Toàn cảnh Nhà máy Xi măng Long Sơn. Ảnh: Nguyễn Lương
Những mốc son lịch sử đáng nhớ
Ngày 14-5-1951, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Ngày 2-10-2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14-5 hàng năm là “Ngày truyền thống của ngành công thương Việt Nam”.
Tại Thanh Hóa, Ty Kinh tế được thành lập năm 1946, đến năm 1951 đổi tên thành Ty Công Thương. Năm 1959, tỉnh Thanh Hóa thành lập Ty Công nghiệp và Thủ công nghiệp và Ty Thương nghiệp. Năm 1982, Ty Thương nghiệp đổi thành Sở Thương nghiệp. Năm 1983, Ty Công nghiệp và Thủ công nghiệp đổi tên thành Sở Công nghiệp. Đến năm 1991, thành lập Sở Thương mại và Du lịch. Năm 1994, Sở Thương mại và Du lịch đổi tên thành Sở Thương mại sau khi tách Sở Du lịch. Ngày 14-4-2008, UBND tỉnh có Quyết định số 889/QĐ-UBND hợp nhất Sở Công nghiệp với Sở Thương mại, thành lập Sở Công Thương hiện nay.
Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành công thương luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Ngược dòng lịch sử, trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ nhất (tháng 2-1948); lần thứ II (tháng 6-1949), lần thứ III (tháng 7-1950), lần thứ IV (tháng 5-1952), tỉnh Thanh Hóa đã đề cao nhiệm vụ và quyết tâm xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ địa, hậu phương vững chắc, chi viện sức người, sức của “tất cả vì tiền tuyến”, “tất cả để chiến thắng”. Ngành công thương Thanh Hóa đã tập trung phát triển sản xuất các nghề thủ công truyền thống phục vụ dân sinh, đẩy mạnh thu mua trao đổi hàng hóa phục vụ công cuộc kháng chiến. Các hoạt động giao thương đã được tổ chức rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đã có những hy sinh, mất mát, đau thương của đồng bào khi giặc Pháp cho máy bay đánh phá các tụ điểm buôn bán trong tỉnh, như: chợ Kiểu, chợ Bút, Rừng Thông, phố Voi… Đi đôi với đó, ngành đã tập trung cao nhất tham gia thực hiện nhiệm vụ tổ chức chi viện sức người, sức của cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai vào năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, đứng trước muôn vàn khó khăn về sự lạc hậu, tàn phá nặng nề của chiến tranh, nguồn dự trữ hàng hóa gần như cạn kiệt… Song, thực hiện nghị quyết Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh ngày 15-4-1959 và các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V tháng 3-1961, lần thứ VI tháng 7-1963, ngành công thương của tỉnh đã tập trung cao nhất khôi phục sản xuất, thu mua, trao đổi, lưu thông hàng hóa thời hậu chiến. Nhiều phong trào thi đua như: “Thi đua làm việc bằng hai”, “Vững tay búa, chắc tay súng”, “Giữ dòng điện như giữ mạch máu”, “Dòng điện mừng thọ Bác Hồ 75 tuổi”, “Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng”, “Vải không thiếu một phân, quân không thiếu một người”… Xí nghiệp In Ba Đình trở thành lá cờ đầu ngành in toàn miền Bắc. Cùng với Nhà máy cơ khí Thanh Hóa được đón Bác Hồ về thăm, HTX Thành Công trở thành lá cờ đầu của ngành thủ công nghiệp toàn miền Bắc và cũng vinh dự được đón Bác Hồ về thăm ngày 12-2-1961. Trong giai đoạn này, thương nghiệp của tỉnh cũng mở rộng tổ chức từ thành thị đến nông thôn, miền núi. Thương nghiệp là “người nội trợ” của toàn xã hội, lo cho dân những nhu yếu phẩm thiết yếu nhất, lo cho mọi nhà có điều kiện sinh hoạt, học hành, lao động sản xuất. Đồng thời, tập trung huy động sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam và cung cấp hàng nghìn phương tiện, hàng hóa thiết yếu cho hàng chục vạn thanh niên lên đường nhập ngũ.
Sau ngày 30-4-1975, đất nước hoàn toàn thống nhất và bước vào giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh. Thực hiện nghị quyết các đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, IX, X, ngành công thương Thanh Hóa đã khẩn trương kiện toàn hệ thống sản xuất công nghiệp quốc doanh, đẩy mạnh sản xuất, phân phối hàng hóa, phục vụ công cuộc bảo vệ biên giới phía Tây Nam, biên giới phía Bắc và trao đổi hàng hóa với các nước XHCN, đảm bảo nhu cầu hàng hóa phuc vụ sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân.
Từ sau Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12-1986), tư duy và cơ chế quản lý của ngành công thương đã có bước ngoặt thay đổi, chuyển từ “bao cấp” sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN gắn với hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tự hào chặng đường 70 năm phát triển
Trong suốt chặng đường 70 năm phát triển, cùng với ngành công thương cả nước, ngành công thương Thanh Hóa luôn in dấu lên những mốc son của quá trình xây dựng, phát triển đất nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành công thương tỉnh Thanh Hóa luôn đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, trong thời chiến cũng như trong thời bình, hay trên lộ trình đổi mới. Đặc biệt từ sau năm 1996, với phương châm “Hội nhập và phát triển”, ngành công thương Thanh Hóa đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực công thương, nhờ đó đã tạo những bước tiến đột phá trong thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng xuất khẩu, giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Công nghiệp Thanh Hóa đã phát triển nhanh, hướng tới CNH, HĐH. Giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) liên tục tăng trưởng, đặc biệt là sự bứt phá trong 5 năm gần đây (từ năm 2015-2020); tốc độ tăng GTSXCN cao nhất từ trước đến nay. Năm 2020, GTSXCN đạt 141.460 tỷ đồng, đứng đầu khu vực 6 tỉnh Bắc Trung bộ và xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố cả nước. Công nghiệp liên tục giữ vị trí là động lực số 1 cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Bên cạnh các sản phẩm công nghiệp có năng lực sản xuất dẫn đầu cả nước như: sản phẩm lọc hóa dầu (8 triệu tấn sản phẩm/năm), xi măng (21 triệu tấn); các sản phẩm có sản lượng dẫn đầu các tỉnh Bắc Trung bộ, như: dầu ăn Nghi Sơn (180.000 tấn/năm), hàng may mặc (340 triệu sản phẩm/năm), giày thể thao (160 triệu sản phẩm/năm), gạch ceramic (19 triệu m2/năm)… Công tác khuyến công với các hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề… được triển khai diện rộng, đã tác động tích cực đến phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) khu vực nông thôn của tỉnh; giải quyết việc làm ổn định cho lực lượng lao động nông thôn, đáp ứng tốt nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động “ly nông bất ly hương”, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới. TTCN có bước phát triển, với 118 làng nghề TTCN, tạo việc làm cho hơn 77.000 lao động, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu lao động và xây dựng nông thôn mới.
Trung tâm Thương mại Vincom Thanh Hóa.
Hạ tầng công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, toàn tỉnh có 1 khu kinh tế, 8 khu công nghiệp; quy hoạch 74 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 2.348,4 ha và đã có 52 cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Hệ thống lưới điện đã cơ bản phủ kín địa bàn với 16.183 km đường dây cao áp, trung áp và hạ áp, 7.710 trạm biến áp, 15 nhà máy điện với tổng công suất 1.275 MW. Toàn tỉnh có 100% số xã được cấp điện từ điện lưới quốc gia, tỷ lệ số hộ có điện đạt 99,58%.
Cùng với công nghiệp, lĩnh vực thương mại đã khẳng định dấu ấn của phát triển, dẫn dắt thị trường và “hội nhập” thành công. Xuất khẩu được quan tâm chỉ đạo xuyên suốt tại nghị quyết các kỳ đại hội tỉnh Đảng bộ và Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 24-1-2002 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển xuất khẩu. Nhờ đó, đã có những bước phát triển vượt bậc. Trước năm 2004, xuất khẩu của tỉnh chưa vượt qua con số 100 triệu USD, thì đến năm 2020, xuất khẩu đã đạt 3,76 tỷ USD, gấp 10 lần so với năm 2010, về trước 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII, đứng đầu khu vực 6 tỉnh Bắc Trung bộ, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố cả nước. Toàn tỉnh hiện có 153 doanh nghiệp xuất khẩu 55 mặt hàng sang 58 thị trường.
Nhập khẩu đáp ứng tốt nhu cầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, vật tư… cho đầu tư, sản xuất và tiêu dùng xã hội. Giá trị nhập khẩu năm 2020 đạt 5,05 tỷ USD. Việc xây dựng cảng nước sâu Nghi Sơn thành các cảng chuyên dùng, cảng tổng hợp và cảng container quốc tế công suất lớn đang dần đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm đầu mối logistics của khu vực Bắc Trung bộ giao thương với thế giới.
Thị trường nội tỉnh được thông suốt, cân đối cung – cầu từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới được đảm bảo, lưu thông thuận tiện, giá cả bình ổn, sức mua dân cư tăng nhanh, hàng hóa và dịch vụ dồi dào, chất lượng, mẫu mã đa dạng, phong phú. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng nhanh, năm 2020 đạt 113.118 tỷ đồng, đứng đầu khu vực 6 tỉnh Bắc Trung bộ và xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố cả nước. Toàn tỉnh hiện có 119.700 cơ sở kinh doanh thương mại, có 26 siêu thị, trung tâm thương mại được công nhận theo quy định, 7 kho xăng dầu, 560 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 388 chợ, trong đó có 118 chợ đã được chuyển đổi mô hình quản lý, 299 chợ công bố hợp chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm và 504 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, dẫn đầu cả nước về chuyển đổi và xây dựng chợ hợp chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm.
Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường. Từ khi thành lập (1995) đến năm 2018, Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã tiến hành kiểm tra trên 134.000 vụ, xử lý trên 103.350 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 178 tỷ đồng, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh, tạo thị trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và quyền lợi người tiêu dùng. Đến tháng 10-2018, theo yêu cầu xây dựng lực lượng trong tình hình mới, Cục QLTT chuyển về Tổng cục QLTT – Bộ Công Thương.
Công tác đào tạo nghề thương mại – du lịch đã có nhiều đổi mới theo sát nhu cầu thực tiễn. Trường Trung cấp Nghề thương mại, du lịch đã bám sát nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp để đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường – doanh nghiệp, đào tạo hàng nghìn học viên mỗi năm với các nghề: kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng – khách sạn, nghiệp vụ lễ tân, hướng dẫn viên du lịch, quản trị khách sạn, quản trị tua du lịch, nghiệp vụ bán hàng trong siêu thị, kỹ thuật khai thác mỏ lộ thiên… bảo đảm gần 100% học viên tốt nghiệp có việc làm.
Những nỗ lực, công hiến, hy sinh cùng với những thành tựu to lớn trong 70 năm qua, ngành công thương Thanh Hóa đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Công Thương, của Chủ tịch UBND tỉnh; nhiều năm liền được Bộ Công Thương tặng Cờ thi đua xuất sắc, dẫn đầu các đơn vị trong ngành công thương Việt Nam. Nhiều đơn vị trực thuộc và cá nhân tặng thưởng hàng chục huân chương, huy chương và các hình thức khen thưởng khác.
Tỉnh Thanh Hóa đang bước vào thời kỳ mới với khí thế, niềm tin, thế và lực mới chưa từng có. Nghị quyết 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như làn gió mới tràn đầy sinh lực, thổi bùng lên khát vọng, niềm tin về một Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước – một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước. Giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm đạt 11% trở lên, đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 5.200 USD trở lên, kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD.
Bám sát định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh là phát triển công nghiệp chế biến chế tạo trở thành một trong 5 trụ cột tăng trưởng của tỉnh; phát triển công nghiệp nặng là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá, ngành công thương Thanh Hóa đặt ra những mục tiêu, chỉ tiêu phát triển cụ thể trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, đối với sản xuất công nghiệp: Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt 15,4%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt 17,6%/năm. Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 8 tỷ USD.
Để thực hiện mục tiêu này, ngành công thương Thanh Hóa xác định một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đó là:
Tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh những định hướng, cơ chế chính sách, giải pháp nhằm phát triển nhanh công nghiệp và thương mại theo hướng bền vững, hiện đại. Rà soát, bổ sung các phương án quy hoạch ngành công thương tích hợp vào quy hoạch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tập trung xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa giai đoạn đến năm 2030, trọng tâm là các ngành công nghiệp năng lượng, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao và phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và tiểu thủ công nghiệp.
Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kiên quyết xóa bỏ mọi rào cản, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ưu tiên việc cấp điện đầy đủ, ổn định cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của Nhân dân. Quan tâm phát triển thương mại điện tử, dịch vụ logistics. Tranh thủ các Hiệp định FTAs và hoạt động đối ngoại của tỉnh để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Ưu tiên cao cho huy động vốn đầu tư phát triển các dự án có quy mô sản xuất lớn, công nghệ cao, dây chuyền sản xuất tiên tiến. Huy động các nguồn lực cho đầu tư hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ, doanh nhân, doanh nghiệp yêu nước, tiên phong, đủ tầm, đủ mạnh, thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong thời đại hội nhập quốc tế, kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0, “quyết thắng” vượt lên mọi khó khăn, thách thức,”quyết liệt” đẩy lùi “hai cũ” (cũ về tư duy; cũ về công nghệ, trình độ sản xuất) và “ba yếu” (yếu về hạ tầng công nghiệp, thương mại; yếu về nhân lực và yếu trong hợp tác, liên kết, hội nhập) để vươn lên mạnh mẽ.
Những bài học kinh nghiệm quý báu trong suốt chặng đường 70 năm qua, cùng sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Công Thương, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ban, ngành, cấp ủy và chính quyền các cấp, sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, là điều kiện quan trọng để ngành công thương Thanh Hóa quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.
Comments are closed.