Lợi nhuận SCIC lao dốc vì khoản đầu tư Vietnam Airlines

Công ty kinh doanh vốn của nhà nước vẫn mở rộng được quy mô doanh thu, nhưng việc trích lập dự phòng lớn vào Vietnam Airlines khiến lợi nhuận giảm hơn 63%.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, ghi nhận doanh thu đạt tăng vọt 32% so với năm liền trước lên mức hơn 10.220 tỷ đồng.

Theo cơ cấu, doanh thu từ cổ tức và lợi nhuận được chia chiếm lớn nhất với 7.625 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng đến 3/4 tổng nguồn thu của SCIC.

Doanh thu còn lại đến từ hoạt động bán vốn đạt 1.933 tỷ đồng, doanh thu từ lãi tiền gửi và lãi trái phiếu đạt 1.430 tỷ đồng, doanh thu cho thuế bất động sản và khác gần 10 tỷ đồng.

Nguồn thu tăng nhanh nhưng lợi nhuận của tổng công ty bất ngờ giảm mạnh 63% về mức 3.074 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với mức lãi 8.330 tỷ đồng năm 2021.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư 3.419 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ được hoàn lại dự phòng giảm giá đầu tư 3.351 tỷ đồng). Đồng thời SCIC còn ghi nhận khoản lỗ từ công ty liên doanh liên kết gần 3.109 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính cho thấy SCIC có 1 công ty con là công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC và 5 công ty liên kết gồm Đầu tư SCIC – Bảo Việt (tỷ lệ nắm giữ 50%), Tháp Truyền hình Việt Nam (33%), Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (31,14%), Cảng quốc tế Lào – Việt (27%), Tư vấn đầu tư và Đầu tư Việt Nam (30%).

Nổi bật nhất là Vietnam Airlines có kết quả tiêu cực nhất trong năm 2022 khi báo lỗ hơn 10.400 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 10.000 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến SCIC tăng mạnh trích lập dự phòng năm qua.

Trong tháng 7/2022, SCIC đã chuyển nhượng thành công toàn bộ vốn cổ phần tại CTCP Thuốc ung thư Benovas và đến tháng 11/2022 chuyển nhượng tiếp toàn bộ vốn cổ phần tại CTCP Hạ tầng Bất động sản Việt Nam. Do đó, 2 công ty trên không còn là công ty liên kết của SCIC.

Tổng tài sản của SCIC tại thời điểm cuối năm ngoái đạt mức gần 60.000 tỷ đồng, giảm 6% trong một năm. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn vẫn chiếm lớn nhất với gần 30.200 tỷ đồng dù đã suy giảm 32%, các khoản đầu tư tài chính dài hạn ngược lại tăng 46% lên hơn 26.600 tỷ đồng.

Lợi nhuận chưa phân phối của SCIC âm 3.000 tỷ đồng trong khi đến cuối năm 2021 vẫn dương 1.344 tỷ đồng.

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2023, SCIC đặt mục tiêu doanh thu 6.657 tỷ đồng, lãi sau thuế 2.903 tỷ đồng; giải ngân đầu tư 9.400 tỷ đồng.

Tổng công ty đưa ra các chương trình công tác lớn như tập trung vào công tác xây dựng thể chế, chiến lược; tiếp nhận bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; quản trị doanh nghiệp; tái cơ cấu, cổ phần hóa và bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp.

Đơn vị này cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty trong hệ sinh thái của Ủy ban, từng bước thực hiện tốt vai trò nhà đầu tư của Chính phủ tham gia đầu tư vào các ngành, lĩnh vực và dự án trọng điểm.

Hồi tháng 4 vừa qua, SCIC công bố danh sách thoái vốn đợt 1 năm 2023 gồm 73 doanh nghiệp. Danh sách này có nhiều cái tên lớn như Nhựa Bình Minh; Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex); Tổng công ty Licogi; Nhiệt điện Phả Lại; Tổng công ty Thăng Long…

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu…

Theo: Zing News

Posted on Tháng Bảy 3, 2023 in Tin tức

Share the Story

Back to Top