Hãng sở hữu mì Miliket lãi hơn 60 triệu mỗi ngày

Công ty Colusa – Miliket, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu mì gói Miliket, đạt doanh thu 614 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 22 tỷ trong năm 2020.

Trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket (mã chứng khoán CMN) ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 614 tỷ đồng, giảm gần 2% so với năm 2019.

Do giá vốn hàng bán giảm chậm hơn doanh thu, lợi nhuận gộp của công ty trong kỳ vừa qua còn 141 tỷ đồng (kỳ trước là 150 tỷ). Lãi sau thuế của doanh nghiệp đạt 22 tỷ đồng, giảm 11%. Trung bình mỗi ngày, chủ sở hữu thương hiệu mì gói Miliket lãi 61 triệu đồng.

Tại thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của Miliket là 251 tỷ đồng, trong đó có tới 47 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, cùng 131 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Doanh nghiệp không ghi nhận bất kỳ khoản nợ vay nào.

KẾT QUẢ KINH DOANH THEO NĂM CỦA COLUSA – MILIKET
Nhãn Năm 2016 Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020
Doanh thu thuần tỷ đồng 461 556 602 625 611
Lợi nhuận sau thuế 20 23 26 25 22

Lợi nhuận 22 tỷ đồng/năm là một con số khiêm tốn so với các đại gia trong ngành thực phẩm. Tuy nhiên, với mức vốn điều lệ vỏn vẹn 48 tỷ đồng không thay đổi trong hơn 10 năm qua, chủ thương hiệu mì hai con tôm đạt tỷ suất sinh lời trên vốn điều lệ ấn tượng gần 50%.

Trong cơ cấu sở hữu hiện tại của Miliket, Tổng công ty Lương thực miền Nam chiếm 30,72%, tương đương 14,7 tỷ đồng; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam chiếm 20%, tương đương 9,6 tỷ; Công ty Dịch vụ và thương mại Mesa chiếm 20,08%, chiếm hơn 9,6 tỷ. Còn lại là các cổ đông khác.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu CMN của Công ty Colusa – Miliket thường không biến động hoặc thay đổi giá mạnh, tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh một ngày thường từ 0 đến vài chục đơn vị. Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/3, giá cổ phiếu CMN đứng ở mức 70.000 đồng.

Có lịch sử hoạt động hơn 45 năm, Công ty Colusa – Miliket sở hữu thương hiệu mì gói Miliket với hình ảnh đặc trưng hai con tôm trên bao bì bằng giấy. Những năm 90 trở về trước, thương hiệu Miliket được xem như vua mì tôm.

Tuy nhiên, những năm 2000, khi các thương hiệu mì ăn liền trong và ngoài nước với tiềm lực tài chính lớn gia nhập thị trường, thế độc tôn trên thị trường của Miliket dần biến mất.

Những đại gia như Vina Acecook (mì Hảo Hảo), Masan (mì Omachi), Asia Foods (mì Gấu Đỏ) nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần mì ăn liền với ưu thế về kênh phân phối, chiến lược quảng cáo, bao bì bắt mắt, danh mục sản phẩm đa dạng.

Từ người dẫn đầu, đến nay thị phần của Miliket chỉ chiếm phần nhỏ thị trường mì ăn liền tại Việt Nam. Năm 2019, mì Miliket không góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu thực phẩm đóng gói được ưa chuộng nhất.

Em dâu ông Hồ Hùng Anh góp mặt trong HĐQT Masterise Group

Bà Nguyễn Hương Liên, em dâu tỷ phú Hồ Hùng Anh, góp mặt trong HĐQT Masterise Group. Ngoài ra, nhiều cá nhân tại Techcombank đang giữ vai trò quan trọng tại doanh nghiệp BĐS này.

Chủ sở hữu mì Miliket lãi hơn 60 triệu mỗi ngày

Masan

mì hai tôm

mì tôm

mì tôm miliket

mì miliket

Theo: Zing News

Posted on Tháng Tư 1, 2021 in Tin tức

Share the Story

Back to Top