Hàng loạt công ty chứng khoán lãi đậm

Nhiều công ty chứng khoán công bố kết quả sơ bộ nửa đầu năm rất khả quan, lợi nhuận một số đơn vị tăng bằng lần với những con số kỷ lục.

Thị trường chứng khoán bùng nổ đang giúp các công ty chứng khoán (CTCK) ghi nhận những kết quả rất tích cực trong nửa đầu năm nay. Nhờ triển vọng kinh doanh cao, cổ phiếu ngành chứng khoán cũng thu hút được dòng tiền và tăng giá mạnh từ đầu năm.

Loạt công ty lãi khủng

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố doanh thu nửa đầu năm đạt hơn 530 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ và đã vượt kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu từ các nghiệp vụ kinh doanh chính như môi giới, ngân hàng đầu tư và đầu tư đều vượt kế hoạch.

Lợi nhuận sau thuế ước tính hơn 245 tỷ đồng, vượt 70% kế hoạch năm nay và bằng 12 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà công ty đạt được kể từ khi thành lập cho đến nay.

Tại đại hội thường niên 2021 của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), Tổng giám đốc Vũ Đức Tiến cho biết công ty ước đạt hơn 600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng, tăng hơn 80% so với cùng kỳ. Lãnh đạo công ty tin tưởng nếu cuối năm không có quá nhiều biến động thì lợi nhuận sẽ cao hơn năm 2020.

Năm 2021, công ty môi giới này đặt mục tiêu kinh doanh khá thận trọng với tổng doanh thu tăng 4% lên 1.887 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến 751 tỷ đồng, giảm gần 20% do chuyển khoản đầu tư cổ phiếu SHB sang đầu tư dài hạn (nằm ở khoản mục AFS) nên không phản ánh vào báo cáo tài chính năm nay.

Đại diện Agriseco gần đây cũng ước tính lợi trước thuế 6 tháng đạt trong khoảng 160 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với mức 53 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020, thậm chí đã vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm 2021.

Mục tiêu của Agriseco trong nửa cuối năm hướng đến tăng trưởng trên mọi mặt kinh doanh. Với khoản lỗ lũy kế còn 263 tỷ đồng cuối năm ngoái, ban lãnh đạo công ty khẳng định quyết tâm xóa phần lỗ lũy kế trong thời gian tới.

Ban lãnh đạo Chứng khoán VIX thì dự kiến lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt khoảng 500 tỷ đồng, gấp gần 9 lần cùng kỳ và là lợi nhuận bán niên cao kỷ lục. Theo đó công ty đã hoàn thành hơn 70% kế hoạch năm 2021.

CTCK tang von,  co phieu nganh chung khoan,  CTCK lai khung anh 1

Cổ phiếu chứng khoán tăng vượt trội so với VN-Index. Đồ thị: TradingView.

Lợi nhuận sơ bộ của các công ty chứng khoán đang cho thấy mức tăng trưởng bằng lần, ghi nhận các con số kỷ lục. Triển vọng tăng trưởng cao giúp nhiều cổ phiếu cũng tăng trên 100% như ORS, VDS, FTS, MBS…, hay tăng trên 200% như EVS, APS. Cổ phiếu các công ty có thị phần lớn cũng có mức tăng 50-100% kể từ đầu năm.

Theo một báo cáo gần đây, SSI Research đánh giá tăng trưởng điểm số của VN-Index đã đưa định giá thị trường lên hơn 19 lần. Nhóm chuyên gia cho rằng định giá này phản ánh một phần mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực của doanh nghiệp trong quý II và nửa đầu năm.

Hưởng lợi từ thanh khoản kỷ lục

Nguồn thu chủ lực của các CTCK hiện nay đến từ 3 mảng chính là phí môi giới, lãi từ cho vay ký quỹ (margin) và các hoạt động tự doanh. Bên cạnh đó còn thêm các nguồn từ phí tư vấn cấu trúc M&A, deal…

“Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các nhà đầu tư mới, từ đó cho thấy 3 nguồn thu chính của CTCK đều tăng vọt. Nhóm công ty có biên lợi nhuận gộp cao nhờ tập trung vào nhóm nhà đầu tư mới và hãm được chi phí môi giới sẽ có nguồn thu nhập rất tốt”, ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc môi giới hội sở của Mirae Asset Việt Nam nhận định.

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, lượng tài khoản chứng khoán mở mới từ đầu năm đạt hơn 620.000 đơn vị, cao hơn đến 58% so với cả năm 2020. Tổng số lượng tài khoản ghi nhận gần 3,4 triệu đơn vị, chiếm khoảng 3,3% dân số.

Nhà đầu tư mới tham gia thị trường đang giúp cho thanh khoản tăng lên mức cao mới. Thanh khoản bình quân trong tháng 6 tại HoSE tăng lên mức kỷ lục gần 23.680 tỷ đồng/phiên, tăng 5% so với tháng trước và bỏ xa mức 6.200 tỷ đồng của năm 2020.

Các CTCK thu phí giao dịch khoảng 0,1%-0,25% giá trị giao dịch, ngoại trừ một số đơn vị có mức thu rất thấp hoặc thậm chí là miễn phí. Dù tỷ lệ thu phí có xu hướng giảm, nhờ thanh khoản chung tăng mạnh, thu nhập từ phí môi giới của các nhà môi giới này sẽ tăng mạnh.

“Giá trị giao dịch trên thị trường hiện đã gấp 4-5 lần trước đây cho thấy phí giao dịch chứng khoán sẽ tăng trương ứng. Tùy mỗi công ty sẽ có mức phí khác nhau nhưng nguồn thu cũng sẽ tăng gấp 3-4 lần”, ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cao cấp Chứng khoán KIS Việt Nam – dự báo.

THANH KHOẢN BÌNH QUÂN TẠI HOSE
Nhãn Năm 2019 Năm 2020 T1/2021 T2/2021 T3/2021 T4/2021 T5/2021 T6/2021
Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên Tỷ đồng 3915 6190 16795 13882 15397 18345 21936 23697

Bên cạnh thu phí môi giới, hoạt động margin và tự doanh cũng được kỳ vọng mang lại nguồn thu lớn. Với mặt bằng giá cổ phiếu lên ở mức cao khi VN-Index giao dịch tại vùng đỉnh lịch sử cuối tháng 6, mảng tự doanh các công ty chứng khoán có triển vọng rất tích cực nhờ ghi nhận lãi từ việc bán hoặc đánh giá lại các tài sản này vào cuối quý II.

CTCK cũng được kỳ vọng tăng trưởng cao tại mảng cho vay margin khi tổng nguồn vốn cho vay toàn thị trường đã đạt 112.100 tỷ đồng tại cuối tháng 5, tăng 39% so với thời điểm đầu năm và một số công ty đã chạm trần cho vay. Các công ty môi giới hưởng lợi nhất khi đang cho các nhà đầu tư chứng khoán vay với lai suất dao động khoảng 9-14%/năm.

Đồng loạt tăng vốn

Ông Trương Hiền Phương nhận định tổng dư nợ margin toàn thị trường đang rất lớn, các công ty đang chạy hết công suất và một số đã chạm ngưỡng cho vay tối đa 2 lần trên vốn chủ sở hữu. Do vậy, hầu hết CTCK đã hoặc đang chuẩn bị tăng vốn, cho thấy họ đang đón nhận thị trường rất tích cực.

Việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu sẽ giúp tăng vốn chủ sở hữu, qua đó giúp các công ty mở rộng được nguồn vốn cho vay trên thị trường chứng khoán và tiếp tục thu lợi từ hoạt động này.

CTCK tang von,  co phieu nganh chung khoan,  CTCK lai khung anh 2

CTCK đang ráo riết tăng vốn để kịp đáp ứng nhu cầu mới của thị trường. Ảnh: Việt Linh.

Thực tế hàng loạt công ty ráo riết tăng vốn để kịp đáp ứng nhu cầu mới. Như Chứng khoán MB (MBS) vừa hoàn tất chào bán hơn 70,4 triệu cổ phiếu ra công chúng theo tỷ lệ 43%. Giá thực hiện là 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị thu về gần 1.033 tỷ đồng dùng để bổ sung nguồn lực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh margin, phát triển hệ thống công nghệ thông tin.

Chứng khoán VNDirect (VND) cũng vừa chốt danh sách cổ đông để chào bán là 214,5 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 100%. Giá chào bán dự kiến 14.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền thu về 3.110 tỷ đồng nhằm tăng năng lực cho vay margin, tự doanh và bảo lãnh phát hành chứng khoán.

HĐQT Chứng khoán SSI mới đây thông qua việc triển khai phát hành cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 6:2 và chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 6:1, tương ứng tổng khối lượng hơn 219 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu dự kiến là 10.000 đồng/cổ phần, tương đương giá trị huy động 1.096 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền SSI thu được sẽ bổ sung vốn kinh doanh nhằm nâng cao năng lực bảo lãnh phát hành, năng lực đầu tư và năng lực cho vay giao dịch ký quỹ.

Chứng khoán Tiên Phong (ORS) vừa nhận được giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng với khối lượng phát hành 100 triệu đơn vị, tỷ lệ 100%. Với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, doanh nghiệp có thể huy động 1.000 tỷ đồng dùng để bổ sung nguồn lực cho hoạt động tự doanh và hoạt động khác.

Cổ đông Chứng khoán TP HCM (HCM) đã thông qua triển khai phát hành hơn 152,5 triệu cổ phiếu với giá 14.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với lượng vốn huy động 2.135 tỷ đồng. Công ty có kế hoạch dùng để bổ sung vốn cho vay giao dịch ký quỹ, hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán và hoạt động tự doanh.

Hay như Chứng khoán Đà Nẵng (DSC) sẽ chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, tăng vốn điều lệ tăng từ 60 tỷ lên 1.000 tỷ đồng, dự thu 940 tỷ đồng. Công ty quyết định sẽ bổ sung các nghiệp vụ kinh doanh mới là tự doanh chứng khoán và nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán.

Ông Huỳnh Minh Tuấn đánh giá đây là thởi điểm tốt và thuận lợi nhất trong 10 năm qua để doanh nghiệp huy động vốn từ kênh chứng khoán, nhờ những yếu tố ủng hộ như thanh khoản, tâm lý đầu tư và mức độ tăng trưởng lợi nhuận cao của một số ngành nghề đặc thù (ngân hàng, chứng khoán, bất động sản hay vật liệu xây dựng)… Nguồn vốn tăng thêm này đã bắt đầu được đưa vào thị trường từ tháng 7.

Chứng khoán biến động mạnh, F0 cần làm gì?

Nhà đầu tư cá nhân rất dễ bị dẫn dắt bởi tâm lý đám đông, do đó chuyên gia khuyến nghị nên cố gắng bình tĩnh và xử lý thông tin, không nên hành động quá nhanh.

Theo: Zing News

Posted on Tháng Bảy 11, 2021 in Tin tức

Share the Story

Back to Top