?
– Tôi nghĩ tôi không phải là người kín tiếng. Ở nước ngoài, tôi có nhiều bạn bè, giao lưu cũng nhiều nhưng không có thói quen trao đổi quá nhiều về cuộc sống. Lúc đi du học, tôi ở một mình khoảng 10 năm nên thỉnh thoảng vẫn đùa là cuộc sống của mình thì mình biết, chẳng cần giải trình với ai (cười).
Không phải vì tôi “chảnh” hay không có gì để nói mà chỉ cảm thấy những gì cá nhân thì sẽ thuộc về cá nhân. Tôi không phải người showbiz mà làm kinh doanh nên những gì làm được tôi nghĩ sẽ quan trọng hơn chuyện riêng tư.
Thực sự tôi không hiểu từ “chảnh” mà người ta nói là gì. Nhưng tham gia hoạt động xã hội tương đối nhiều, gặp gỡ không ít người ở các hoàn cảnh khác nhau nên tôi nghĩ việc hoàn toàn chia sẻ được với người khác như vậy cũng là minh chứng cho bản thân mình không ngại khi gặp hay chia sẻ với người lạ. Chốt lại thì cũng không biết “chảnh” là như thế nào nữa? (Cười).
– Còn danh xưng “ái nữ nghìn tỷ” mà truyền thông đặt cho chị, chị nghĩ sao?
– Khi về nước, nghe cụm từ như “ái nữ nghìn tỷ”, cảm xúc của tôi rất mờ nhạt, không hiểu đó là gì, có lúc tôi còn hỏi sao họ không gọi mình là Nguyễn Ngọc Mỹ? Tôi không phải người thích sự sôi động hay những từ ngữ để người khác phải chú ý. Một người không thể được đánh giá bởi danh xưng nào đó. Từ “nghìn tỷ” bao hàm rất nhiều trách nhiệm nên có lẽ vì thế mà nghe xong chẳng vui vẻ gì.
Còn bây giờ, “nghìn tỷ” với tôi là dự án, niềm tin của nhiều đối tác, quỹ lương… Cụ thể hoá cái “nghìn tỷ” đó ra thì khá chi tiết so với hồi tôi mới về nước. Đúng là có tiền thì có thể làm được nhiều thứ nhưng bên cạnh đó thì quyết định như thế nào về số tiền đó cũng không phải đơn giản. Đó có thể cũng là mục tiêu, lý do để tôi bận rộn, để người ta bảo tôi “chảnh”, khó gặp…
– Con cái của đại gia sinh ra đã “ngậm thìa vàng”, một số đi du học là thủ tục để “làm đẹp” hồ sơ sau này kế thừa sự nghiệp của bố mẹ, nhưng với chị thì có vẻ không đúng cho lắm?
– Gần 10 năm học ở nước ngoài đã giúp tôi rèn giũa bản thân rất nhiều. Tôi hiểu là không phải cái gì mình muốn cũng sẽ được cho. Ví dụ không có điện thoại di động hay laptop, tôi phải “đấu tranh” với từng thứ một. Hay muốn đi du lịch, thăm chỗ nọ, thăm chỗ kia thì tôi luôn phải đưa ra lý do với bố mẹ.
Tôi rất hay viết thư, những lá thư để trình bày với bố mẹ rằng tại sao lại cảm thấy cần làm việc này, làm việc kia. Có lẽ là do bố mẹ tôi nghiêm khắc như thế nên việc phải giải trình điều này, điều khác, chấp nhận là nó có thể chưa thành công và phải tiếp tục cố gắng hay phải tìm cách nào đó để người khác đồng ý đã trở thành bản năng rất rõ ràng với tôi. Trong cuộc sống luôn luôn có sự đàm phán, để được cái này thì mình sẽ làm gì, luôn là như vậy.
Thời gian đi học thì tôi ở một mình. Bố mẹ tôi cũng rất rõ ràng quan điểm là “con ở bên đó chỉ con mới xử lý được việc của con thôi, bố mẹ ở quá xa, không thể hỗ trợ được”. Vì thế mà gần như tôi tự làm và chủ động tất cả mọi thứ trong vòng gần 10 năm đó.
Tôi nghe nhiều bạn chia sẻ là bố mẹ không cho làm cái nọ, không cho làm cái kia thì cảm thấy có lẽ động lực của bạn chưa đủ lớn. Vì nếu bạn thực sự muốn cái gì chính đáng thì sẽ quyết tâm bằng được để có nó.
Nhiều lúc tôi nghĩ đấy cũng là bài học, là động lực mà bố mẹ muốn thử thách nên nếu mình thực sự mong muốn thì tôi sẽ đấu tranh cho nó, làm việc vì nó , từ đó nhận được sự ủng hộ của mọi người.
– Xa gia đình từ năm 14 tuổi, chị đã xoay sở ra sao?
– Du học sinh nào cũng phải trải qua nhiều khó khăn nhưng tôi thì có xu hướng hơi “đày ải” mình một chút. Tôi luôn chuẩn bị tâm lý để đối mặt với áp lực. Có lẽ là do Alphanam lên sàn chứng khoán sớm quá. Vì thế tôi xác định sẵn tâm lý là về Việt Nam áp lực hơn rất nhiều lần, nếu bây giờ mà không chịu được thì về nước “sao mà sống được” (cười).
Vì thế, các bạn bình thường chỉ lấy 4 lớp một học kỳ thì tôi lấy lên 6 lớp, tối đa số mà nhà trường cho phép. Tôi nghĩ để thành công thì mình phải chịu được những áp lực hơn người bình thường, vượt qua được áp lực đó.
Vì tâm lý luôn phải đào tạo bản thân như thế nên khi về Việt Nam, tôi luôn sẵn sàng khi cảm thấy các áp lực.
– Chị từng nghĩ đến bỏ cuộc?
– Nhiều chứ, đến cả bây giờ thỉnh thoảng vẫn có. Đó là cảm xúc rất bình thường.
Là phụ nữ, nói thế thôi, nhiều lúc muốn mạnh mẽ nhưng cũng có thứ yếu, có lúc cảm thấy cô đơn. Quan trọng là sẽ vượt qua như thế nào mà thôi. Tôi từng có thời gian học tâm lý học nên sẽ biết cách xử lý tâm lý xấu như thế nào.
Lúc buồn, tôi thường đọc sách của thầy Thích Nhất Hạnh, đọc và suy nghĩ lại và cảm thấy chẳng có gì là quá khổ cả. Có những thứ khiến mình buồn bây giờ nhưng không phải sẽ kéo dài đến ngày mai. Không cần buồn dài, vì cuộc sống còn nhiều thứ để vui nên nếu cảm thấy 5 phút nữa vui được thì vẫn nên vui (cười).
– Cuối năm 2017, chị được Forbes vinh danh là một trong 10 doanh nhân nữ kế cận. Cảm xúc của chị ra sao khi là người trẻ nhất?
– Khi xuất hiện trong danh sách, cảm nhận đầu tiên của tôi là tự hào, không phải cho bản thân mà vì Alphanam nằm cùng với các doanh nghiệp lớn khác, những gì mà chúng tôi làm trong thầm lặng đã được công nhận. Đó là điều mừng nhất.
Tôi nghĩ với phụ nữ thì không nên đưa tuổi tác ra làm thước đo vì mỗi người có một lựa chọn, thời điểm khác nhau. Có thể tôi xuất hiện trong danh sách sớm hơn là vì ở thế hệ của tôi bây giờ làm được nhiều thứ hơn vì có thể sắp xếp lại cuộc sống nhưng cũng có thể đến vài năm nữa, ở độ tuổi khác thì lại chậm lại.
Với tôi, dù có trẻ nhất hay vài năm nữa đến 30-40 tuổi được vào danh sách thì như nhau mà thôi. Quan trọng là danh sách này chọn ra được những người phụ nữ theo tôi thấy là có nghị lực rất phi thường như chị Trần Thị Quỳnh Ngọc của Tập đoàn Nam Cường. Gia đình trải qua mất mát lớn đến thế mà chị có thể tiếp tục chèo chống được một doanh nghiệp lớn. Hoặc như chị Lê Thị Hoàng Yến của Tập đoàn Mường Thanh quản lý một lúc mấy chục khách sạn ở thời điểm mà Việt Nam chưa đào tạo về ngành nghề, có thứ chưa phát triển thì quả là đáng nể.
Rõ ràng họ chỉ hơn tôi vài tuổi nhưng thực sự rất đáng ngưỡng mộ. Đó là thứ tôi quan tâm hơn rất nhiều.
Khi cùng một danh sách thì có cái gì đó với tôi trở thành sự gắn kết và tôi nghĩ là: “À, ở xã hội mình có những người phụ nữ như thế cùng làm những việc hàng ngày mình đang làm”.
Trên mạng xã hội thì tôi hay theo dõi Facebook của chị Vưu Lệ Quyên của Biti’s. Tôi thấy chị ấy thú vị vì cảm giác lúc nào cũng tạo ra được những năng lượng thanh tịnh, an nhàn. Hy vọng một ngày nào đó những người phụ nữ cùng danh sách này sẽ có thể làm chung được điều gì đó.
– Chị từng chia sẻ là bố chị không lo lắng nếu so sánh con gái với những bạn bè cùng tuổi nhưng thực tế thì con mình đang lèo lái công việc, cạnh tranh với những doanh nhân thế hệ trước. Chị cảm nhận đến giờ mình đã làm được đến đâu?
– Con cái sẽ rất khó để đạt được kỳ vọng của bố mẹ, chỉ là một ngưỡng nào đó. Thật ra tôi nghĩ khi bố tôi nói như vậy tức là ông cũng lo một ngày nào đó con mình phải làm hết công việc thì nó sẽ làm như thế nào. Đến giờ này thì anh em tôi ý thức được là cần phải đoàn kết, xây dựng bộ máy hỗ trợ xung quanh một cách bài bản và để tâm đến việc này.
Tôi nghĩ với quyết tâm và bộ máy hỗ trợ thì có lẽ là mình đang đi đúng lộ trình so với những gì bố tôi đánh giá là chúng tôi làm được.
Trong xã hội có chỗ cho nhiều người, cho sản phẩm của rất nhiều công ty khác nhau. Sản phẩm của mình có thể vượt trội hơn sản phẩm của người khác ở một vài phân khúc nhưng bù lại người khác lại thành công ở những phân khúc khác. Do đó, tôi không đặt nặng việc đấu tranh trực tiếp với ai, phải vượt thế hệ F1 hay như thế nào.
Tôi nghĩ là cuộc sống của mình còn rất dài, mục tiêu của mình cũng không chỉ nằm ở các dự án mà mọi người nhìn thấy mà còn cả một hành trình sống, đầu tư ở Việt Nam, làm được gì đó.
Những mục tiêu ấy nhiều lúc mọi người không nhìn thấy được, cũng như trở thành người phụ nữ truyền cảm hứng là một mục tiêu mà mọi người cũng không nhìn thấy được.
– Nghe nói Nguyễn Ngọc Mỹ làm việc rất ‘trâu”?
– Tôi tự nhận thấy mình làm việc cũng chăm chỉ nhưng không thể nói là chăm chỉ hơn bố, mẹ, anh trai hay trợ lý. Một mình tôi làm việc “trâu” thì cũng không xây dựng được gì cả.
Tôi chỉ nghĩ là thứ được gọi là áp lực công việc của mỗi người sẽ khác nhau. Tôi làm việc từng đó tiếng, trợ lý của tôi cũng từng đó tiếng, quản lý công trường cũng từng đó tiếng thì làm sao có thể nói mình làm việc “trâu” hơn mọi người được (cười).
– Có người bảo tính cách bình lặng của chị là do ảnh hưởng của công việc cũng như văn hoá doanh nghiệp khi thôi niêm yết?
– Thật ra việc “làm, không nói” thì từ nhỏ tôi đã như vậy. Gia đình tôi có lẽ đào tạo con khá cơ bản, chi tiết. Khi tôi còn nhỏ, không bao giờ bố mẹ chỉ để cho các con nói một cách phóng khoáng về mục tiêu mà không có một chi tiết là thế cuối cùng có làm được không, làm được những gì. Do đó, có những thứ đã ăn vào tính cách, chẳng hạn chưa làm được thì tốt nhất đừng nói, suy nghĩ chi tiết rồi nói.
Ông tôi là người sâu sắc. Bố tôi luôn nói dù ông mất rồi nhưng các con cần học, suy nghĩ trước rồi mới nói, làm thật tốt rồi mới nói.
Bên cạnh đó, ngành nghề cũng thay đổi. Khi tôi làm nhà hàng, siêu thị thì marketing là câu chuyện hàng ngày, có gì là phải nói, nói hàng ngày. Còn đầu tư, xây dựng bất động sản là ngành kéo dài trong 4-5 năm mới có thể có cái để nói dài, dù thứ để nói thì luôn có nhưng nếu nói trong mấy năm liên tục thì có khi lại nhàm chán.
Do vậy, nói nhiều biết đâu tôi lại trở thành con người nhàm chán và chia sẻ những thông tin lặp lại. Hy vọng thời gian tới khi 2 dự án khách sạn đi vào vận hành thì tôi sẽ ít thầm lặng hơn, có nhiều hoạt động hơn.
– Nói về ông Nguyễn Tuấn Hải thì chị từng nói bố chị là người thầy vĩ đại, nhưng tôi thì nhìn thấy bố chị còn là ông chủ khó tính và nghiêm khắc?
– Tôi nghĩ không khó tính không được. Có người được đặt ở vị trí quản lý khối tài sản lớn nhưng có khi họ không hiểu điều đó nghĩa là gì. Còn tôi hiểu thật ra khối tài sản bây giờ tôi đang quản lý là sự tích cóp, mồ hôi, nước mắt của không chỉ bố mẹ tôi mà là bao nhiêu con người làm từ ngày này, năm này qua ngày khác, năm khác.
Alphanam có xuất phát điểm với số vốn 20.000 USD. Giờ thì hàng ngày tôi duyệt những hợp đồng cao hơn số đó rất nhiều. Như vậy là cần có trách nhiệm với những gì mình ký, kế thừa. Vì thế mà tôi nghĩ sự khó tính là điều hiển nhiên.
Đi làm, ai chẳng có sếp, mà thường sếp nào chẳng khó tính. Ngoài sếp thì còn có hội đồng quản trị, cổ đông, khách hàng, họ có quyền khó tính. Nên việc làm quen với sự khó tính cũng là quan trọng, đó là động lực để mình có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, làm việc chăm chỉ hơn. Bố tôi khó tính tức là phải lo, chỉ khi nào bố không khó nữa, bớt lo thì tôi mới cho là mình đạt được mục tiêu. Bây giờ thì vẫn còn thiếu sót.
– Mục tiêu và Hoàn thành, 4 chữ mà ông Nguyễn Tuấn Hải đặt ra cho các con dù khi còn đi học hay đã đi làm đã được chị vận dụng ra sao?
– Việc đặt ra mục tiêu và cần hoàn thành sẽ cắt bỏ tất cả những thứ rườm rà mọi người hay nghĩ.
Bạn đi làm, bạn nói chuyện với người khác, có thể họ sẽ có lý do “em tưởng như thế này, người ta làm như thế này, như thế kia…”, nhưng khi mục tiêu của mình rõ ràng thì sẽ gạt bỏ được tất cả những gì mọi người nói, chỉ tập trung suy nghĩ làm thế nào để hoàn thành được.
Đã là công việc thì trong quá trình làm sẽ có nhiều thứ cản trở nhưng nếu làm việc với nguyên tắc cuối cùng là vẫn phải hoàn thành, không bị sa đà vào những yếu tố nhỏ làm nản chí.
– Bố chị cũng chia sẻ từ năm 2016 là khoảng 5 năm, tức khoảng 2021, ông sẽ về hưu, chuyển giao toàn bộ việc kinh doanh cho con trai, con gái. Chị nghĩ sao về tiến độ cho kế hoạch này?
– Cá nhân tôi đánh giá gia đình đang khá đúng lộ trình. Bố tôi không phải là người đi chệch hướng. Nếu ai biết ông thì sẽ thấy ông lên kế hoạch 20 năm và đi chính xác đến mức nhiều người không hiểu nổi vì sao lại làm được như vậy. Lộ trình 5 năm bố tôi nói ra với rất nhiều tính toán chứ không phải chia sẻ, mong muốn bâng quơ.
Tôi nghĩ hai anh em tôi làm việc với nhau cực kỳ ăn ý và tự tin trong vài năm nữa sẽ dành được cho bố mẹ một quỹ thời gian lớn hơn. Bố mẹ tôi có thể ở nhà trông cháu hay làm những gì mình thích.
– Với một người cha kiệm lời khen cho con cái như ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Alphanam, thì việc khen chị có công lớn khi đàm phán với Marriott và Intercontinental – hai thương hiệu thế giới vào vận hành tổ hợp Altara Suites ở Đà Nẵng đã là phần nào công nhận con mình. Khi mới 24-25 tuổi, chị làm như thế nào để làm được điều đó?
– Nhiều lúc suy nghĩ của tôi hơi khác các bạn khác ở một điểm, là rất ít khi bàn đường lùi. Trong cuộc sống ai cũng có khả năng như nhau, chỉ là khác nhau về tư tưởng mà thôi.
Tôi không bàn đường lùi vì kiểu gì cũng phải làm, không sớm thì muộn nên tôi không thể nào chối khi công việc đến tay được. Làm việc với đối tác nước ngoài thì tôi có sự chuẩn bị thông tin. Ngoài chuyên nghiệp thì cần thể hiện sự tôn trọng với tất cả đối tác, song song xây dựng niềm tin với chính công ty mình, có sự tin tưởng, đồng hành cả hai bên.
Kỹ năng mềm rất quan trọng nhưng niềm tin của những người mình đang đàm phán cùng cũng rất là quan trọng. Tôi chia sẻ rất rõ ràng với nhiều người là lộ trình ở Việt Nam của tôi rất dài.
Tôi không có hộ chiếu nước khác, không có ý định đi đâu cả. Mục tiêu của tôi là phát triển đất nước, kinh doanh nhiều mảng khác nhau. Những gì tôi làm không với ý định ngắn hạn hay có dự án, thương hiệu là bán mà muốn tạo ra sản phẩm.
Doanh nghiệp của gia đình tôi có thể đi không nhanh nhưng mỗi sản phẩm làm ra là mồ hôi, nước mắt của những người chủ. Trong ngành, người ta sẽ hiểu. Họ nhìn được nên họ có niềm tin, không lo khi làm với Alphanam thì sẽ bị cắt hợp đồng giữa chừng hay kiện tụng, tranh chấp.
“Vũ khí bí mật” của tôi chỉ có niềm tin về Alphanam.
Đã là tuổi trẻ, không làm bây giờ thì đến tuổi nào mới làm được? Tôi đang ở cái tuổi mà những gì tôi có thể đều đưa vào công việc. Đây là thời điểm đang có nhiều điều kiện thuận lợi nhất, có sức khoẻ, còn làm được thì không có lý do gì để nói là chưa thể đạt được đến ngưỡng công việc của mình cả.
– Vì sao chị lại chọn Đà Nẵng làm nơi đặt trụ sở công ty bất động sản do mình đang làm CEO và đầu tư đến 3 dự án tại thành phố này mà không chọn Hà Nội, TP.HCM?
– Sắp tới chúng tôi cũng sẽ có dự án ở Hà Nội. Tôi nghĩ Đà Nẵng không chỉ phát triển về du lịch mà sắp tới còn phát triển về kinh tế. Chưa kể, di chuyển đến đây không hề khó.
Thời gian gần đây, một nửa thời gian của tôi ở Đà Nẵng và thật sự tôi cảm thấy rất thích. Thời tiết, không khí tốt, con người dễ chịu, đồ ăn ngon. Có nhiều yếu tố mà chính tôi là người khó tính, từng sống ở nhiều châu lục trên thế giới cũng cảm thấy hài lòng khi ở thành phố này.
Khi có niềm tin đây là điểm đến không chán được thì chắc không ít người sẽ đến đây, khám phá, và yêu. Có niềm tin như vậy nên tôi nghĩ lựa chọn đầu tư vào Đà Nẵng là lựa chọn chính xác.
– Nhưng sự cạnh tranh chắc chắn sẽ rất khốc liệt?
– Ở đâu thì cạnh tranh bất động sản cũng khốc liệt cả thôi. Khi có sự cạnh tranh thì có nghĩa là tiêu chuẩn xây dựng, thiết kế, phòng cháy chữa cháy… ở thành phố này sẽ tốt hơn, nhiều thứ sẽ cụ thể hơn những vùng khác. Khi các cạnh tranh đó tạo nên tiêu chuẩn tốt hơn thì thành phố có thể phát triển bền vững.
Tôi thấy ở Đà Nẵng có một thứ có thể khác hơn ấy là thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi nhanh. Hà Nội và TP.HCM có lẽ là thị trường mà người dân có thói quen tiêu dùng khá là rõ rệt rồi. Tôi nghĩ thành phố này có sức bật. Ví dụ khi tôi đầu tư dự án đầu tiên thì mọi thứ đều vượt suy nghĩ, không nghĩ là nhiều người Đà Nẵng, rồi người nước ngoài đầu tư vào thành phố này như thế. Rõ ràng nơi đây đang tạo cho tôi hứng thú.
Comments are closed.