Giá vàng tăng hơn 20 USD/ounce trong chưa đầy 24 giờ. Cách đây hơn một năm, kim loại quý chỉ mất vỏn vẹn 5 ngày để tăng từ mức hiện tại lên ngưỡng kỷ lục.
Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 24/1, trong chưa đầy 12 giờ, giá của mỗi ounce vàng đã tăng vọt gần 22 USD từ 1.914,8 USD lên 1.936,2 USD, đánh dấu mức cao nhất 9 tháng. Tính đến 10h40, giá kim loại quý điều chỉnh giảm về 1.934,6 USD/ounce.
Giá vàng tăng vọt khi các nhà đầu tư đánh giá những bước đi tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiến hành cuộc họp chính sách từ ngày 31/1 đến ngày 1/2 tới.
Theo CME Group, giới đầu tư tin rằng khả năng Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên tới 94,3%. Các nhà giao dịch trên thị trường kỳ hạn dự báo Fed sẽ đẩy lãi suất điều hành lên 4,75-5% vào giữa mùa hè, rồi cắt giảm 0,5 điểm phần trăm cuối năm nay.
Ngày 24/1, giá vàng vọt lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng. Ảnh: Trading Economics. |
Bước đi của Fed
“Các ván cược vào việc Fed giảm tốc độ nâng lãi suất đang tăng lên, bởi những tín hiệu của một cuộc suy thoái kinh tế ngày càng rõ ràng”, ông Edward Moya – chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (Mỹ) – nói với Zing.
Một số quan chức Fed cũng cho rằng cần giảm tốc độ tăng lãi suất, trong đó có Phó chủ tịch Fed Lael Brainard. Bà cho rằng tác động từ các động thái của ngân hàng trung ương Mỹ có thể vẫn chưa được phơi bày đầy đủ. Năm ngoái, Fed đã tăng lãi suất 7 lần từ 0-0,25% lên 4,25-4,5%.
Thống đốc Fed Christopher Waller và Chủ tịch Fed Chi nhánh Boston Susan Collins cũng nghiêng về việc giảm tốc độ tăng lãi suất. Bà Collins cho rằng nguy cơ tăng lãi suất quá mạnh tay và áp lực lên nền kinh tế đang tăng lên.
Các dữ liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng của kinh tế Mỹ đang giảm tốc nhanh chóng. Chỉ số giá sản xuất ghi nhận mức giảm 0,5% trong tháng 12/2022, còn doanh số bán lẻ lao dốc 1,1%.
Lãi suất tăng cao khiến chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng tăng lên. Ảnh: Reuters. |
Theo các dữ liệu trước đó, trong tháng 12 năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ đã ghi nhận mức giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ đầu đại dịch, và mức tăng hàng năm thấp nhất trong hơn một năm.
Số việc làm trong tháng 12/2022 của Mỹ ghi nhận tốc độ tăng hàng tháng thấp nhất trong vòng 2 năm. Thu nhập của người Mỹ cũng tăng trưởng chậm lại. Các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ sụt giảm đột ngột vào tháng cuối năm vì nhu cầu suy yếu.
Triển vọng của kinh tế Mỹ đang xấu đi, còn tăng trưởng việc làm chậm lại đáng kể. Đó là tin vui với Fed. Bởi ngân hàng trung ương Mỹ muốn đánh đổi tăng trưởng kinh tế để kìm hãm lạm phát, vốn đã vọt lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Các tài sản rủi ro hưởng lợi
Vàng rất nhạy cảm với lãi suất. Bởi lãi suất tăng cao khiến chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng tăng lên. Tương tự vàng, một số thị trường hàng hóa khác như dầu cũng hưởng lợi nhờ khả năng Fed giảm tốc độ tăng lãi suất.
Tính đến 11h ngày 24/1, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu đã vọt lên 88,4 USD/thùng, đánh dấu mức cao nhất kể từ giữa tháng 11 năm ngoái. Còn dầu WTI của Mỹ được giao dịch quanh ngưỡng 82 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch ngày 23/1 (giờ Mỹ), chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones nhích nhẹ 0,76% lên 33.629 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq có thêm lần lượt 47,2 điểm (+1,19%) và 223,98 điểm (+2,01%). Bitcoin – đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới – cũng được giao dịch trên ngưỡng 23.000 USD/đồng.
Giới quan sát tin rằng kim loại quý sẽ lập kỷ lục mới trong năm nay. Năm ngoái, theo dữ liệu của Trading Economics, giá vàng đã vọt lên ngưỡng cao chưa từng có 2.043,7 USD/ounce vào tháng 3, sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine. Kim loại quý chỉ mất vỏn vẹn 5 ngày để tăng từ mức giá hiện tại (hơn 1.934 USD/ounce) lên mốc kỷ lục.
Vàng chủ yếu được giao dịch trên thị trường phi tập trung của London, thị trường kỳ hạn tại Mỹ và sàn giao dịch Thượng Hải. Giá vàng do Trading Economics theo dõi dựa trên cả các công cụ tài chính phi tập trung (OTC) và hợp đồng chênh lệch (CFD).
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu… Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.
Giá dầu cao nhất 2 thángGiá dầu bất ngờ tăng mạnh trong vòng 24 giờ qua. Giá dầu Brent áp sát ngưỡng 88 USD/thùng và đánh dấu mức cao nhất 2 tháng. |
Giới nhà giàu né hàng nghìn tỷ USD thuế thừa kếTheo báo cáo mới được Oxfam Quốc tế công bố, việc áp thuế 5% đối với các triệu phú và tỷ phú có thể thu về 1.700 tỷ USD mỗi năm, đủ để giúp 2 tỷ người thoát khỏi nghèo đói. |
Theo: Zing News
Comments are closed.