HSBC hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam xuống 5%, đồng thời kỳ vọng quý IV sẽ có sự phục hồi đáng kể.
Theo báo cáo mới công bố, bộ phận phân tích của Ngân hàng HSBC đánh giá các điều kiện kinh tế tại Việt Nam không xấu đi nhưng cũng không cải thiện rõ rệt.
Có những rủi ro gia tăng liên quan tới tăng trưởng, đặc biệt từ chu kỳ thương mại. Xuất khẩu tiếp tục giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế Mỹ, số lượng đơn đặt hàng giảm cho thấy suy thoái thương mại có thể kéo dài trong suốt quý III/2023.
Điểm sáng là sự phục hồi trong lĩnh vực du lịch, một phần nhờ vào nỗ lực tăng tần suất chuyến bay và nới lỏng thị thực.
“Xét mọi yếu tố, chúng tôi đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống 5%; từ mức 5,2% trước đó”, chuyên gia tại HSBC nhận định.
Dù tốt hơn kỳ vọng nhưng tăng trưởng quý II/2023 của Việt Nam vẫn yếu. Nguồn: HSBC. |
Tốc độ tăng trưởng giảm mạnh
Trong quý II, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cắt giảm lãi suất điều hành 3 lần, mỗi lần giảm 50 điểm cơ bản. Đồng thời, Chính phủ cũng công bố các biện pháp tài khóa. Tuy nhiên sau nửa năm, thách thức vẫn còn đó.
Tốc độ tăng trưởng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, GDP quý II vượt qua mức kỳ vọng 3,8% của thị trường. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã giảm mạnh từ mức ấn tượng của năm ngoái (8%), chủ yếu do các rủi ro bên ngoài.
Thương mại, một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam dần suy yếu kể từ quý IV/2022. Sự suy giảm sản xuất phản ánh rõ ràng những thách thức thương mại ngày càng gia tăng. Tin tốt là thương mại không có dấu hiệu suy giảm thêm, tuy nhiên chưa thấy dấu hiệu phục hồi rõ rệt.
Trong quý II, tốc độ tăng trưởng sản xuất bất ngờ tích cực nhưng chỉ góp tối thiểu vào tăng trưởng. Xuất khẩu tiếp tục giảm hai con số. Các lô hàng lớn gồm điện tử tiêu dùng, dệt may/giày dép, máy móc và đồ nội thất gỗ suy giảm hai con số, chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu của Mỹ sụt giảm.
Tính tới thời điểm này, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy tính nghiêm trọng của suy thoái thương mại.
Điểm sáng duy nhất là xuất khẩu nông sản, nhưng tỷ lệ 10% của ngành hàng này quá nhỏ để bù đắp cho sự suy yếu rộng khắp ở các lĩnh vực khác.
Do đợt nắng nóng vào tháng 6, ngành sản xuất lại phải đối mặt với tình trạng thiếu điện tại miền Bắc – nơi có cơ sở sản xuất của các tập đoàn công nghệ lớn. Khi vấn đề năng lượng dần được khắc phục, việc cắt giảm sản xuất đã làm gia tăng khó khăn trong ngành.
Theo bà Yun Liu, Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu của HSBC, các chỉ số PMI đang cho thấy không có sự cải thiện trong tương lai gần. Ngân hàng này kỳ vọng những thay đổi sớm nhất trong xu hướng thương mại sẽ diễn ra vào khoảng quý IV, theo hướng ổn định rồi mới xuất hiện sự gia tăng rõ rệt đối với các lô hàng.
Nói cách khác, Việt Nam còn phải chịu một chu kỳ suy thoái thương mại kéo dài, đặc biệt là khi hiệu ứng cơ sở không thuận lợi nghiêm trọng hơn vào quý III.
Vẫn còn tín hiệu tích cực
Dù vậy, báo cáo của HSBC cho thấy tài khoản vãng lai của Việt Nam bất ngờ được cải thiện đáng kể lên mức 6,1% GDP trong quý I, mang tới sự hỗ trợ quý giá cho đồng VND.
Bất chấp sự sụt giảm xuất khẩu, lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam đã bù đắp phần nào. Cụ thể, các ngành dịch vụ liên quan đến du lịch gồm vận tải, lưu trú và ăn uống tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh.
Nửa đầu năm 2023, khách du lịch đến Việt Nam tổng cộng 5,6 triệu lượt, hồi phục 80% so với mức độ hàng tháng của năm 2019. Trong đó, khách Trung Quốc là nhóm chính.
Lượng khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam đã đạt 45% mức hàng tháng năm 2019. Ảnh: HSBC. |
Một phần của phục hồi đến từ nỗ lực khôi phục các đường bay thẳng với Trung Quốc, trong đó Việt Nam đứng thứ hai ASEAN, chỉ sau Singapore. Tiến độ trên đà vượt mục tiêu ban đầu là 8 triệu lượt khách du lịch năm.
Quốc hội cũng đã thông qua luật nới lỏng các hạn chế về thị thực, có hiệu lực từ ngày 15/8. Sự thay đổi kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc du lịch dễ dàng hơn và thu hút lượng khách du lịch gia tăng.
Trong tháng 6, lạm phát toàn phần được kiểm soát ở mức 2% so với cùng kỳ. Đáng nói, lạm phát cơ bản hạ nhiệt xuống 4,3% so với cùng kỳ, lần đầu tiên dưới mức trần trong 9 tháng. Tuy vậy, rủi ro tăng giá vẫn kéo dài, đồng VND có thể đối mặt với áp lực rủi ro sụt giá từ lãi suất thực đang “xói mòn”.
Từ bối cảnh trên, HSBC kỳ vọng tăng trưởng sẽ có bước ngoặt lớn vào quý IV/2023, với các biện pháp hỗ trợ tiền tệ gia tăng.
“Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý III/2023, đưa lãi suất điều hành về 4%. Điều này có thể sẽ đảo ngược nỗ lực thắt chặt của NHNN trong năm 2022, và cũng tương ứng với mức độ hỗ trợ tiền tệ trong thời kỳ đại dịch”, bà Yun Liu nói.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu…
Khó khăn tài chính, EVN nợ PV Power gần 13.000 tỷ đồngTổng giám đốc PVN yêu cầu rà soát lại hợp đồng giữa các bên, đồng thời hỗ trợ PV Power về công tác cân đối dòng tiền trong lúc khó khăn. |
Công ty thu hồi nợ xấu của ngân hàng lãi kỷ lụcLợi nhuận năm 2022 của công ty thu hồi nợ xấu VAMC đạt 165 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với năm 2017. |
Theo: Zing News
Comments are closed.