Nhiều người khẳng định tiền không mua được mọi thứ, nhưng chắc chắn nó sẽ là công cụ để có thể làm được nhiều việc. Ví dụ, khi gặp vấn đề “khó ở” tại đất nước mình, tiền giúp các triệu phú có thể đóng gói tài sản và di chuyển cả gia đình sang một đất nước khác có điều kiện thuận lợi hơn.
Cuộc “tháo chạy” của các triệu phú
Theo báo cáo Tổng quan về tình hình di cư của những người giàu trên thế giới, những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao – HNWI (trên 1 triệu USD) là nhóm người có lợi thế trong việc lựa chọn và dịch chuyển dễ dàng hơn.
Qua khảo sát, khi một đất nước có hành lang pháp lý hấp dẫn, môi trường ít ô nhiễm, xã hội an toàn hơn sẽ thu hút làn sóng di cư của tầng lớp nắm giữ của cải này.
Trung Quốc trong hơn 2 thập kỷ qua được mệnh danh là một cỗ máy tạo ra sự thịnh vượng và ngày càng gây dựng được sức ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Với các chính sách của mình, số lượng các công dân Trung Quốc gia nhập hàng ngũ triệu phú, tỷ phú ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, mỗi năm số người giàu rời Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng và đất nước này vẫn chiếm ngôi đầu bảng danh sách này.
Theo ghi nhận có tới hơn 15.000 HNWI Trung Quốc chọn di cư sang các quốc gia khác, đóng góp quan trọng vào làn sóng triệu phú di cư trên toàn cầu.
Danh sách các quốc gia đang chứng kiến sự số lượng lớn người giàu “tháo chạy” trong năm 2018:
Quốc gia |
Lượng HNWI di cư (ròng) năm 2018 |
% tổng HNWI mất đi |
Trung Quốc |
15.000 |
2% |
Nga |
7.000 |
6% |
Ấn Độ |
5.000 |
2% |
Thổ Nhĩ Kỳ |
4.000 |
10% |
Pháp |
3.000 |
1% |
Anh |
3.000 |
0% |
Không giống như tầng lớp trung lưu, những công dân giàu có không gặp những trở ngại về phương tiện và điều kiện vật chất khi rời khỏi quê nhà. Hơn thế nữa, họ còn được đón nhận nồng hậu ở một quốc gia mới.
Việc gia tăng số lượng HNWI di cư khỏi 1 quốc gia là dấu hiệu cho thấy quốc gia đó có thể đang đối mặt với các yếu tố kinh tế hoặc xã hội tiêu cực.
Trong đó, gây bất ngờ vẫn là sự gia tăng số lượng người giàu rời Trung Quốc khi đất nước này vẫn đang tiếp tục phát triển và ổn định. Các khảo sát của Hurun Report và Visas Consulting cho biết giới triệu phú nước này quyết định di cư bởi tình trạng không khí ô nhiễm và mất an toàn thực phẩm của nước này chưa cải thiện trong những năm qua.
Trên bản đồ di cư còn gây chú ý với sự nổi lên của làn sóng di cư của giới siêu giàu đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nguyên nhân được cho là bởi những bất ổn đến từ các cuộc biểu tình trong nước, nền kinh tế bị lung lay bởi tỷ lệ lạm phát đang được ước tính ở mức ba con số.
Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp, Thổ Nhĩ Kỳ mất tới hơn 4.000 triệu phú. Số lượng này ước tính chiếm tới 10% tổng số HNWI của Thổ Nhĩ Kỳ có được trong năm 2018.
Nhiều người giàu Trung Quốc chọn sống ở Mỹ, Australia, và Canada… |
Đây là một kịch bản tồi tệ cho Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã có số lượng người giàu nằm trong danh sách HNWI rất khiêm tốn so với Trung Quốc và Ấn Độ.
Cũng có những điểm khó lý giải trong dòng vận chuyển “máu và chất xám” này khi Hy Lạp, một trong những quốc gia đang vật lộn với khó khăn chồng chất trong thập kỷ qua, vẫn chưa phải chứng kiến sự “dứt áo ra đi” ồ ạt của giới nhà giàu nước này.
Những miền đất hứa thu hút giới triệu phú
Theo bảng khảo sát, Australia và Mỹ vẫn đứng ở vị trí hàng đầu trong các điểm đến thu hút sự dừng chân của giới siêu giàu khắp thế giới.
Australia xinh đẹp hấp dẫn giới nhà giàu bởi có nền kinh tế phát triển, ổn định, khí hậu thuận lợi và điều kiện xã hội an toàn. Nước này cũng có sức hấp dẫn hơn so với các nước phát triển khác như Mỹ ở chính sách không đánh thuế tài sản thừa kế (giới nhà giàu có thể yên tâm chuyển giao toàn bộ tài sản cho con cháu sau khi chết), và chi phí y tế thấp.
Thực tế là làn sóng nhập cư mang theo nguồn tài chính khổng lồ này luôn được “chào đón” bằng các chính sách ưu đãi ở nhiều quốc gia.
Đơn cử tại Australia, các đơn xin thị thực trong Chương trình Đầu tư và Đổi mới Kinh doanh từ nhóm HNWI vào nước này đã tăng vọt hơn 74% trong năm 2018 so với năm 2017 với tỷ lệ đạt thị thực cao.
Với những điều kiện nới lỏng ưu đãi cho giới “đầu tư”, như không qua các vòng “sàng lọc” trình độ học vấn, trình độ tiếng Anh và trình độ việc làm, dòng chảy triệu phú từ các nơi đổ về đã giúp quốc gia này thu hút các các dòng vốn đầu tư tới hàng nghìn tỷ AUD trong năm 2018.
Tại xứ sở kangaroo, chỉ riêng giới nhà giàu Trung Quốc đã chiếm tới 90% tổng các HNWI trong giai đoạn 2016-2017. Phần còn lại đến từ các quốc gia khác bao gồm Malaysia, Nam Phi và Việt Nam. Làn sóng này đã làm tăng số lượng triệu phú của nước này lên 200%.
“Do khoảng cách địa lý gần gặn, chênh lệch múi giờ ít, số lượng doanh nhân giàu có từ Trung Quốc đến Australia càng nhiều, làm giàu cho nền kinh tế. Đây được coi là lợi thế cho cả hai bên”, Mark Ryan, luật sư thuộc cơ quan Quản lý di cư LRG (Australia) cho hay.
Bên cạnh đó, Mỹ và Anh vẫn là miền đất hứa quen thuộc đối với những nhà đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên, những biến động về chính trị, chính sách mới về nhập cư của Tổng thống Donald Trump cũng như bất ổn của quá trình Brexit khiến cho giới nhà giàu trên thế giới dịch chuyển qua Australia như một lựa chọn thay thế.
Các nước có số lượng người giàu nhập cư nhiều nhất:
Quốc gia |
Lượng HNWI nhập cư (Ròng) 2018 |
% NHWI tăng lên |
Australia |
12.000 |
3% |
Mỹ |
10.000 |
0% |
Canada |
4.000 |
1% |
Thụy Sỹ |
3.000 |
1% |
Tiểu vương quốc Ả Rập |
2.000 |
2% |
Caribean |
2.000 |
3% |
New Zealand |
1.000 |
1% |
Singapore |
1.000 |
0% |
Theo: Zing News
Comments are closed.