IMF: ‘Việt Nam cần đẩy mạnh kiểm soát rủi ro khi cấp tín dụng địa ốc’

Theo IMF, rủi ro trong thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đang tăng lên. Việc kiểm soát rủi ro, bao gồm hạn chế đòn bẩy quá mức, là rất cần thiết.

Kết thúc đợt tham vấn Điều khoản IV với Việt Nam, đoàn cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định rủi ro trong thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đang tăng lên.

“Các điều kiện tài chính nới lỏng đã góp phần thúc đẩy số đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, giá bất động sản và cổ phiếu lên mức cao kỷ lục”, các chuyên gia của IMF nhận định.

IMF nhận thấy giá tăng mạnh chủ yếu trong các giao dịch mua bán đất, nhà ở cao cấp tại những thành phố lớn và các siêu dự án ở những khu vực ven biển.

“Giá đất tăng nhanh hơn tiền lương. Điều này có khả năng làm gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo. Số nhà ở mới lao dốc trong thời kỳ đại dịch cho thấy mối lo ngại về khả năng chi trả vẫn sẽ kéo dài”, báo cáo của tổ chức này nêu.

Tin dung bat dong san anh 1

Các công ty trong ngành bất động sản dùng nhiều đòn bẩy hơn phần còn lại của nền kinh tế. Ảnh: Quỳnh Danh.

Rủi ro tăng lên

Theo IMF, ngoài cấp tín dụng cho ngành công nghiệp bất động sản, các ngân hàng còn chịu rủi ro gián tiếp thông qua việc nắm giữ trái phiếu do những công ty bất động sản phát hành.

Các công ty trong ngành này có khả năng trả nợ khá cao, nhưng cũng dùng nhiều đòn bẩy hơn phần còn lại của nền kinh tế. Đoàn cán bộ của IMF cho rằng một số công ty đã chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 cản trở hoạt động du lịch.

“Các chính sách mới được đưa ra nhằm kiểm soát rủi ro hệ thống, bao gồm những biện pháp hạn chế đòn bẩy quá mức và khuyến nghị cẩn trọng với nguồn vốn vay, là rất quan trọng đối với các hoạt động trong ngành bất động sản”, IMF nhấn mạnh.

Khi đề cập đến các rủi ro của nền kinh tế, IMF chỉ ra những tác động tài chính vĩ mô của sự phát triển trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

Giá đất tăng nhanh hơn tiền lương. Điều này có khả năng làm gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo

Đoàn cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế

“Những lỗ hổng trong bảng cân đối kế toán có thể tăng lên bởi người vay dễ tổn thương hơn khi lãi suất tăng cao, các vấn đề về cấp vốn trong lĩnh vực bất động sản và sự biến động giá mạnh trong thị trường nhà đất”, các chuyên gia cảnh báo.

IMF cũng đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính, trong đó có ngừng nới lỏng các quy tắc phân loại khoản vay và trích lập dự phòng.

Việc nới lỏng các quy tắc phân loại khoản vay và trích lập dự phòng đã hỗ trợ dòng chảy tín dụng trong giai đoạn đầu của đại dịch. Nhưng nếu những biện pháp này không sớm được rút lại, các nhà băng có thể chậm trễ trong việc phát hiện những khoản vay có vấn đề, làm trầm trọng thêm tình trạng phân bổ tín dụng sai và chấp nhận rủi ro quá mức.

IMF cho rằng quy định mới về phân loại nợ không nên được gia hạn sau tháng 6/2022. Trước thời hạn này, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét đẩy nhanh việc trích lập dự phòng đối với các khoản vay tái cơ cấu.

Cùng với đó, các cơ chế tái cấu trúc và giải quyết vấn đề của doanh nghiệp cần được đơn giản hóa hơn nữa.

Việt Nam cũng cần siết chặt hơn nữa quy định nhằm ngăn chặn doanh nghiệp và hộ gia đình sử dụng đòn bẩy quá mức, cũng như đẩy mạnh việc định giá dựa trên rủi ro.

Khuyến khích nhưng vẫn kiểm soát rủi ro

Ngoài ra, IMF cho rằng việc nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng cũng giúp hỗ trợ tăng trưởng trong trung hạn.

Đoàn cán bộ cũng khuyến nghị đưa ra một khuôn khổ an toàn vĩ mô nhằm duy trì sự ổn định tài chính. Đó là việc sử dụng các công cụ để ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro hệ thống và nhắm mục tiêu ổn định tài chính.

Trong những năm qua, Việt Nam đã phát triển khuôn khổ chính sách an toàn vĩ mô, bao gồm áp dụng các giới hạn đối với từng ngành nghề riêng biệt, cẩn trọng hơn trong việc cấp tín dụng cho những lĩnh vực rủi ro, chẳng hạn trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản.

“Thắt chặt các chính sách an toàn vĩ mô sẽ đảm bảo việc điều chỉnh diễn ra một cách tuần tự”, báo cáo nêu.

Thêm vào đó, IMF cho rằng các nhà chức trách cần thúc đẩy thị trường vốn nhưng vẫn quản lý rủi ro một cách hiệu quả. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, những đợt phát hành riêng lẻ chiếm ưu thế hơn.

Tin dung bat dong san anh 2

Ngoài cấp tín dụng cho ngành công nghiệp bất động sản, các ngân hàng còn chịu rủi ro gián tiếp thông qua việc nắm giữ trái phiếu do những công ty bất động sản phát hành. Ảnh: Quỳnh Danh.

IMF khuyến nghị Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng, phát triển các cơ quan xếp hạng tín nhiệm và tăng cường yêu cầu công bố thông tin đối với những đợt phát hành riêng lẻ. Điều này sẽ nâng cao tính minh bạch và củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Việc thực thi các luật, quy định về chứng khoán một cách nghiêm túc cũng giúp tăng cường niềm tin.

Cuối cùng, IMF nhận định các công ty fintech (công nghệ tài chính) đang phát triển nhanh chóng trong những lĩnh vực như ngân hàng, thanh toán kỹ thuật số và cho vay ngang hàng.

Tổ chức cho rằng cần khuyến khích chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực tài chính, nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định tài chính, bảo vệ người dùng và nhà đầu tư.

IMF: Năm sau, kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc về mức trước đại dịch

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6% trong năm nay và 7,2% vào năm sau, tương đương mức tăng của năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Lao động Việt Nam tăng thu nhập 1,1 triệu đồng so với trước dịch

Theo Tổng cục Thống kê, việc làm đã phục hồi mạnh mẽ so với trước dịch, đặc biệt là ngành dịch vụ. Thu nhập bình quân cũng tăng trung bình khoảng 1,1 triệu đồng so với năm 2020.

Tín dụng bất động sản

Tín dụng

bất động sản

trái phiếu doanh nghiệp

imf

Theo: Zing News

Posted on Tháng Bảy 7, 2022 in Tin tức

Share the Story

Back to Top