Năm thứ hai tăng trưởng trên 7% và nỗ lực bứt phá của Chính phủ

Trong thông điệp đầu năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 2 cụm từ là “tăng tốc” và “bứt phá” để thể hiện sự quyết tâm cao của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội. So với năm 2018, phương châm hành động của Chính phủ đã được bổ sung thêm từ “bứt phá”: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”.

Nhìn lại năm 2019 với phương châm tăng tốc và bứt phá trên tất cả lĩnh vực, Chính phủ đã gặt hái được nhiều thành công quan trọng giữa bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế quốc tế suy giảm.

Trong một bài phát biểu gần đây, người đứng đầu Chính phủ cho rằng những thành tích đạt được là đáng tự hào. Ông nhấn mạnh những con số về kinh tế của Việt Nam năm 2019 là điều mà “10 năm trước đây chúng ta không hình dung được”.

Năm 2019 tăng trưởng trên tất cả lĩnh vực

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 đạt tốc độ tăng 7,02%, vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao là 6,6-6,8%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ 2011.

Công nghiệp và dịch vụ vẫn là 2 động lực tăng trưởng chính năm qua. Theo đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,9%, đóng góp 50,4% vào tăng trưởng. Trong khi đó, khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%.

Nam thu hai tang truong tren 7% va no luc but pha cua Chinh phu hinh anh 1 2019_LA_NAM_THU_HAI_LIEN_TIEP_TANG_TRUONG_TREN_7_.jpg

Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, năm 2019 đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 46,11% (bình quân 2016-2019 đạt 44,46%), cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018). Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) giảm từ mức 6,42 năm 2016 xuống 6,07 năm 2019.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 đã lần đầu vượt mốc 500 tỷ USD và xác lập kỷ lục mới ở mức 516 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 263 tỷ USD, nhập khẩu đạt 253 tỷ USD. Xuất siêu 9,9 tỷ USD, cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá giữa bối cảnh chiến tranh thương mại, căng thẳng giữa các nước lớn, việc Việt Nam đạt thành tích xuất khẩu ấn tượng, xuất siêu 9,9 tỷ USD là rất đáng ghi nhận. Ông cho rằng trước kia, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ bằng một phần của châu Phi, đến nay đã vượt toàn bộ các nước châu Phi cộng lại.

Nam thu hai tang truong tren 7% va no luc but pha cua Chinh phu hinh anh 2 cang_cat_lai_3_zing.jpg

Xuất nhập khẩu là điểm sáng trong kinh tế năm qua, lần đầu vượt 500 tỷ USD. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tính chung năm 2019, cả nước có 138.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1,73 triệu tỷ đồng, tạo ra khoảng 1,3 triệu việc làm.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018. Tỷ lệ giải ngân đạt 20,4 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Tăng trưởng đến từ lĩnh vực “xương sống”

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng năm 2019 chứng kiến sự khó khăn không chỉ với Việt Nam mà còn với kinh tế toàn cầu. Kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại. Ngân hàng Thế giới WB dự báo tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt 2,6%, thấp hơn mức 3% của năm 2018. IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu 3%, mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Trong khi đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ – Trung và vấn đề địa chính trị càng làm gia tăng đáng kể tính bất ổn của hệ thống thương mại toàn cầu, gây ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin kinh doanh, quyết định đầu tư và thương mại toàn cầu.

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu vẫn yếu trong quý IV khi chỉ số thước đo thương mại hàng hóa chỉ đạt 96,6 điểm thấp hơn ngưỡng 100 điểm, cho thấy mức tăng trưởng nằm dưới trung bình.

Ông Lâm cũng nhấn mạnh sự khó khăn đến từ sự biến động khó lường trên thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế, giá dầu diễn biến phức tạp tác động đến tăng trưởng tín dụng, tâm lý và kỳ vọng thị trường.

Từ đó, vị này cho rằng kết quả tăng trưởng 7,02% thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu năm 2019.

Nam thu hai tang truong tren 7% va no luc but pha cua Chinh phu hinh anh 3 SG_Ngay_moi_2_Copy.jpg

Lần thứ hai liên tiếp trong 10 năm qua, tăng trưởng GDP đạt trên 7%. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh đến 2 sự thành công nổi bật trong năm qua là tăng trưởng của công nghiệp chế biến – chế tạo và thành tích xuất khẩu.

Theo ông Lộc, công nghiệp chế chiến – chế tạo đóng vai trò như “xương sống” của nền kinh tế, mang tính lan tỏa đến các ngành kinh tế khác. Việc vấn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 11,3% góp phần quan trọng vào sự phát triển của cả ngành công nghiệp và xây dựng. Ngành này đã đóng góp một nửa vào tăng trưởng GDP, đóng vai trò “lực kéo” quan trọng.

Trong khi đó, giữa bối cảnh bảo hộ mậu dịch, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, thành tích xuất khẩu đạt kỷ lục mới, mức xuất siêu 9,9 tỷ USD là điều mà ông Lộc cho rằng “khó tưởng tượng”. Ông cũng đánh giá hàng hóa do doanh nghiệp Việt trực tiếp xuất khẩu (thay vì khối FDI) đang có tốc độ tăng rất tốt.

Bà Phan Ngọc Mai Phương, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, đánh giá những thành công của năm 2019 là tiền đề quan trọng cho năm 2020. Năm tới, đất nước có nhiều sự kiện quan trọng, cũng là năm mang tính chất quyết định khi tổng kết chiến lược phát triển 2016-2020 và là tiền đề cho giai đoạn tiếp theo 2021-2025.

Theo: Zing News

Posted on Tháng Mười Hai 30, 2019 in Tin tức

Share the Story

Back to Top