Từ ngày 13/2 (mùng 4 Tết), vé máy bay một chiều từ các tỉnh phía bắc đi TP.HCM đều hết sạch. Hành khách thậm chí phải tìm tới các chặng bay nối chuyến, có giá 5,5-18 triệu đồng.
Nếu không mua vé khứ hồi để về quê ăn Tết, người dân ở phía bắc hiện rất khó tìm được vé máy bay đi TP.HCM.
Theo khảo sát, từ ngày 13-19/2 (mùng 4-10 âm lịch), chặng Hà Nội – TP.HCM hết sạch vé bay thẳng. Trong khoảng thời gian này, hành khách đi một chiều chỉ còn cách bay nối chuyến với giá “trên trời” với giá hơn 19 triệu đồng/khách.
Trong khi đó, từ ngày 13-19/2, chặng bay Thanh Hóa – TP.HCM không còn chuyến bay nào còn trống dù chỉ một chỗ. Phải đến ngày 20/2, các chuyến bay mới có vé, với giá luôn trên 3 triệu đồng.
Lượng người về sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) bắt đầu tăng từ ngày 13/2. |
Tình trạng căng thẳng đều diễn ra ở các chặng thành phố Vinh, Hải Phòng, Đà Nẵng đi TP.HCM. Trong khoảng thời gian 13-19/2, chỉ có 2 chuyến bay còn vé từ Quảng Ninh do Vietnam Airlines và Vietjet Air khai thác, với giá vé từ 4 triệu đồng.
Đối với các chặng bay du lịch như đảo Phú Quốc – Hà Nội, số lượng vé vẫn dồi dào. Đáng chú ý, ở chặng bay này, hành khách có thể tham khảo việc nối chuyến khi có giá chỉ từ 3,3 triệu đồng. Trong khi đó, giá vé các chuyến bay thẳng do Vietnam Airlines khai thác đều đạt hơn 4 triệu đồng. Người đi du lịch ở Quy Nhơn, Đà Lạt cũng dễ dàng mua vé máy bay về Hà Nội do các chuyến bay còn trống nhiều chỗ.
Tuy nhiên, chặng Nha Trang – Hà Nội không còn nhiều vé. Thậm chí ngày 15/2 hết sạch chỗ.
Theo ghi nhận ngày 13/2, lượng khách đến Cảng hàng không Tân Sơn Nhất – TP.HCM bắt đầu tăng so với những ngày trước đây. Dự kiến sân bay này sẽ khai thác 834 chuyến bay đi và đến với hơn 136.000 lượt hành khách. Trong đó, có 414 chuyến bay đến với hơn 76.000 lượt hành khách (gần 54.000 hành khách đến ga trong nước và hơn 22.000 hành khách đến ga quốc tế).
Để so sánh, vào ngày 12/2 (mồng 3 Tết), cảng Tân Sơn Nhất chỉ phục vụ hơn 126.000 khách với 63.000 hành khách đến.
Nhằm đáp ứng nhu cầu chủ yếu từ các tỉnh phía bắc về TP.HCM vào thời điểm sau Tết, dự kiến các hãng hàng không cần phải điều thêm chuyến bay rỗng đến sân bay Nội Bài.
Cùng kỳ năm ngoái, có tổng cộng 399 chuyến bay rỗng cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất, chủ yếu là tàu bay của Vietnam Airlines và Vietjet Air. Đại diện sân bay Tân Sơn Nhất cho biết các hãng bay phải điều thêm các chuyến không chở khách do nhu cầu lệch tải.
Cũng vì số lượng chuyến bay rỗng nhiều nên giá vé chiều bay từ Nội Bài (Hà Nội) và các tỉnh phía bắc đi Tân Sơn Nhất hết sức đắt đỏ. Thực tế, hiện tượng lệch tải thường xuyên diễn ra khi cả nước bước vào kỳ nghỉ lễ lớn. Trước Tết, giá vé nhiều đường bay từ TP.HCM đi các tỉnh miền bắc và miền trung cao ngất ngưởng, thậm chí có chặng còn hết vé.
Trong những ngày đầu xuân, hành khách các chuyến bay nội địa, quốc tế đều được tận hưởng không khí Tết cổ truyền từ sân bay cho tới khi lên phương tiện. Điển hình, trong 2 ngày 14-15/2/2024 (tức ngày mồng 5-6 Tết Âm lịch), du khách qua Cảng HKQT Nội Bài sẽ được chiêm ngưỡng màn viết thư pháp nghệ thuật và biểu diễn ca nhạc tại cả hai nhà ga.
Để không khí năm mới thêm sống động, một số hãng bay có những màn biểu diễn sáng tạo. Trên một số chuyến bay của Vietnam Airlines, tiếp viên trình diễn áo dài với những họa tiết tinh tế đậm chất truyền thống.
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư số 34/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Thông tư sửa đổi nêu rõ các đường bay có khoảng cách dưới 500km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế – xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác. Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 đến 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay. Thông tư số 34 có hiệu lực từ ngày 1-3-2024.
Trần Đình/Tiền Phong
Theo: Zing News
Comments are closed.