Giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt khó

Doanh nghiệp vừa và nhỏ mong được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phục hồi sản xuất. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Agribank.

Dịch Covid-19 đã làm hàng nghìn doanh nghiệp (DN), nhất là các DN vừa và nhỏ (DN SME) gặp khó về vốn, dòng tiền gián đoạn… Nhằm hỗ trợ DN, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN tái khởi động.

Vui mừng khi vay được gần một tỷ đồng để vực lại cơ sở mây tre lá, chị Lê Thị Thơm, 45 tuổi (huyện Củ Chi) cho biết: “Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, chúng tôi ký được nhiều đơn hàng gia công. Tuy nhiên, để có tiền mua nguyên liệu, thuê nhân công… tôi đánh liều đến ngân hàng hỏi vay. Ngay lập tức, chúng tôi được giải ngân ngay số vốn cần có với mức lãi suất ưu đãi bất ngờ chỉ 4,5%/năm và không yêu cầu chứng minh tài sản. Nhờ đó, chúng tôi có điều kiện hồi phục lại sản xuất, vực dậy kinh tế sau gần cả năm “ngủ đông” do dịch bệnh”. Còn Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group Nguyễn Ðình Tùng bộc bạch: “Ngân hàng giảm lãi vay cho DN ngay thời điểm khó khăn này là mừng rồi”. Ðược biết, do công ty chuyên hoạt động xuất nhập khẩu, nên được vay vốn từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi hơn, từ 5,5 đến 6,5%/năm, giảm khoảng 1% so với đầu năm 2020. Nếu vay USD thì lãi suất ổn định từ khoảng 2,8 đến 3%/năm (DN xuất khẩu khi có nguồn thu ngoại tệ sẽ cam kết bán lại cho ngân hàng nên được cho vay ngoại tệ).

Gần đây, hàng loạt ngân hàng đã tung các gói giảm lãi suất vay ưu đãi cho mọi đối tượng khách hàng là DN SME. “Mở hàng” ngay sau Tết Nguyên đán là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank khi ngân hàng này giảm tới 1%/năm lãi suất cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới trong ba tháng đối với DN. Khách hàng cá nhân cũng được giảm lãi suất 0,2%/năm khi vay vốn sản xuất, kinh doanh. Dự kiến, tổng số khách hàng được giảm lãi suất lần này khoảng 105.000 khách với quy mô tín dụng 350.000 tỷ đồng, chiếm hơn 40% dư nợ của Vietcombank. Lãnh đạo Vietcombank cho biết, đây là lần thứ sáu liên tiếp ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng cá nhân và DN giảm bớt khó khăn trong đại dịch Covid-19. Mới đây, Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh – HDBank cũng thông tin, từ nay đến hết năm 2021, tiếp tục chương trình “Chung tay chia sẻ – Vững bền vượt qua”, HDBank ban hành chính sách tự động giảm lãi suất cho vay đến 4,5% cho khách hàng cá nhân và DN siêu nhỏ mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải. Bên cạnh đó, ngân hàng này còn ưu đãi lãi vay cho các hộ kinh doanh, DN siêu nhỏ khi thuê mặt bằng. Còn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Vietinbank gia hạn chương trình “Vay ưu đãi, lãi tri ân” đến ngày 30-6 năm nay, hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay dồi dào với mức ưu đãi lãi suất hấp dẫn. Nhà băng này cũng tăng quy mô gói cho vay ưu đãi lãi suất trung, dài hạn lên đến 50.000 tỷ đồng, thời gian ưu đãi lên tới 36 tháng. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Phương Ðông – OCB triển khai nhiều chương trình ưu đãi về vay vốn và dịch vụ tài chính dành cho DN siêu nhỏ, DN SME do phụ nữ làm chủ và các DN trẻ.

Chủ tịch Hội Cao-su – Nhựa TP Hồ Chí Minh Nguyễn Quốc Anh cho biết: Tình hình tiêu thụ sản phẩm của các DN trong ngành này vẫn khá ổn định. Ngay từ những tháng đầu năm 2021, nhiều DN trong Hội đã có đơn hàng đến hết quý I – 2021. Ðây được xem là tín hiệu tốt trong bối cảnh thị trường thế giới vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, các DN lại bị ảnh hưởng gián tiếp do khách hàng thanh toán chậm dẫn đến dòng tiền bị gián đoạn. Vì thế, DN rất cần hỗ trợ vốn ưu đãi để duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh. Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận: Các DN rất lao đao trong lúc này, nhất là các DN ở lĩnh vực du lịch, khách sạn… Ðể kéo giảm lãi vay, cần có một tổ hợp tín dụng đi kèm với bảo lãnh tín dụng. Theo đó, các ngân hàng cùng tham gia vào tổ hợp này tùy vào khả năng từng ngân hàng mà đóng góp vốn. Gói vốn cho tổ hợp tín dụng nên ở mức 300.000 tỷ đồng và cho vay tín chấp với lãi suất 3 đến 5%. Tuy nhiên, cho vay tín chấp sẽ có rủi ro nên phải có thêm cơ chế quỹ bảo lãnh tín dụng. “Ðơn vị nhận gói vay này nên để kỳ hạn vay 5 năm nhằm giúp hồi phục và tăng trưởng sau thời gian dịch bệnh. Bằng cách này, lãi vay thấp sẽ lan tỏa đến cả các DN nhỏ và siêu nhỏ, những thực thể bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh trong khi khó có đủ tài sản có giá trị để thế chấp vay tín dụng” – ông Hiếu đề xuất.

Trao đổi với báo chí đầu năm 2021 tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Ðào Minh Tú khẳng định: Thời gian qua, các ngân hàng hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 cũng chính là hỗ trợ các ngân hàng trong sử dụng hiệu quả nguồn vốn, bảo đảm lợi nhuận, giảm áp lực nợ xấu, giảm chi phí và trích lập dự phòng rủi ro, mở rộng quy mô và tăng lợi nhuận. Vì vậy, trong năm 2021, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng không hạ chuẩn cho vay, bảo đảm chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng. NHNN tiếp tục điều hành theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Bài và ảnh: PHƯƠNG VY

Posted on Tháng Ba 12, 2021 in Tin tức

Share the Story

Back to Top