Theo Thống đốc NHNN, việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0% là một trong những biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt tại tổ chức tín dụng.
Chiều 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Góp ý về một số vấn đề trong dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá đây là một luật lớn khi có đến 195 điều.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, ông cho biết hiện nay có 2 ngân hàng của Chính phủ là Ngân hàng Chính sách và Ngân hàng Phát triển. Tuy nhiên, trong dự thảo chỉ nói một phần về xử lý nợ xấu của 2 ngân hàng này.
“Trong khi đây là những định chế tài chính quan trọng nhưng lại không có Luật quy định mà chỉ hoạt động theo văn bản dưới Luật, hoạt động bằng hình thức nghị định. Thực tế, 2 ngân hàng này đang gặp nhiều khó khăn trong tổ chức hoạt động, tái cơ cấu…”, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận và đề nghị xem xét lại vấn đề này.
Mất 13 tháng để ra quyết định xử lý ngân hàng yếu kém
Bên cạnh đó, ông cho biết băn khoăn nhất hiện nay của Quốc hội là ngân hàng thương mại lập ra như một tổ chức tín dụng thuần túy (huy động – cho vay), còn các dịch vụ của ngân hàng phi tài chính hầu như không ai để ý. “Do đó, vấn đề room tín dụng rất được các ngân hàng quan tâm”, ông nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, chúng ta thành lập ra quá nhiều ngân hàng quy mô nhỏ nên trong tổ chức hoạt động của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ “rất vất vả”. Do đó, ông cho rằng phải đánh giá kỹ cái nào vướng về pháp luật, cái nào vướng về thực thi để sửa đổi trong dự thảo Luật.
“Hơn nữa, về chế độ tài chính của ngân hàng thương mại và chi nhánh của ngân hàng thương mại, trong dự thảo Luật chỉ quy định hoạt động theo quyết định của Chính phủ. Còn toàn bộ vấn đề tài chính như doanh thu, chi phí, trích lập dự phòng, hạch toán lãi lỗ… đều không quy định”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặt câu hỏi việc giám sát về mặt tài chính của các tổ chức tín dụng ra sao, vai trò của Bộ Tài chính trong vấn đề này như thế nào.
Ngân hàng SCB được đặt vào kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. Ảnh: SCB. |
Băn khoăn về thời gian xử lý ngân hàng yếu kém, ông Huệ cho biết với quy định của Luật này, các chuyên gia tính toán phải mất đến 13 tháng để ra quyết định xử lý (các bước sơ bộ), từ khi phát hiện và đưa vào kiểm soát đặc biệt, trong khi Mỹ phát hiện nhanh, xử lý trong thời gian rất ngắn.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến nội dung về trách nhiệm của Bộ Tài chính, phân định thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước và Thống đốc, những nội dung liên quan đến hoạt động phát hiện sớm, xử lý các tổ chức tín dụng, can thiệp các biện pháp đặc biệt.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Tài chính cho biết trách nhiệm trong việc xây dựng dự thảo Luật này. “Đặc biệt vấn đề giao thoa giữa các Luật trong dự thảo Luật này như giữa ngân hàng với bảo hiểm là vấn đề lớn, giữa ngân hàng với đầu tư chứng khoán. Những lĩnh vực giao thoa này thì trách nhiệm quản lý của cơ quan Nhà nước ở đâu”, ông Huệ gợi ý.
Can thiệp sớm ngân hàng yếu kém
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia. Trong đó có trường hợp xử lý khủng hoảng của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (Mỹ), hoặc trường hợp Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ), dự thảo Luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.
Theo đó, cơ quan quản lý sẽ can thiệp sớm cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của tổ chức tín dụng chưa đến mức nghiêm trọng.
Về quy định liên quan đến khoản vay đặc biệt, Thống đốc cho biết dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về trường hợp tổ chức tín dụng được vay đặc biệt trước và sau khi được kiểm soát đặc biệt để giải quyết kịp thời sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt tại tổ chức tín dụng thời gian qua.
Bổ sung quy định cụ thể về tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt, lãi suất khoản vay đặc biệt, các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt. Theo đó, tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ như được vay tái cấp vốn với lãi suất 0%; các khoản cho vay đặc biệt được áp dụng hệ số rủi ro 0%; được nhận tiền gửi dài hạn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam với lãi suất ưu đãi theo quyết định của NHNN…
Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “can thiệp sớm” và “thanh lý, phong tỏa vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài” vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng ý quan điểm cần giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần để hạn chế sự can thiệp, chi phối của cổ đông lớn. Ảnh: Phạm Thắng. |
Về khoản vay đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng đây là biện pháp cần thiết, nhưng dự thảo Luật chưa quy định cụ thể thời gian áp dụng biện pháp can thiệp sớm, nên khó xác định được thời gian của khoản vay này.
Do đó, ông cho rằng cần làm rõ cơ sở, sự cần thiết, đánh giá tác động kỹ lưỡng việc sửa đổi quy định về lãi suất cho vay đặc biệt lãi suất 0%. Riêng trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt, Ủy ban Kinh tế đánh giá các biện pháp nêu tại dự thảo Luật chỉ bao gồm các biện pháp hỗ trợ chủ yếu từ NHNN mà chưa có những biện pháp của tổ chức tín dụng…
Về tỷ lệ sở hữu cổ phần, ông Thanh cho rằng việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần để hạn chế sự can thiệp, chi phối của cổ đông lớn, tuy nhiên cần làm rõ cơ sở của đề nghị này và đề nghị đánh giá rõ thực trạng sở hữu cổ phần của các tổ chức tín dụng để làm rõ tình trạng sở hữu chéo. Đồng thời đánh giá kỹ tác động của dự thảo luật, đặc biệt về thị trường chứng khoán.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu… Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.
NHNN sắp thanh tra, xử lý sở hữu chéo tại các ngân hàngTheo NHNN, việc xử lý sở hữu chéo vẫn còn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan cố tình che giấu, nhờ cá nhân hoặc tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu. |
Chủ vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông lần đầu có lãi gần 100 tỷNăm thứ hai vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Hanoi Metro ghi nhận lãi ròng gần 100 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lỗ 64 tỷ đồng. |
rút tiền hàng loạt
ngân hàng
tổ chức tín dụng
quốc hội
scb
nợ xấu
tín dụng
lãi suất
rút tiền hàng loạt
ngân hàng yếu kém
Theo: Zing News
Comments are closed.