Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) mới đây đã đưa ra báo cáo tác động của việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất giãn lộ trình triển khai quy định Thông tư 36 về tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Cụ thể, thời điểm áp dụng theo đề xuất sẽ là năm 2019 thay cho 2018. Các ngân hàng có một năm để giảm tỷ lệ này về mức trần 40%, từ 50% hiện tại.
4 ngân hàng hưởng lợi
Theo HSC, thông tin này mang tính tích cực đối với các ngân hàng trong bối cảnh Chính phủ đã chỉ đạo cho NHNN nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2017 từ 18% lên 21%.
Đến nay, 4 ngân hàng đang có tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đạt trên 40% là VPBank, Techcombank, SHB và VIB. HSC cho hay việc giãn thời điểm áp dụng quy định, chính 4 ngân hàng này là đơn vị được hưởng lợi.
Theo Thống đốc NHNN, hiện nay, vốn trung dài hạn chiếm 13-15% tổng huy động cho nền kinh tế, trong khi cho vay trung và dài hạn chiếm tới 53-55% tổng cho vay.
Hiện tại, 5/10 ngân hàng niêm yết vẫn có tỷ lệ này đạt trên 40% vào cuối tháng 6 dẫn đến rủi ro tăng trưởng tín dụng chậm lại vào cuối năm, nên muốn tăng trưởng tín dụng đạt 21% thì phải giãn lộ trình Thông tư 36.
Báo cáo của NHNN cho biết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn toàn ngành vào cuối tháng 5 vừa qua đạt 33,35%, tăng so với 30,86% trong quý I/2016, thấp hơn nhiều so với trần mới nhưng lại tăng ngược với định hướng của NHNN.
Ngân hàng nào dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn nhiều nhất?
Theo tính toán từ HSC, tỷ lệ nợ ngắn hạn cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, gồm có Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank đang là 37,16% (cuối quý I/2016 là 34,25%). Tại các ngân hàng thương mại cổ phần, tỷ lệ này là 35,76% (cuối quý I/2016 là 35,65%).
Xét cụ thể từng ngân hàng, HSC ước tính tỷ lệ này tại VPBank, Techcombank, Eximbank, SHB, LienVietPostBank và VIB ở mức cao, dao động 45-50%. Trong khi tại Vietcombank được duy trì khoảng 30%, VietinBank là 35% và BIDV là trên 40%.
Để đưa tỷ lệ này về mức quy định, các ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay kỳ hạn ngắn trong nửa đầu năm 2017.
Tính đến cuối tháng 6, trong nhóm ngân hàng niêm yết, tỷ lệ cho vay ngắn hạn so với cùng kỳ đã tăng 27%, trong khi tỷ lệ cho vay trung dài hạn tăng 15,8%. Tỷ trọng cho vay kỳ hạn ngắn trong tổng dư nợ cho vay đạt 51% trong quý II/2017, tăng gần 3 điểm % so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, HSC lại cho biết huy động khách hàng đang có xu hướng ngược lại khi kỳ hạn ngắn tăng 19,2% so với cùng kỳ trong khi huy động trung dài hạn lại giảm 0,7%.
Nếu tính cả giấy tờ có giá thì tổng vốn huy động kỳ hạn ngắn tăng 20% so với cùng kỳ, trong khi vốn trung dài hạn chỉ tăng 10,8%. Kéo tỷ trọng vốn huy động trung dài hạn giảm xuống 14,5% vào cuối quý II, từ 15,5% cùng kỳ.
Tất cả vì mục tiêu tín dụng 21%
Theo HSC, áp lực huy động vốn trung dài hạn đã khiến chi phí huy động tăng khoảng 0,3% so với cùng kỳ. Theo đó, việc giãn thời gian áp dụng Thông tư 36 sẽ giảm bớt áp lực huy động vốn trung dài hạn và tránh đẩy chi phí huy động tăng cao hơn; và đây là yếu tố quan trọng để các NHTM có thể tăng cường cho vay trong nửa cuối năm 2017 nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng mới là 21%.
Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm mới chỉ đạt 9,3% nên dư địa tăng trưởng nửa cuối năm sẽ rất lớn.
Cũng theo đánh giá từ HSC, việc nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên 20% cho các ngân hàng đã niêm yết sẽ tác động đáng kể lên lợi nhuận năm 2017 của các ngân hàng.
Theo đó, 7 ngân hàng niêm yết trong danh sách đánh giá của HSC có lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm tăng 22,7% so với cùng kỳ, ước đạt 18.000 tỷ đồng.
Công ty chứng khoán này cũng đưa ra dự báo các ngân hàng sẽ đạt tổng cộng 36.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2017, tăng 18% và tăng trưởng tín dụng bình quân đạt 17,2%. Nếu tín dụng tăng trưởng đạt như kỳ vọng là 20%, lợi nhuận của các ngân hàng có thể sẽ còn lớn hơn.
Đánh thuế nặng người vay tiền nhiềuTrong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mới công bố, Bộ Tài chính đề xuất việc khống chế tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu. |
Comments are closed.