Lãnh đạo Công ty CP Dầu thực vật Tường An (TAC) tự tin cho rằng có thể chiếm lĩnh vị trí cao nhất trong ngành dầu ăn Việt Nam.
Trả lời cổ đông tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 chiều 17/6, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Thành viên HĐQT Công ty CP Dầu thực vật Tường An cho biết ngành dầu ăn Việt Nam hiện có 2 cái tên lớn nhất. Trong đó, Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (Calofic) đứng vị trí số một, chủ yếu chiếm lĩnh thị trường phía Bắc. Đứng thứ hai là Dầu Tường An, hiện đã phát triển đủ mạnh ở phía Nam.
“Đây là thời điểm cần thiết để mở rộng thị trường phía Bắc. Chúng tôi đang phát triển nhà máy Dầu Vinh (tổng vốn đầu tư dự kiến 292 tỷ đồng), tạo điều kiện để vận chuyển hàng hóa từ miền Nam ra miền Bắc. Chỉ một thời gian nữa thôi, sản phẩm của Tường An sẽ tràn ngập thị trường phía Bắc”, bà Xuân Liễu nhấn mạnh.
Bà nhìn nhận cạnh tranh lành mạnh là cần thiết để người tiêu dùng có sản phẩm tốt hơn. “Chúng tôi có quyền tin rằng chúng tôi sẽ chiếm lĩnh thị trường phía Bắc và giữ vị trí tốt nhất, cao nhất trong ngành dầu ăn Việt Nam”, bà khẳng định.
Dầu Tường An tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 chiều 17/6. Ảnh: TAC. |
Một trong những chiến lược được Dầu Tường An chú trọng là tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, trong đó doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, còn việc phân phối sản phẩm cho tất cả kênh bán hàng trong và ngoài nước do công ty mẹ là Công ty CP Tập đoàn Kido đảm nhận. Khi đó, mọi chi phí liên quan đến khâu phân phối, marketing sẽ do Tập đoàn Kido chịu trách nhiệm.
Bà Xuân Liễu cho rằng điều này sẽ giúp Dầu Tường An tận dụng được nguồn lực về tài chính, quản trị, marketing và đặc biệt là công nghệ từ Kido để vươn lên vị trí số một trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.
“Chiến lược này không phải mới phát sinh năm nay mà đã có định hướng, tầm nhìn từ trước, theo lộ trình phát triển đến năm 2030, 2040. Kido hướng đến là tập đoàn thực phẩm hàng đầu Việt Nam và khu vực, do vậy chúng tôi quản lý theo ngành hàng chứ không theo công ty”, bà nói.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu Dầu Tường An ước khoảng 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 105 tỷ, lần lượt tăng 37% và 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Thanh Tùng, Tổng giám đốc Dầu Tường An, 2021 sẽ tiếp tục là năm khó khăn với ngành thực phẩm. Thực tế từ đầu năm đến nay, do giá nguyên liệu tăng 67% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất trong 10 năm qua, trong khi giá bán không thể gia tăng tương ứng, doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn trong việc bán hàng và triển khai kế hoạch kinh doanh.
Do đó, kế hoạch 6 tháng cuối cần thận trọng, đặc biệt về nguồn và giá nguyên vật liệu. Doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu thuần cả năm đạt 5.266 tỷ đồng, tăng 0,36% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế đạt 232 tỷ đồng, tăng 5%. Cổ tức được tiếp tục duy trì ở mức 20%.
Trong năm nay, Dầu Tường An sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm cốt lõi, đồng thời cao cấp hóa sản phẩm nhằm đa dạng danh mục. Bên cạnh đó, công ty tập trung phát triển theo chiều sâu, gia tăng độ phủ đối với các dòng sản phẩm chủ lực.
Đặc biệt, doanh nghiệp này cũng chú trọng khai thác tối ưu hiệu quả chuỗi cung ứng sản phẩm và nguyên liệu. Trong đó, các nhà máy được đầu tư mở rộng và cải tiến để nâng công suất nhằm giảm giá thành trong chi phí sản xuất, giảm chi phí vận chuyển và tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, doanh nghiệp gia tăng năng lực các bồn chứa để đảm bảo nguồn dự trữ cho sản xuất.
Cũng tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Trần Lệ Nguyên cho biết sẽ mời đơn vị tư vấn và tổ chức đại hội cổ đông bất thường để tiến tới sáp nhập Dầu Tường An vào Tập đoàn Kido sau khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) thoái toàn bộ vốn tại Tổng công ty Công nghiệp và Dầu thực vật Việt Nam (VOC) – một thành viên khác của Kido.
Lãnh đạo Dầu Tường An nói về sự cạnh tranh với Cái Lân
dầu tường an
tac
kido
kdc
cái lân
ngành dầu ăn việt nam
dầu ăn
trần lệ nguyên
Theo: Zing News
Comments are closed.