Chiều 21/11, trong chuyến làm việc tại Việt Nam, bà Hooi Ling Tan, người đồng sáng lập của Grab tiết lộ số thuế mà Grab nộp tại Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 10 khoảng 140 tỷ đồng. Vị này nhấn mạnh Grab thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế để hỗ trợ Nhà nước phát triển hạ tầng công cộng, các dịch vụ công và phúc lợi xã hội.
Bà Tan cũng tiết lộ thời gian đặt xe Grab nhiều nhất tại 2 thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM. Tại Hà Nội, thời gian đặt xe nhiều nhất là khoảng 17-18h ngày thứ 6 hàng tuần. Trong khi đó, tại TP.HCM, thời gian đặt xe nhiều nhất là 17-18h ngày thứ bảy. Theo đó, Grab liên tục giúp cho việc giảm gia tăng phương tiện cá nhân, hạn chế ùn tắc tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trao đổi với Zing.vn, ông Đặng Duy Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế, ngay lập tức lên tiếng bác bỏ con số 140 tỷ mà lãnh đạo Grab đưa ra và cho rằng con số đó không có cơ sở.
“Số thuế của Grab chúng tôi đã công bố chỉ khoảng vài tỷ thôi, chứ không thể lên tới 140 tỷ đồng”, ông Khanh nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 27/10, Tổng cục Thuế từng cho biết cả Grab và Uber đều lỗ khi hoạt động tại Việt Nam. Theo đó, Grab có vốn pháp định 20 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế hơn 938 tỷ đồng kể từ khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vào tháng 2/2014 tới nay.
Ngoài ra, theo báo cáo tài chính của Grab, tổng doanh thu 3 năm 2014-2016 là 1.755 tỷ, số thuế đã kê khai và nộp là hơn 9,5 tỷ. Trong khi đó, Cục Thuế TP HCM từng tiến hành thanh tra pháp luật thuế 3 năm tại Grab. Kết quả đã xử lý vi phạm sau thanh tra gần 3 tỷ đồng, trong đó truy thu thuế xấp xỉ 2,3 tỷ.
Có nhiều nghi vấn về việc Grab trốn thuế ở Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng. |
Tuyên bố về số tiền thuế mà Grab nộp tại Việt Nam đưa ra trong bối cảnh có nhiều nghi vấn về việc doanh nghiệp này có dấu hiệu mập mờ về tiền thuế, thậm chí có nghi vấn trốn thuế.
Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng từng nghi vấn việc Grab trốn thuế tại Việt Nam khi cho rằng năm 2016, Công ty TNHH Grab đạt doanh thu 192 tỷ đồng, báo lỗ 443 tỷ đồng vì kinh doanh lỗ.
Theo đó, Grab Việt Nam không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tổng số thuế của Grab năm 2016 (bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế môn bài) nộp cho ngân sách nhà nước là 5,8 tỷ đồng.
Trước thông tin này, một đại diện Grab Việt Nam phải lên tiếng khẳng thông tin và số liệu của Hiệp hội Taxi Hà Nội là sai lệch hoàn toàn. Vị này tiết lộ vệc đóng góp nghĩa vụ thuế vào Ngân sách Nhà nước của Grab Việt Nam luôn tăng trưởng gần 300% mỗi năm.
Việc nghi vấn Grab trốn thuế cũng được đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 16/11.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp, ông Phạm Văn Hòa, phản ánh có sự thông đồng giữa người nộp thuế với cán bộ thuế, nhằm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn trả lại. Vị này cho biết với tình trạng trên khiến cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trở nên tiêu cực, mất cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng tỏ ra nghi vấn về trường hợp Grab vốn điều lệ 20 tỷ nhưng sau 3 năm báo lỗ 938 tỷ đồng. Vị này cho rằng báo lỗ cũng có thể là trốn thuế.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết liên quan đến việc kiểm soát thuế đối với Uber, Grab, Luật quản lý thuế đang được hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền. Bộ trưởng cũng cung cấp trong thời gian qua, Uber, Grab cũng đã tự động kê khai doanh thu, kê khai thuế. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra cũng đã phát hiện ra và truy thu được số thuế của hai đơn vị này.
-
Grab
Grab (trước đây gọi là GrabTaxi) là công ty công nghệ cung cấp dịch vụ vận chuyển và đi lại tại Malaysia, Singapore và các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Grab hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ tương tự Uber. Mặc dù ban đầu hoạt động với xe ôtô giống Uber tại Malaysia và Singapore, để phù hợp với tình trạng kẹt xe ở nhiều thành phố, Grab đã triển khai thêm dịch vụ GrabBike với phương tiện là xe gắn máy tại Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.
Bạn có biết: TP. Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên Grab triển khai thử nghiệm dịch vụ GrabBike vào tháng 11/2014
- Thành lập: 2012
- Người sáng lập: Anthony Tan, Tan Hooi Ling
- Trụ sở chính: Singapore
Comments are closed.