Phản hồi khẳng định của đại diện Bộ Tài chính về việc Grab sau khi mua lại mảng hoạt động kinh doanh của Uber phải trả khoản thuế mà Uber đang nợ ngành thuế, chiều 5/4, Grab Việt Nam nói hãng này không có liên quan đến nợ của Uber. Việc nợ thuế là vấn đề thuộc về trách nhiệm của Uber, hoàn toàn không liên quan đến Grab.
“Grab không mua lại tư cách pháp nhân của Uber tại Việt Nam, do đó Uber phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý giải quyết các vấn đề về nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế”, phía Grab nói.
Grab cho rằng không có trách nhiệm với khoản nợ thuế của Uber tại Việt Nam sau khi sáp nhập. Ảnh: HC. |
Trước đó, ngày 2/4, trao đổi về việc Uber vẫn chưa giải quyết hết các khoản nợ thuế trước khi dừng hoạt động, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nói: “Grab phải có nghĩa vụ với khoản nợ này. Các nghĩa vụ của doanh nghiệp sáp nhập thì doanh nghiệp mới thừa kế phải chịu trách nhiệm đó”.
Hiện tại, Uber đã thông báo đến đối tác, khách hàng việc chấm dứt hoạt động tại Việt Nam từ 8/4, song vẫn đang nợ khoản thuế 53,3 tỷ đồng tại Cục Thuế TP.HCM. Cơ quan thuế đã nhiều lần có văn bản đòi nợ, thậm chí có biện pháp mạnh nhưng vẫn chưa thu hồi được.
Chiều 5/4, trả lời Zing.vn, ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết khoản nợ thuế 53,3 tỷ đồng Uber vẫn chưa trả.
Về trách nhiệm trả nợ sau khi Uber sáp nhập vào Grab, ông Bình nói trên nguyên tắc khi nhận chuyển nhượng thì toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ liên quan sẽ được kế thừa, kể cả các nghĩa vụ với chủ nợ, trong đó có cả nợ ngân sách Nhà nước.
“Với thương vụ của Grab và Uber, chúng tôi cũng phải xem lại hợp đồng của họ có những điều khoản ràng buộc nào đối với các bên liên quan hay không? Trong trường hợp này, bên nào trả sẽ tùy thuộc vào hợp đồng chuyển nhượng quy định ai sẽ là người trả khoản thuế này”, ông Bình nói.
Ông Bình thông tin thêm dù cơ quan thuế đã có văn bản gửi đến Grab, đề nghị báo cáo việc sáp nhập, cơ quan này vẫn chưa nhận phản hồi từ Grab. Cơ quan thuế đang chờ báo cáo chính thức từ Grab, nên vẫn chưa có phương án xử lý cụ thể.
Riêng về khoản thuế chuyển nhượng thì đây là thương vụ của cả khu vực, nên sẽ phải xem xét lại giá trị của mỗi thị trường ra sao, để tính toán.
“Tất nhiên khi trả tiền cho Uber thì Gab cần phải khấu trừ khoản thuế này. Sau khi hoàn tất thương vụ Uber cũng sẽ phải báo cáo, kê khai và hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với từng quốc gia, nơi từng hoạt động”, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM nói.
Thương vụ Grab mua Uber ở Đông Nam Á có thể bị hủy bỏSau thông báo mua lại toàn bộ mảng hoạt động tại Đông Nam Á của Uber, Grab được cho là đang gặp khó trong bước đi tiếp theo, và đứng trước khả năng phải hủy vụ sáp nhập này. |
-
Grab
Grab (trước đây gọi là GrabTaxi) là công ty công nghệ cung cấp dịch vụ vận chuyển và đi lại tại Malaysia, Singapore và các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Grab hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ tương tự Uber. Mặc dù ban đầu hoạt động với xe ôtô giống Uber tại Malaysia và Singapore, để phù hợp với tình trạng kẹt xe ở nhiều thành phố, Grab đã triển khai thêm dịch vụ GrabBike với phương tiện là xe gắn máy tại Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.
Bạn có biết: TP. Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên Grab triển khai thử nghiệm dịch vụ GrabBike vào tháng 11/2014
- Thành lập: 2012
- Người sáng lập: Anthony Tan, Tan Hooi Ling
- Trụ sở chính: Singapore
-
Uber
Uber là một công ty kinh doanh mạng lưới giao thông vận tải và công ty taxi dựa trên ứng dụng di động có trụ sở tại Mỹ và hoạt động tại các thành phố ở nhiều nước. Công ty sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh để nhận được yêu cầu đi xe, và sau đó sẽ gửi các yêu cầu đi đến lái xe. Khách hàng sử dụng các ứng dụng yêu cầu xe đón và theo dõi vị trí chiếc xe dành riêng của mình. Uber được cho là công ty tiên phong của nền kinh tế chia sẻ.
Bạn có biết: Tên “Uber” bắt nguồn từ chữ phổ biến và là tiến lóng “uber”, có nghĩa là “cao nhất” hoặc “siêu”. Từ ngày có nguồn gốc từ tiếng Đức, “über”, có nghĩa là “ở trên”.
- Thành lập: 3/2009
- Người sáng lập: Travis Kalanick, Garrett Camp
- Trụ sở: San Francisco, California (Mỹ)
Comments are closed.