Grab vừa công bố sẽ nhận thêm 1,46 tỷ USD từ quỹ đầu tư Vision. Đây là một quỹ con thuộc sở hữu của SoftBank, quỹ đầu tư của tỷ phú Masayoshi Son.
Như vậy, trong vòng gọi vốn series H hiện tại, Grab đã huy động được tổng cộng hơn 4,5 tỷ USD.
Đại diện Grab cho biết sẽ sử dụng số vốn này để tiếp tục phát triển chiến lược siêu ứng dụng tại Đông Nam Á. Cụ thể, ngoài việc mở rộng các lĩnh vực kinh doanh hiện tại như gọi xe, giao hàng, giao thức ăn, thanh toán di động, Grab có kế hoạch công bố thêm nhiều dịch vụ mới trong năm nay như xem video theo yêu cầu, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm hay đặt phòng khách sạn.
Đặc biệt, Grab sẽ đầu tư một phần đáng kể trong số vốn vừa huy động được vào thị trường Indonesia, quốc gia đông dân và có quy mô nền kinh tế lớn nhất khu vực. Đây chính là sân nhà của đối thủ lớn nhất của Grab hiện tại, Go-Jek. Tháng 8/2018, Grab đã công bố sẽ đầu tư 250 triệu USD vào các startup ở Indonesia có khả năng tích hợp vào nền tảng của mình như một động thái để cạnh tranh với Go-Jek.
Grab quyết thắng Go-Jek trên chính sân nhà Indonesia của đối thủ. Ảnh: Nikkei. |
Grab tuyên bố đang dẫn đầu thị trường gọi xe tại Indonesia với 60% thị phần đặt xe hai bánh và 70% thị phần đặt ôtô. Đây không phải là lần đầu tiên, Grab khẳng định đang nắm ưu thế tại thị trường gọi xe. Cách đây hơn 6 tháng, Grab từng tuyên bố đang chiếm 65% thị phần gọi xe ở Indonesia.
Tuy nhiên, đầu tháng 9/2018, tờ Republika của Indonesia dẫn lời đại diện Ủy ban Giám sát Cạnh tranh trong Kinh doanh của nước này khẳng định Go-Jek mới là “vua” tại thị trường Indonesia với 79% thị phần gọi xe. Con số của Grab chỉ là 21% thị phần sau khi mua lại Uber.
Trên khía cạnh huy động vốn đầu tư, Go-Jek cũng không hề kém cạnh Grab khi vừa hoàn thành vòng gọi vốn series F với các nhà đầu tư gồm Alphabet, công ty mẹ của Google; sàn thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc; Tencent, Mitsubishi và quỹ Provident Capital. Theo Reuters, tổng số tiền Go-Jek nhận được trong lần gọi vốn này có thể lên tới 1 tỷ USD.
Go-Jek cũng đang ráo riết mở rộng tại các nước Đông Nam Á và sẽ đầu tư số vốn trên để tăng tốc hoạt động kinh doanh tại những thị trường mới thâm nhập trong năm 2018 như Việt Nam, Thái Lan, Singapore và thâm nhập thị trường sâu hơn tại chính sân nhà Indonesia.
Tại Việt Nam, Grab và Go-Viet, “đứa con đẻ” của Go-Jek cũng đang cạnh tranh quyết liệt. The Jakarta Post dẫn lời đại diện Go-Jek cho biết Go-Viet chiếm 40% thị phần gọi xe hai bánh tại Việt Nam sau 3 tháng hoạt động từ tháng 8/2018.
Tại Việt Nam, Go-Viet và Grab cũng đang so kè quyết liệt. Ảnh: Phúc Minh. |
Trong khi đó, Grab mới đây lần đầu tiết lộ số tiền đầu tư của hãng vào thị trường Việt Nam. Theo đó, Grab đã đổ vào Việt Nam hơn 100 triệu USD từ khi có mặt trên thị trường vào năm 2014. Tuy nhiên, Grab không đưa ra thống kê về doanh thu hay lợi nhuận. Hãng chỉ công bố số lượng chuyến xe trong năm 2018 tăng trưởng ổn định ở mức 2 chữ số so với cùng kỳ năm trước.
Theo: Zing News
Comments are closed.