Túng thiếu và nợ nần vì “cà thẻ” quá độ, 36 triệu thanh niên Trung Quốc chật vật học cách sống tiết kiệm khi không thể tiếp tục vay tín dụng trực tuyến.
Mặc dù cùng lúc làm thêm ba công việc, Rachel Chen, một sinh viên ở tỉnh Tứ Xuyên, vẫn không thể xoay sở trả hết khoản nợ của mình. Ở tuổi 21, cô sinh viên vay gần 50.000 nhân dân tệ (7.630 USD) từ các nền tảng cho vay trực tuyến.
“Tôi vay từ bên này để trả cho bên kia để tránh vỡ nợ, nhưng giờ không thể vay thêm nữa”, Chen nói. “Tôi phải nói thật với bố mẹ mình, nhưng bố mẹ chỉ giúp trả được một nửa số nợ thôi. Giờ tôi phải tìm cách trả hết phần còn lại”, cô kể.
Ba công việc bán thời gian của Chen giúp cô kiếm được khoảng 2.000 nhân dân tệ/tháng (khoảng 7 triệu đồng). Tuy nhiên, tiền nợ phải trả mỗi tháng của Chen lên tới 5.000 NDT (17,6 triệu đồng). Cô sinh viên điều kiện tài chính chưa ổn định tuyệt vọng khi không còn đường nào xoay sở món nợ khổng lồ.
Sống dựa vào các khoản vay tín dụng
Theo Bloomberg, tháng trước, giới chức Bắc Kinh đã siết chặt hoạt động cho vay tín dụng không được kiểm soát của nhiều tổ chức tài chính, ví dụ như Ant Group của tỷ phú Jack Ma. Các sinh viên không còn khả năng tiếp cận ngành công nghiệp cho vay trực tuyến từng rất phổ biến tại Trung Quốc nữa.
Các nền tảng cho vay này bị buộc ngừng cung cấp các khoản vay trực tuyến cho sinh viên, đồng thời rút bớt tín dụng hiện có. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần có chấp thuận trước khi cho sinh viên đại học vay tiền.
Cơ quan quản lý ở Trung Quốc đã siết chặt ngành tín dụng trực tuyến để hạn chế gia tăng nợ nần ở đối tượng trẻ tuổi của nước này. Ảnh: Caixin. |
Động thái này vừa là một phần của nỗ lực hạn chế toàn ngành fintech, vừa để ngăn chặn các bên cho vay nhắm đến đối tượng sinh viên đại học trẻ tuổi.
Các khoản vay trực tuyến ngắn hạn dễ dàng này có lãi suất hàng năm lên tới 15-24%, một mức lãi suất gần như khiến sinh viên không chi trả nổi. Trong vài năm gần đây, truyền thông địa phương Trung Quốc liên tục đưa tin hàng loạt vụ việc đe dọa đòi nợ, thậm chí ép nạn nhân bán dâm để trả nợ liên quan đến hình thức cho vay này.
Tuy nhiên, việc đột ngột cắt tín dụng khiến nhiều sinh viên sống lệ thuộc vào tín dụng không kịp xoay sở. Thậm chí, với cả những người đã tốt nghiệp và có thu nhập ổn định, việc thắt chặt tín dụng của chính quyền Bắc Kinh cũng khiến họ khổ sở vì những món nợ trong quá khứ.
Chi tiêu không lường trước hậu quả
Chị Zhang Chunzi, 25 tuổi, làm việc tại một công ty thương mại ở Hàng Châu, vẫn còn nợ 150.000 NDT (23.000 USD) từ hàng chục nền tảng cho vay trực tuyến khác nhau, trong đó có dịch vụ Jiebei của Ant Group. Trong quá khứ, việc vay tín dụng từ những nền tảng này rất dễ dàng khiến nhiều người trẻ Trung Quốc chi tiêu vô tội vạ mà không lường trước hậu quả về sau.
Công việc của Zhang kiếm được 6.000 NDT/tháng (917 USD), không đủ để chi tiêu và trả nợ. “Tôi nhận được các cuộc gọi và tin nhắn đòi nợ hầu như mỗi ngày”, Zhang nói.
Cô cho biết gần như mọi nỗ lực thương lượng để giảm lãi suất đều bị từ chối, thậm chí nhân viên đòi nợ còn gọi cho sếp của Zhang. “Rất đáng sợ”, Zhang buồn bã.
Nhiều người trẻ tuổi Trung Quốc vay tiền chi tiêu vào vui chơi, quần áo, mỹ phẩm. Ảnh: Bloomberg. |
Zhang không phải người duy nhất rơi vào vòng xoáy nợ nần như vậy. Ngay cả trước khi những hạn chế về cho vay trực tuyến được áp dụng, các nhóm cho sinh viên và người trẻ tuổi vay nợ ở Trung Quốc đã là một vấn đề đáng quan ngại lên trên mạng xã hội.
Một nhóm gọi là “Liên minh những người mắc nợ” gần 41.000 thành viên trên nền tảng đánh giá Douban chứng kiến số lượng thành viên tăng hơn gấp đôi trong bối cảnh đại dịch. Ở đây, nhiều bạn trẻ Trung Quốc chia sẻ các mẹo đối phó với các cuộc gọi đe dọa từ chủ nợ cho đến cách xoa dịu sự lo lắng và cảm giác tội lỗi của những người lỡ tay “quẹt thẻ” quá nhiều.
Tôi nhận được các cuộc gọi và tin nhắn đòi nợ hầu như mỗi ngày. Họ còn gọi cho ông chủ của tôi. Rất đáng sợ.
Zhang Chunzi, một người vay nợ trên các nền tảng cho vay trực tuyến
Nhiều người ân hận đã vay số tiền lớn trên các kênh tín dụng trực tuyến. Thế hệ Z (sinh từ năm 1996 đến 2010) lớn lên trong thời đại kinh tế mở rộng nhanh chóng với kỳ vọng cao về mức lương béo bở. Theo nghiên cứu của McKinsey & Co., so với những người đồng trang lứa ở nước ngoài và các thế hệ trước đây, người trẻ Trung Quốc có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, thậm chí vượt quá khả năng chi trả của mình.
Vì vậy, đối tượng trẻ tuổi trở thành mục tiêu nhắm đến của các công ty cho vay tín dụng và là động cơ tăng trưởng tiêu dùng nội địa trong thời đại mới. Ngành tín dụng trực tuyến bùng nổ từ đó. Tín dụng đơn giản được quảng bá khắp mọi nơi, từ các trang mạng xã hội đến những nền tảng thương mại điện tử.
Tình huống tiến thoái lưỡng nan của giới trẻ
Sự dễ dàng tiếp cận các khoản tín dụng và lời khuyên “còn trẻ mà, cứ tiêu đi” khiến giới trẻ Trung Quốc rơi vào một cuộc sống nhung lụa ảo được thêu dệt từ tiền vay với lãi suất cao. Dù tài chính hạn hẹp, Chen dành phần lớn số tiền đi vay vào các sản phẩm thẩm mỹ như tiêm Botox, mua mỹ phẩm và quần áo.
Do hoạt động ngầm và lọt lưới các quy định kiểm soát, cơ quan quản lý rất khó đánh giá chính xác số tiền mà các nền tảng tín dụng trực tuyến đang cho người trẻ vay. Ước tính, có hơn 7.000 đơn vị cho vay nhỏ lẻ như vậy, gần gấp đôi số lượng ngân hàng truyền thống.
Nhiều người trẻ Trung Quốc lâm cảnh nợ nần vì tiêu dùng quá độ các khoản vay tín dụng trực tuyến. Ảnh: Bloomberg. |
“Fintech là một dạng khác của ngân hàng bóng tối. Do đó, cơ quan quản lý kinh tế rất kiên quyết kiểm soát nó”, bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Natixis, nhận xét. “Các khoản vay trực tuyến này ảnh hưởng chủ yếu đến thế hệ trẻ, những người hầu như không có tiền tiết kiệm”, bà nói thêm.
Còn những người đã mắc nợ tín dụng như Zhang và Chen không có lối thoát rõ ràng. Lãi suất cao khiến họ dù phải trả nợ định kỳ nhưng không giảm được nhiều nợ gốc. Họ cũng khó vay tại các ngân hàng chính thống bởi những ngân hàng này yêu cầu hồ sơ tín dụng khách hàng tốt và bằng chứng thu nhập cụ thể của người vay.
“Fintech là một dạng khác của ngân hàng bóng tối. Do đó, cơ quan quản lý rất kiên quyết kiểm soát nó”
Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Natixis
Người trẻ ở Trung Quốc cũng không thể tuyên bố phá sản để hủy nợ. Ở Trung Quốc không có thủ tục tự tuyên bố phá sản, ngoại trừ một số thành phố lớn như Thâm Quyến hay Ôn Châu.
Điều này có nghĩa các con nợ phải tự mình thương lượng với chủ nợ về các khoản vay. “Tình huống này rất đáng lo ngại”, ông Shen Meng, giám đốc ngân hàng đầu tư Chanson & Co (Bắc Kinh) nói. Ông cho biết người đi vay có nguy cơ chuyển sang các kênh tín dụng đen để vay tiền trả nợ một cách bất hợp pháp, từ đó bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần càng nguy hiểm hơn.
“Rất nhiều người khó thoát khỏi mớ rắc rối từ việc đi vay trực tuyến này”, Meng nói.
Giới trẻ Trung Quốc chật vật học cách sống thiếu tín dụng
trung quốc
cho vay trực tuyến
ant group
jack ma
Theo: Zing News
Comments are closed.