Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn do sức cầu tiêu dùng suy yếu, nhiều ông lớn trong ngành bán lẻ công nghệ buộc phải thu hẹp kinh doanh, cắt giảm nhân sự.
Thế Giới Di Động đã cắt giảm hàng nghìn nhân viên trong năm 2023. Ảnh: MWG. |
Cuối tháng 11, cả hai cửa hàng thegioididong.com chỉ cách nhau vài trăm mét nằm trên phố Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội) đồng loạt tháo dỡ biển hiệu, đóng cửa mặt bằng. Việc đóng bớt cửa hàng bán lẻ nằm trong kế hoạch tái cấu trúc của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) trước bối cảnh tình trạng sức mua thị trường yếu và còn kéo dài.
Theo đó, trong quý cuối năm, Thế Giới Di Động cho biết sẽ cân nhắc đóng khoảng 200 cửa hàng không hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận nhằm tối ưu chi phí. Thực tế, từ đầu năm đến cuối tháng 10, doanh nghiệp này đã lần lượt đóng 32 cửa hàng.
Thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự
Song song với đó, “ông lớn” ngành bán lẻ điện thoại, điện máy này cũng phải mạnh tay cắt giảm chi phí, bắt đầu từ chi phí nhân viên. Số lượng nhân viên của Thế Giới Di Động đến cuối tháng 9 là 68.374 nhân viên, giảm hơn 5.600 người so với thời điểm đầu năm.
Thậm chí, nếu so với 1 năm trước đó (cuối quý III/2022), nhà bán lẻ này đã cắt giảm tới 11.857 nhân sự. Với việc đóng thêm khoảng 200 cửa hàng vào quý IV năm nay, số lượng nhân viên của doanh nghiệp mất việc có thể tiếp tục tăng lên.
Không chỉ Thế Giới Di Động mà nhiều nhà bán lẻ công nghệ khác như FPT Shop, Digiworld cũng trải qua một năm không mấy suôn sẻ.
Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT – FPT Retail (HoSE: FRT), chủ sở hữu chuỗi bán lẻ FPT Shop ghi nhận 12.222 tỷ đồng doanh thu sau 9 tháng đầu năm nay, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước do thị trường nhìn chung chưa phục hồi.
SỐ CỬA HÀNG THEGIOIDIDONG.COM VÀ ĐIỆN MÁY XANH NĂM QUA | ||||||
Số liệu: MWG. | ||||||
Nhãn | Tháng 1 | Tháng 3 | Tháng 6 | Tháng 9 | Tháng 10 | |
Thế Giới Di Động | cửa hàng | 1190 | 1188 | 1180 | 1165 | 1158 |
Điện Máy Xanh | 2284 | 2291 | 2289 | 2286 | 2281 |
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng ghi nhận sự sụt giảm về số lượng cửa hàng. Kể từ đầu năm, chuỗi FPT Shop đã mở rộng số cửa hàng từ 786 lên mốc 800 cửa hàng vào cuối quý II. Nhưng đến cuối tháng 9, chuỗi bán lẻ ghi nhận còn 791 cửa hàng, tức đóng 9 cửa hàng trong quý III.
Về nhân sự, FPT Retail vẫn ghi nhận sự tăng trưởng về số lượng nhân viên nhưng đã chậm lại rõ rệt so với giai đoạn trước. Đến hết quý III, doanh nghiệp có 16.662 nhân viên, tăng hơn 1.100 người so với đầu năm nay.
với Công ty CP Thế giới Số – Digiworld (HoSE: DGW), trong năm nay, doanh nghiệp cũng duy trì xu hướng tuyển dụng hạn chế. Đầu năm, công ty có 633 nhân viên, đến cuối quý I giảm còn 629 nhân viên, rồi tăng thêm 76 người lên 705 nhân viên vào cuối quý II và đến cuối quý III, số lượng nhân sự của nhà bán lẻ công nghệ này là 717 người.
Kết quả kinh doanh của Digiworld cũng không mấy khả quan trong 3 quý đầu năm nay. Trong đó, doanh thu thuần quý III của doanh nghiệp này đã giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng doanh thu mảng điện thoại giảm đến 26%, doanh thu mảng thiết bị điện gia dụng giảm 20%.
Kỳ vọng mùa tiêu dùng cuối năm
Việc suy giảm tiêu dùng không chỉ ảnh hưởng tới các “ông lớn” ngành bán lẻ công nghệ mà các cửa hàng quy mô nhỏ cũng ghi nhận tình hình kinh doanh sụt giảm, nhiều hệ thống đã phải thu hẹp số lượng nhân sự.
Ông Xuân Tình, đại diện chuỗi hệ thống XT Mobile ở TP.HCM cho biết kết quả kinh doanh của hệ thống đã sụt giảm mạnh khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Trong bối cảnh khó khăn chung, doanh nghiệp cũng buộc phải cắt giảm 40% nhân sự, chuyển đổi quy mô mặt bằng lớn về mặt bằng nhỏ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thương lượng với chủ nhà thanh toán chậm vào cuối tháng thay vì đầu tháng như trước”, đại diện hệ thống này chia sẻ.
Ông Tình cho biết vào ngày Lễ độc thân 11/11 và Black Friday doanh số chỉ nhích lên 10% vì doanh nghiệp bán giảm giá 30-40% so với ngày thường. Nhiều khách hàng cũng có xu hướng chuyển sang mua sắm điện thoại cũ.
“Thời điểm cuối năm nay, nếu sức mua như mọi năm, doanh số có thể tăng 25% so với tháng 11, nhưng với tình hình hiện tại, vẫn sẽ đi ngang như tháng trước”, vị này dự báo.
Nhận định riêng ngành bán lẻ, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá thời điểm tiêu dùng ảm đạm đã qua, thị trường đang hướng tới giai đoạn phục hồi với nhiều dấu hiệu tích cực. Lạm phát ổn định và mặt bằng lãi suất thấp có thể kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Đối với các sản phẩm công nghệ, đặc biệt là điện thoại thông minh, chu kỳ thay điện thoại ước tính là 2-2,5 năm. Theo đó VNDirect kỳ vọng quý IV sẽ là thời điểm bùng nổ khi niềm tin của người tiêu dùng sau khi chạm đáy sẽ tăng lên và nhu cầu mạnh mẽ sau một năm thắt chặt tiêu dùng.
Mới đây, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định quy định chính sách giảm 2% thuế Giá trị gia tăng (VAT) từ 1/7 đến hết năm. Theo đó, việc giảm thuế VAT được kỳ vọng giúp giảm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp bán lẻ và người tiêu dùng. Doanh nghiệp sẽ giảm bớt áp lực tăng giá hàng hóa, thậm chí có thể điều chỉnh giá cả theo hướng cạnh tranh hơn, đồng thời gia tăng sức mua của khách hàng.
Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu…
Doanh nghiệp vận tải thủy phải giảm 95% kế hoạch lợi nhuận vì khó khănDo tình hình kinh doanh khó khăn, tàu phải nằm chờ không dài ngày nên Công ty Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hải Phòng muốn điều chỉnh giảm 95% kế hoạch lợi nhuận. |
Ngành dệt may trong ‘cơn bĩ cực’Đến cuối 2023, tình trạng khó khăn vẫn bủa vây ngành dệt may, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm công nhân, ngừng sản xuất. Một số khác chấp nhận lãi thấp, tìm kiếm khách hàng mới. |
Ngân hàng ‘đại hạ giá’ khách sạn 5 sao, bất động sản nhưng vẫn ếNhiều tháng gần đây, các ngân hàng liên tục rao bán tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu, trong đó chủ yếu là bất động sản, ôtô. Nhiều tài sản giảm tới 50% nhưng vẫn không có người mua. |
Theo: Zing News
Comments are closed.