Khối ngoại chi 2.300 tỷ đồng gom cổ phiếu tuần qua

Thị trường chứng khoán tuần qua có sự hỗ trợ mạnh của dòng vốn ngoại nhưng VN-Index vẫn giảm điểm bởi áp lực bán mạnh hơn từ nhà đầu tư trong nước.

Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một tuần giao dịch nhiều biến động, trong bối cảnh nhiều thông tin quan trọng trái chiều được công bố.

Trong hai phiên giao dịch đầu tuần, các chỉ số chứng khoán chịu áp lực điều chỉnh do ảnh hưởng từ diễn biến tiêu cực trên thị trường quốc tế sau vụ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) tại Mỹ sụp đổ. Chỉ số VN-Index đã lùi về vùng hỗ trợ 1.030-1.040 điểm.

Đến giữa tuần, thị trường bất ngờ đón thông tin hỗ trợ trong phiên thứ tư sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thông báo giảm một số lãi suất điều hành chủ chốt. Lực cầu mua vào được kích hoạt kéo chỉ số VN-Index bật tăng ấn tượng 2,1% trong phiên này.

Tuy vậy, đà hứng khởi không duy trì được lâu khi chỉ số VN-Index mất điểm trong 2 phiên cuối tuần, khi hoạt động cơ cấu của các quỹ ETF và phiên đáo hạn phái sinh ảnh hưởng mạnh tới diễn biến thị trường.

Kết tuần, VN-Index dừng ở mức 1.045,1 điểm, giảm 0,8% so với tuần trước, trong khi chỉ số HNX-Index cũng sụt giảm 1,6%, về mức 204,5 điểm và chỉ số UPCOM-Index giảm nhẹ 0,5%, về còn 76,4 điểm.

co phieu,  chung khoan,  khoi ngoai anh 1

Diễn biến VN-Index trong tuần giao dịch 13-17/3. Đồ thị: TradingView.

Điểm tích cực trong tuần này là khối ngoại vẫn mua ròng mạnh 2.316 tỷ đồng trên thị trường, nhất là các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) với nguồn tiền lớn. Đây là tuần cơ cấu danh mục kỳ quý I của các quỹ lớn như FTSE ETF, Fubon ETF, VanEck Vietnam ETF.

Riêng sàn HoSE, khối ngoại đã mua ròng đến 2.164 tỷ đồng (khối lượng gần 135 triệu cổ phiếu) trong cả 5 phiên giao dịch, tăng 136% so với tuần trước nhờ hoạt động giải ngân của các quỹ lớn.

Tương tự, khối ngoại cũng gia tăng 76% giá trị mua ròng trên sàn HNX lên mức 168 tỷ đồng, trong khi bán ròng nhẹ 16 tỷ đồng trên sàn UPCoM.

Xét theo từng mã chứng khoán, khối ngoại tiếp tục ưa thích cổ phiếu HSG của Hoa Sen Group với tâm điểm mua ròng 330 tỷ đồng, toàn bộ thông qua kênh khớp lệnh. Tính từ đầu tháng 3, khối ngoại đã mua ròng hơn 550 tỷ đồng cổ phiếu này.

Các cổ phiếu khác được khối ngoại săn đón trong tuần qua có thể kể đến POW của PV Power, cổ phiếu ngân hàng SHB, cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI và VND của VNDirect… Ngoài ra, các mã khác cũng được mua hàng trăm tỷ đồng.

Cổ phiếu Mua ròng (tỷ đồng) Cổ phiếu Bán ròng (tỷ đồng)
HSG 330 STB -382
POW 295 HPG -171
SSI 275 VCB -140
SHB 218 FUEVFVND -108
VND 210 PLX -87
VRE 184 VNM -48
VHM 155 NLG -47
NVL 152 E1VFVN30 -42
DMC 145 HCM -33
VCI 123 FUESSVFL -27

Ở chiều ngược lại, tâm điểm rút ròng của dòng vốn ngoại ghi nhận tại mã STB của Sacombank sau ồn ào khách hàng mất tiền gửi. Tính trong cả tuần, khối ngoại rút vốn mạnh mẽ với giá trị bán ròng gần 382 tỷ đồng cổ phiếu này, chủ yếu trên kênh khớp lệnh.

Những mã khác cũng bị áp lực xả ròng hàng trăm tỷ đồng gồm HPG của Hòa Phát, VCB của Vietcombank và chứng chỉ quỹ FUEVFVND.

Giao dịch đối ứng với khối ngoại vẫn là nhà đầu tư cá nhân trong nước khi họ bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng trên HoSE. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ tập trung vào bán các mã SSI (-324 tỷ đồng), HSG (-324 tỷ đồng), POW (-291 tỷ đồng), SHB (-216 tỷ đồng), VND (-208 tỷ đồng).

Sếp Thế Giới Di Động mất khoản thưởng hàng nghìn tỷ đồng từ ESOP

Kết quả kinh doanh thấp hơn dự kiến nên MWG sẽ không chia cổ phiếu thưởng ESOP như mọi năm, cấp quản lý bị mất nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng.

Em trai bầu Đức muốn bán hết cổ phần HAGL

Tính theo thị giá trên sàn chứng khoán, số cổ phiếu HAGL mà vị này sắp bán ra có giá trị gần 4 tỷ đồng.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu…

Theo: Zing News

Posted on Tháng Ba 20, 2023 in Tin tức

Share the Story

Back to Top