Ngân hàng dự báo tín dụng tăng 15% năm 2021-2022

Đây là dự báo của hầu hết tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam trong cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước.

Theo báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh quý II/2021 của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo Thống kê (thuộc Ngân hàng Nhà nước) thực hiện, hầu hết nhà băng đều kỳ vọng dư nợ tín dụng của hệ thống có thể tăng 5,09% trong quý II và tăng 14,7% trong cả năm 2021.

Dự báo mới này đã tăng hơn 1,7 điểm % so với kỳ vọng hồi đầu năm là 13%, cho thấy tăng trưởng tín dụng thực tế gần đây đã cao hơn so với đầu năm.

Bên cạnh đó, so với kết quả ghi nhận tại kỳ điều tra tháng 12/2020, trừ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cỡ nhỏ và nhóm công ty tài chính, cho thuê tài chính, các nhóm tổ chức tín dụng còn lại đều nâng mức dự báo về tăng trưởng tín dụng của mình trong năm nay.

Ngoài ra, dự báo trong năm 2022, tăng trưởng dư nợ tín dụng của nền kinh tế cũng có thể đạt 15%.

Trong báo cáo mới công bố, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (thuộc NHNN) cho biết đến hết ngày 31/3, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã 2,93%, cao hơn nhiều so với mức 1,3% cùng kỳ năm trước. Với mức tăng này, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng.

TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG HÀNG NĂM TẠI VIỆT NAM
Nguồn: NHNN, Vụ dự báo thống kê
Nhãn 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020 2121 dự báo 2022 dự báo
Tăng trưởng tín dụng/năm % 14.16 17.26 18.25 18.28 13.89 13 12.13 14.7 15

Ở chiều huy động vốn, mức huy động toàn hệ thống cũng được kỳ vọng tăng bình quân 4,6% trong quý II và tăng 12% trong cả năm nay. So với kỳ điều tra trước, kỳ vọng về tăng trưởng huy động vốn của ngành ngân hàng không thay đổi.

Ngoài nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần cỡ lớn, các nhóm tổ chức tín dụng còn lại đều điều chỉnh giảm dự báo về tăng trưởng huy động vốn năm nay. Mức tăng trưởng huy động vốn toàn hệ thống trong năm 2022 cũng được kỳ vọng đạt 13%.

Đánh giá về hoạt động kinh doanh quý I, các ngân hàng cho biết thanh khoản hệ thống tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt nhưng đã thu hẹp đáng kể so với cuối năm 2020 do ảnh hưởng bởi nhu cầu trả lương, thưởng và thanh toán tăng cao dịp Tết Nguyên đán.

Tình hình thanh khoản quý II và cả năm 2021 được các ngân hàng dự báo ở trạng thái tốt, tuy nhiên, nền thanh khoản cả năm có thể không dồi dào bằng năm 2020 do kỳ vọng tín dụng sẽ phục hồi mạnh sau đại dịch Covid-19.

Về mặt bằng lãi suất, phần lớn ngân hàng tiếp tục dự báo mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm trong quý II và cả năm 2021. Bình quân toàn hệ thống, kỳ vọng mặt bằng lãi suất đến cuối năm 2021 sẽ dao động quanh mức lãi suất phổ biến ở cuối năm 2020. Đến năm 2020, mặt bằng lãi suất bình quân toàn hệ thống có thể tăng 0,34 điểm %.

Theo đánh giá của các TCTD, tình hình kinh doanh 3 tháng đầu năm nay đã có cải thiện nhưng với tốc độ chậm lại do ảnh hưởng từ dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Các nhà băng này cũng điều chỉnh thu hẹp hơn kỳ vọng về tốc độ phục hồi kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong năm 2021.

Thời gian tới, gần 3/4 số tổ chức tín dụng kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ cải thiện hơn trong quý II và cả năm 2021, thấp hơn tỷ lệ trong cuộc điều tra hồi đầu năm.

Ngoài ra, xét trên bình diện toàn hệ thống, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong đợt điều tra này cũng không khả quan bằng kỳ trước. Trong đó, tỷ lệ các TCTD dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng trong năm 2021 đã giảm từ 95% xuống còn 87,5%.

Ngân hàng giảm lãi suất cho vay

Các ngân hàng đang đẩy mạnh dòng vốn tín dụng ra thị trường thông qua các gói cho vay ưu đãi lãi suất, áp dụng với cả nhóm khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân.

Tín dụng lại tăng chậm

Tính đến 19/3, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 1,47%, cao gấp đôi cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn nhiều so với những tháng cuối của năm 2020.

Ngân hàng dự báo tín dụng tăng 15%

ngân hàng

nhà băng

tăng trưởng tín dụng

vụ dự báo thống kê

ngân hàng nhà nước

tăng trưởng huy động vốn

lợi nhuận ngân hàng

Theo: Zing News

Posted on Tháng Tư 10, 2021 in Tin tức

Share the Story

Back to Top