Ngân hàng Nhà nước khẳng định nguyên nhân dẫn đến tình trạng xăng dầu khan hiếm trong năm 2022 không phải do hạn mức cấp tín dụng, lãi suất vay hay nguồn cung ngoại tệ.
Đến tháng 12/2022, hạn mức tín dụng chưa sử dụng của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu là hơn 96.000 tỷ đồng. Ảnh: Phạm Thắng. |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình gửi tới sau Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Liên quan đến đề nghị NHNN có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi và nguồn ngoại tệ, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu là đối tượng được NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại quan tâm, ưu tiên cấp tín dụng.
“Đặc biệt từ tháng 3/2022, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn, tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu”, NHNN cho biết.
Cơ quan này khẳng định các ngân hàng báo cáo đều dành hạn mức tín dụng cấp đủ cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu với lãi suất ưu đãi và cung cấp đủ nguồn ngoại tệ để các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này.
Dẫn số liệu của 27 ngân hàng thương mại, đến tháng 12/2022, tổng hạn mức 27 ngân hàng cấp cho 34 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu là 171.429 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng là 75.376 tỷ đồng, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa sử dụng hết hạn mức các ngân hàng thương mại cấp là 96.053 tỷ đồng (khoảng 56% tổng hạn mức được các ngân hàng cấp).
Mức lãi suất cấp cho doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thường có ưu đãi so với thị trường, mức cho vay ngắn hạn bằng VND trong khoảng 5,3-9%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn khoảng 9,4-10,5%/năm và lãi suất cho vay bằng ngoại tệ dao động 2,1-4,5%/năm.
“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thị trường xăng dầu khan hiếm do ảnh hưởng của diễn biến bất thường từ thị trường xăng dầu thế giới, nhiều doanh nghiệp xăng dầu hoạt động kinh doanh không hiệu quả, bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động và nhập khẩu cầm chừng”, NHNN nhìn nhận.
Ngoài ra, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết các doanh nghiệp xăng dầu còn gặp khó khăn do các quy định liên quan đến định mức về chi phí nhập khẩu xăng dầu, công thức tính giá cơ sở chưa phù hợp… chứ không phải do hạn mức cấp tín dụng, lãi suất vay hay nguồn cung ngoại tệ của các ngân hàng thương mại.
Năm 2022, tình trạng dừng bán hàng ở nhiều cây xăng xảy ra trên diện rộng, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM. Nhiều thương nhân đầu mối xăng dầu cho biết không có nguồn xăng để nhập hàng, một số khác thì nói rằng càng bán, càng lỗ.
Tháng 10/2022, trong phiên thảo luận về kinh tế – xã hội, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết ngoài nguyên nhân khách quan từ thế giới như biến động tỷ giá, đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, còn nguyên nhân chủ quan trong nước do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó tiếp cận vốn và bảo lãnh tín dụng của ngân hàng.
“Room tín dụng đã hẹp, điều kiện vay thanh khoản lại khó khăn, tỷ giá ngoại tệ để nhập khẩu hàng thay đổi liên tục, biên độ giá dao động lớn vì thế rủi ro rất cao cho các doanh nghiệp”, ông Diên nói.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về doanh nhân, câu chuyện kinh doanh, khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, kinh nghiệm quản trị… tại Tủ sách doanh nhân. Những cuốn sách được chia sẻ bởi các doanh nhân nổi tiếng thế giới như Bill Gate, Warren Buffett, Elon Musk…
Giá xăng dầu ngày mai có thể giảm hơn 1.000 đồng/lítTrong tuần qua, do giá dầu thô quay đầu giảm nên doanh nghiệp dự báo giá xăng dầu trong nước có thể giảm 450-1.050 đồng/lít trong kỳ điều hành ngày mai. |
Nhiều chủ cây xăng tiếp tục kiến nghị Thủ tướng đòi quyền lợiDo Thông tư 104 không phân chia tỷ lệ chi phí kinh doanh ở 2 khâu nên doanh nghiệp bán lẻ cho rằng doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẽ hở để hưởng hết phần chi phí này. |
34 doanh nghiệp xăng dầu
Warren Buffett
xăng dầu
hạn mức tín dụng
tín dụng xăng dầu
ngân hàng
lãi suất
xăng dầu đầu mối
Theo: Zing News
Comments are closed.